Tài chính tiêu dùng: Thay đổi cán cân cạnh tranh

TUYẾT ÂN - HOÀNG DUY| 07/06/2018 03:36

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, năm 2017, dư nợ cho vay tiêu dùng cả nước đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng nhưng thị phần của các công ty tài chính chưa tới 10%, còn rất nhỏ so với tổng dư nợ vay tiêu dùng. Dự báo nhiều sản phẩm tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục được phát triển, các ngân hàng, công ty nhiều tiềm lực sẽ gia nhập thị trường...

Tài chính tiêu dùng: Thay đổi cán cân cạnh tranh

Các ngân hàng mở công ty tài chính để đa dạng hóa khách hàng

Cho vay tiêu dùng ngày càng trở thành mảng kinh doanh quan trọng khiến các ngân hàng chú trọng phát triển bên cạnh các nghiệp vụ tài chính khác.

Năm 2017, Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit công bố mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 45% và 55% so với năm trước, đóng góp 51% vào tổng lợi nhuận của ngân hàng mẹ VPBank. Dư nợ cho vay của FE Credit năm 2017 đạt 45.000 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần của năm 2014, nhưng chỉ chiếm 25% tổng dư nợ của VPBank.

Con số này đã giúp FE Credit chiếm lĩnh gần 50% tổng dư nợ toàn thị trường tài chính tiêu dùng, gấp 3 lần công ty có thị phần kế tiếp là Home Credit với 16%. FE Credit cho biết hiện có hơn 7 triệu khách hàng, 7.000 đối tác và khoảng 11.000 điểm bán hàng ở các tỉnh - thành.

"Cánh tay phải" của ngân hàng

Báo cáo kinh doanh quý I/2018, FE Credit đạt doanh thu thuần 3.571 tỷ và lợi nhuận sau thuế 735 tỷ đồng, giảm 26%, tỷ lệ nợ xấu tăng 5,9% so với quý IV/2017, tuy nhiên số khoản vay mới trong quý đạt đến 1,1 triệu đồng, tăng hơn 30% cùng kỳ 2017. Theo ông Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE Credit, mức tăng này là khả quan đối với kế hoạch đề ra cho cả năm 2018 là dư nợ cho vay đạt 61.500 tỷ và lợi nhuận hơn 5.000 tỷ đồng.

Link bài viết

Năm 2013, FE Credit vẫn còn thua lỗ nhưng năm 2014 bắt đầu khởi sắc, đã chứng minh việc chuyển sang cho vay tiêu dùng là phù hợp với xu thế thị trường. Để giữ vững vị trí thống lĩnh thị phần hơn 50%, VPBank liên tục huy động nguồn tài chính để gia tăng tiềm lực và củng cố lợi thế thông qua những khoản vay trong năm 2017: vay 50 triệu USD từ Lion Asia, vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank, vay 100 triệu USD từ Credit Suisse AG Singapore.

Năm 2015, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) bán 49% cổ phần của Công ty Tài chính HD Finance cho đối tác Credit Saison - một trong các tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản và liên doanh HD Saison bắt đầu được đẩy mạnh.

Chiến lược nhắm đến tầng lớp tiêu dùng trẻ và chủ yếu cho vay ngắn hạn của HD Saison đã nhanh chóng đạt kết quả. Danh mục cho vay của HD Saison năm 2017 cho thấy gần 41% cho vay mua xe máy, hơn 24% cho vay mua thiết bị gia dụng, 32,5% cho vay tiền mặt và khoảng 2,5% cho vay các sản phẩm khác; 45,5% tổng dư nợ tín dụng đến từ các khoản cho vay ngắn hạn từ 12 tháng trở xuống.

Việc kiểm soát cho vay và xử lý nợ tốt sau khi trở thành liên doanh đã đưa HD Saison thành công ty cho vay tiêu dùng có hiệu quả kinh doanh cao với lợi nhuận thuần 2017 đạt 416 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm trước. Năm 2017, HD Saison có mạng lưới 11.500 POS với hơn 3,6 triệu khách hàng thì quý I/2018 đã cán mốc 4 triệu khách hàng và 12.000 POS. HDBank công bố năm 2017 dư nợ tài chính tiêu dùng từ HD Saison khoảng 9.500 tỷ đồng, đưa HD Saison lên vị trí thứ ba về dư nợ cho vay trong hệ thống công ty tài chính tiêu dùng, sau FE Credit và Home Credit.

Tham vọng top đầu

Kết quả khả quan của FE Credit và HD Saison khiến các ngân hàng khác đặt tham vọng phát triển mảng tài chính tiêu dùng. Mới ra mắt năm 2016, đến hết quý I/2018, tổng dư nợ của Công ty Tài chính TNHH MTV Mcredit thuộc Ngân hàng Quân đội (MB) đạt 2.242 tỷ đồng với hơn 352.000 khách hàng và 648 điểm dịch vụ. Năm 2018 Công ty Tài chính MB Shinsei - liên doanh giữa MB và Shinsei Bank của Nhật, đặt mục tiêu đưa Mcredit vào top 5 công ty tài chính tiêu dùng với tổng dư nợ 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 300 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thống nhất kế hoạch đưa Công ty Tài chính SHB (SHB FC) vào hoạt động từ tháng 7 tới với mục tiêu sau 5 năm đưa SHB FC vào top 3 công ty tài chính về dư nợ cho vay tiêu dùng. Tương tự, đại hội đồng cổ đông OCB năm 2018 cũng thông qua chủ trương thành lập Công ty Tài chính OCB, kể cả phương án đầu tư ít nhất 70% chi phối công ty khác để đưa mảng này thành công ty độc lập.

Thanh toán tiền trực tuyến

Thanh toán tiền trực tuyến

Sự có mặt của nhiều công ty nước ngoài với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm dự báo sẽ đẩy thị trường này vào cuộc đua khốc liệt hơn. Chẳng hạn Lotte Card - thành viên của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã chi 1.700 tỷ đồng mua lại toàn bộ bộ phận tài chính tiêu dùng TechcomFinance của Techcombank.

Ngân hàng Shinhan của Hàn Quốc chi 151 triệu USD thâu tóm 100% Công ty Tài chính Prudential Vietnam ngay sau khi thâu tóm mảng ngân hàng bán lẻ của ANZ Vietnam. Prudential Finance vốn là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, có mạng lưới hơn 300.000 khách hàng và dư nợ tín dụng đứng thứ tư trong nhóm công ty tài chính.

Một đơn vị khác là Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance) mới đây được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho vay trả góp và cho vay tiêu dùng, thay cho mô hình tổ chức tín dụng trước đây. Với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, EVN Finance trở thành công ty có quy mô vốn lớn nhất trong số các công ty tài chính hiện nay.

Trước đó EVN Finance chủ yếu cấp tín dụng các kỳ hạn với ưu tiên cho vay trung dài hạn cho các doanh nghiệp ngành điện, với các khoản vay năm 2017 hơn 8.960 tỷ và lợi nhuận khoảng 210 tỷ đồng.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng 65% so với năm 2016, tỷ trọng trong tổng dư nợ tài chính tăng lên 18% so với năm 2016. Bên cạnh các khoản vay cho nhu cầu mua, thuê, xây dựng, sửa chữa nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chiếm gần 53%) thì các khoản vay mua trang thiết bị gia đình, phương tiện đi lại đang trở thành dịch vụ cho vay chủ chốt của các công ty tài chính.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy gần 47% dân số Việt Nam có vay mượn nhưng chỉ 18% có khả năng vay từ ngân hàng và các công ty tài chính, tương đương khoảng 9% dân số tiếp cận được nguồn vốn chính thức, 28% còn lại phải tìm nguồn vay bên ngoài, kể cả tín dụng đen, là một rủi ro lớn cho dân sinh và phát triển tài chính bền vững. 

Hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng đều mở rộng mạng lưới liên kết với các ví điện tử như Payoo, MoMo nhằm thông qua mạng lưới của các công ty này với hàng ngàn cửa hàng tiện tích, siêu thị, trung tâm thương mại để đưa sản phẩm phủ rộng hơn đến người dân.

Phổ biến nhất của xu hướng này hiện nay là các chương trình cho vay trả góp lãi suất 0% được tổ chức ở hầu hết khắp các cửa hàng điện thoại - điện máy bằng việc liên kết để tiếp cận đến nhiều khách hàng nhất. Trong đó các công ty cho vay đóng vai trò như một nhà môi giới thu chiết khấu trên doanh số bán ra từ các nhà bán lẻ, các hãng sản xuất đưa hàng qua kênh phân phối. Mô hình này được xem là thu hút cá nhân mua hàng chính thức với lãi suất đi liền với hàng hóa, các nhà cung cấp tăng doanh số bán hàng và công ty tài chính hưởng mức chiết khấu cho vay, giảm trung gian đồng thời giảm rủi ro và giảm được chi phí nhân sự.

Trong khi tính liên kết giữa các ngân hàng thương mại và các công ty công nghệ tài chính (fintech) hiện còn lỏng lẻo thì việc hợp tác giữa các fintech là trung gian thanh toán với các công ty tài chính tiêu dùng ngày càng chặt chẽ và thể hiện tính cạnh tranh quyết liệt. Dịch vụ công nghệ cũng giúp cho mạng lưới bán hàng và thanh toán của 2 nhóm công ty này giải quyết được tính linh hoạt và tiện dụng, quy trình đơn giản và thủ tục nhanh chóng hơn. Đặc biệt dịch vụ này đã giúp tiếp cận người tiêu dùng trẻ, kể cả nhóm chưa có thu nhập như sinh viên được xem là phân khúc tiêu dùng tiềm năng.

Dự báo xu hướng các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán cũng có thể gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng nhờ vai trò là những nhà cung cấp dịch vụ công nghệ có mạng lưới kết nối, hệ sinh thái khách hàng rộng lớn và sản phẩm thanh toán đa dạng từ việc thanh toán hóa đơn tiện ích như điện nước, viễn thông, internet đến mua sắm trực tuyến. Chẳng hạn Payoo hiện vận hành hệ thống kết nối hầu hết các dịch vụ công và số điểm giao dịch bán lẻ phủ khắp cả nước, ví điện tử MoMo với mạng lưới kết nối người dùng di động dẫn đầu thị trường là các đơn vị có tiềm lực cạnh tranh trong lĩnh vực liên kết thanh toán, thậm chí trực tiếp cho vay tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tài chính tiêu dùng: Thay đổi cán cân cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO