Nhu cầu thị trường y tế vẫn còn rất lớn

Minh Thảo| 15/05/2020 07:46

Vượt qua tác động ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực vật tư y tế, dược phẩm đang nỗ lực tăng cường sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhu cầu thị trường y tế vẫn còn rất lớn

các DN trao đổi thông tin

Vẫn có cơ hội

Theo kết quả kinh doanh quý I/2020, phần lớn các DN ngành dược đều có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ. Để đạt được kết quả đó, các DN đã tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược, đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, các DN thiết bị vật tư y tế  cũng đạt doanh thu không nhỏ. Một thống kê mới đây cho thấy, thị trường Mỹ đang có nhu cầu nhập khoảng 500 triệu khẩu trang N95, 200 triệu khẩu trang các loại, 1.000 máy trợ thở, 1 tỉ găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế...từ Việt Nam.

Tuy nhiên, các DN vẫn gặp khó khăn trong vấn đề nhập khẩu nguyên liệu, cạnh tranh thị trường và nhu cầu tiêu dùng thay đổi. Vì vậy, để bứt phá và tăng tốc, các DN trong ngành  đang bắt tay hành động nhanh, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối để tiến xa ra thị trường thế giới. 

Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân mới đây, với việc tìm khách hàng mới, thị trường mới thì đầu tháng 3/2020 chỉ có 7% DN trả lời đã chủ động tiến hành, nhưng đến khảo sát lần này tỷ lệ này đã tăng lên 16%.

Điều đó cho thấy, các DN đã có sự nỗ lực không ngừng, chủ động rất lớn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tăng cường tìm kiếm thị trường mới trong giai đoạn hậu Covid-19. Hơn nữa, với những chuyển biến tích cực của ngành y tế khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong nước cũng như nhiều sản phẩm thiết bị y tế Việt Nam đã được sản xuất với tiêu chuẩn và chất lượng quốc tế được công nhận và đánh giá cao, các chuyên gia cũng dự đoán rằng lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe sẽ còn phát triển vượt bậc hơn nữa thời hậu Covid-19.

Theo báo cáo mới nhất của Nielsen Vietnam, sức khỏe tiếp tục là mối quan tâm đầu tiên của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2020, vượt qua các yếu tố khác như sự ổn định của công việc, vấn đề cân bằng cuộc sống hay tình hình kinh tế trong nước...

"Người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm đến sức khỏe của họ hơn bao giờ hết. Trong đó, ô nhiễm không khí và môi trường ngày càng trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi người", bà Louise Hawley- Giám đốc điều hành tại Việt Nam của hãng nghiên cứu thị trường quốc tế Nielsen dự đoán.

Cũng theo báo cáo gần đây của công ty môi giới bảo hiểm Aon, chi phí chăm sóc y tế toàn cầu tăng lần lượt là 7,8% và 8% trong năm 2019 và 2020. Tại Việt Nam, mức tăng được dự đoán sẽ đạt 11% trong năm 2020. Thống kê của Bộ Y tế cũng cho biết, mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài khám, chữa bệnh và chi hơn 2 tỷ USD cho các dịch vụ này.

Chuẩn bị nội lực để nắm cơ hội

Trong bối cảnh các nước và Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn đối với các trang thiết bị, vật tư y tế để chống lại ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ hội cho DN đang mở ra. Thực tế, các đơn hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế, khả năng sản xuất Kit thử SARS-CoV-2 giá rẻ của Việt Nam  đã được thế giới ghi nhận. Cụ thể như lô hàng hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế phục vụ chống dịch Covid-19 sản xuất tại Việt Nam sang Mỹ là một sự khẳng định về năng lực sản xuất của Việt Nam. 

Theo báo cáo của Vụ thị trường- Bộ Công Thương  đăng trên trang tin Nhà đầu tư về khả năng sản xuất của Việt Nam: “ Năng lực của các DN Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu, đơn cử như sản xuất khẩu trang, các DN có khả năng sản xuất với 40 triệu chiếc khẩu trang/ngày. Con số này tương ứng với khoảng 1,2 tỉ chiếc/tháng”.

Tuy nhiên, phía các nước nhập khẩu cũng yêu cầu rất cao về chất lượng, quy cách các sản phẩm y tế nhập khẩu, kể cả các mặt hàng đơn giản như khẩu trang từ các nước, vì vậy, các DN trong nước cũng cần chuẩn bị nội lực, sức khỏe để đáp ứng và tìm cơ hội. 

Đại diện Ban tổ chức Triển lãm Y tế quốc tế Việt Nam-Pharmed & Healthcare 2020 cho biết: “Hiện, có rất nhiều DN  trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, cả trong và ngoài nước đều có nhu cầu giao lưu, trao đổi và tìm hiểu các thiết bị, công nghệ  mới để thay đổi chiến lược kinh doanh sản xuất. Bởi, các DN đã ý thức việc thay đổi công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, chính là “lối mở” để vực dậy sau đại dịch”. 

detmay1-5247-1589539557.jpg

Các DN dệt may trong nước có đủ năng lực để xuất khẩu khẩu trang

Vị đại diện này cũng cho biết thêm, dù triển lãm Y tế quốc tế Việt Nam - Pharmed & Healthcare 2020 diễn ra cuối năm nay nhưng hiện đã có hơn 400 DN đến từ 25 vùng quốc gia và lãnh thổ tham gia, tăng hơn 20% so với triển lãm trước, cho thấy sự quan tâm cũng như nỗ lực phục hồi tình hình sản xuất kinh doanh của các DN đang rất mạnh mẽ”.

Đại diện một công ty dược phẩm cho biết, mục đích của DN khi tham dự triển lãm không chỉ để tiếp cận công nghệ, thiết bị mới  hay mở mang, tìm đối tác mà còn tham gia các hội nghị, hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế để  tìm hiểu xu hướng, nắm thông tin thị trường cũng như cập nhật nhiều thông tin cần thiết cho chiến lược phát  triển công ty trong từng giai đoạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhu cầu thị trường y tế vẫn còn rất lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO