Nguy hại từ gian lận thực phẩm

MINH HÀO| 29/06/2018 03:35

Việc pha trộn, pha loãng các nguyên liệu thực phẩm sẽ gây nguy hại không ít, đặc biệt với hàng xuất khẩu, nhiều trường hợp phải hủy hàng, thậm chí bị cấm xuất vĩnh viễn...

Nguy hại từ gian lận thực phẩm

Gian lận thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng mà còn gây hại cho doanh nghiệp. Ảnh: X.Th

Gian lận thực phẩm là cố ý pha trộn, pha loãng, thay thế, ghi nhãn sai, ăn cắp hoặc dùng nguyên liệu thực phẩm chất lượng kém để thu lợi bất chính. Việc làm này có thể dẫn đến bệnh tật, tử vong... cho người sử dụng và gây hại đến uy tín thương hiệu doanh nghiệp.

Vấn đề này đã tồn tại từ lâu và mỗi năm có đến 10 - 15 tỷ USD hàng hóa gian lận thực phẩm bị phát hiện, chiếm khoảng 10% tổng giá trị các sản phẩm trên thị trường. Điều này đã gây ảnh hưởng đến vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng và thương hiệu của các nhà sản xuất.

Năm 2013, vụ gian lận thực phẩm "từ thịt ngựa biến thành thịt bò” đã gây chấn động châu Âu. Vào đầu năm này, một cơ quan về an toàn thực phẩm của Anh phát hiện thịt bò bán tại các siêu thị do nhiều đơn vị bán lẻ tại châu Âu cung cấp là thịt ngựa. Việc này đã làm toàn châu Âu rúng động và nguyên ngày 13/2/2013 thay vì được nghỉ lễ thì toàn bộ nhân viên các hệ thống bán lẻ ở châu Âu phải đi thu hồi sản phẩm. Điều này khiến lòng tin của người tiêu dùng lung lay.

Tại Việt Nam, những trường hợp "đánh cắp" hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu năm 2014 cũng khiến dư luận xôn xao. Hay như trường hợp các doanh nghiệp vì nhu cầu tăng mà phải mua hàng ở những nhà cung cấp không được kiểm soát khiến chất lượng sản phẩm không đảm bảo.

Link bài viết

Một báo cáo thống kê chỉ ra rằng, trong tất cả các vụ thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn. Số liệu báo cáo từ Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu cho thấy, có đến 61% các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm về sinh học. Cụ thể, có 4% trường hợp mất an toàn vệ sinh thực phẩm do các thành phần nguyên liệu, 4% là do hàng giả mạo, 4% do chất gây dị ứng...

Thông tin này khiến các nhà phân phối lẻ cảm thấy lo lắng, bởi thực phẩm được kiểm soát với quy trình chặt chẽ nhưng khi đến tay người tiêu dùng vẫn vi phạm an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề bức bách buộc các nước ở châu Âu và Mỹ ban hành những đạo luật mới, trong đó quy định chặt chẽ về gian lận thực phẩm. Cụ thể, hàng nhập khẩu phải đảm bảo các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng như BRC, FSSC 22000, IFS.

Ông Nguyễn Văn Anh - Trưởng Phòng đào tạo và đánh giá nhà cung cấp của Bureau Veritas Việt Nam chia sẻ, gian lận thực phẩm là một trong những vấn đề "nóng" được Mỹ và các nước ở châu Âu rất quan tâm.

"Họ có thể áp dụng mọi biện pháp để kiểm tra xem các loại thực phẩm nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm hay không. Các cơ quan chức năng Mỹ quy định, nếu những thay đổi về đặc tính sản phẩm, chất lượng không đúng theo quy cách ban đầu nhưng không gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì chấp nhận được, nhưng nếu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng thì được xem là gian lận thực phẩm", ông Nguyễn Văn Anh cho biết.

Hiện tại, các quy định về gian lận thực phẩm, chất dị ứng... được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm tra qua hồ sơ của nhà nhập khẩu. Trong trường hợp khẩn cấp, FDA đến tận nơi triển khai và trong vòng 24 giờ, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp hồ sơ cho họ.

Nếu không cung cấp được các chứng nhận đảm bảo theo quy định của Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA), hàng hóa của doanh nghiệp sẽ bị trả về hoặc bị thu hồi để tiêu hủy, thậm chí có thể bị cấm nhập khẩu vào Mỹ vĩnh viễn.

Chính các vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thực phẩm... đã khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, gặp khó khăn khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Mỹ. Đến nay đã có hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam bị loại khỏi danh sách được xuất hàng vào Mỹ do không nắm được quy định mới. Tháng 12/2016, có 1.845 nhà máy sản xuất thực phẩm của Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào Mỹ nhưng trong tháng 1 năm nay chỉ còn lại 806 doanh nghiệp.

Để không vi phạm vấn đề gian lận thực phẩm, ông Nguyễn Văn Anh khuyên doanh nghiệp nên lấy mẫu sản phẩm mang đi kiểm tra, phân tích ở các phòng thí nghiệm về các chỉ tiêu. Song song đó, phải kiểm soát chuỗi nhà cung ứng bằng việc áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như BRC, FSSC, IFS, đào tạo nhân viên ở từng khâu để kiểm soát mối nguy. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề liên quan đến thực phẩm cũng nên có những cảnh báo cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguy hại từ gian lận thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO