Hút nguồn lực Việt kiều về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam

Mỹ Huyền| 18/07/2021 06:00

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ban Điều hành Đề án 844 vừa ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chính thức. Theo đó, nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài được huy động để hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Q-6078-1626530542.png

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát biểu tại Edtech Festival 2021

Thông tin được ghi nhận tại hội thảo Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp tổ chức. 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho hay DN khởi nghiệp với mô hình đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ mới sẽ đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. 

Năm 2016 đã được lựa chọn là năm "Quốc gia khởi nghiệp" và Chính phủ đã ban hành các chính sách và đề án cụ thể hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã từng bước được hình thành. Tuy nhiên, các DN khởi nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn vì thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm. Họ vẫn cần nhận được sự hỗ trợ từ những DN thành công đi trước.

Vì vậy, việc hợp tác giữa Ban điều hành Đề án 844 và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài sẽ giúp tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia, người Việt tại nước ngoài và tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng.

Hai bên hợp tác định hướng hoạt động sắp tới gồm hai nội dung chính. Một là truyền tải thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hai là thúc đẩy các chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước.

Điều này cũng phù hợp với định hướng của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Đã đến lúc phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam”. Việc đưa startup Việt ra thế giới tiếp cận với các hệ sinh thái phát triển trên thế giới cũng quan trọng như việc thu hút các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Bộ Khoa học & Công nghệ thông qua Đề án 844 đã có nhiều hoạt động phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Nổi bật nhất có  chương trình TECHFEST Quốc tế tại Mỹ, Singapore, Hàn Quốc.

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy sự nổi lên của nhiều DN khởi nghiệp với các nền tảng công nghệ AI, Robot, IoT… Nhiều giải pháp được xây dựng và phát triển bởi những chuyên gia người Việt Nam nước ngoài. Họ cũng đóng góp cho công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Ông Phạm Kim Cương, nhà sáng lập của Cohost AI kiến nghị Nhà nước công nhận mô hình kinh tế chia sẻ để DN được tiếp sức chống chọi với dịch và phát triển trong bình thường mới. Dựa trên mô hình chia sẻ thành công ở nước ngoài, mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp bớt gánh nặng về tài chính và cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Văn phòng Đề án 844, Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss Entrepreneurship Program) và Hội Khoa học & Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cũng khởi động Chương trình Cố vấn Khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu (Global Mentoring Program for V-startups) sau ký kết hợp tác.

Trong chương trình, các chuyên gia người Việt ở nước ngoài sẽ cố vấn cho các startup Việt Nam giải quyết các khó khăn theo hình thức cố vấn 1-1.  Theo số liệu từ chương trình Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là dịch vụ có tác động đến việc tăng doanh thu gấp 3.5 lần cho người khởi nghiệp. Cơ hội gọi vốn thành công cũng tăng 7 lần. 

Hội thảo trên nằm trong chuỗi Ngày hội Công nghệ giáo dục - Edtech Festival 2021 trực tuyến. Trong chuỗi ngày hội còn có Triển lãm ảo Edtech Exhibition với sự tham gia của gần 100 DN, cuộc thi Tìm kiếm ngôi sao khởi nghiệp sáng tạo - Edtech Vietnam 2021, hội thảo trực tuyến “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục” và tọa đàm trực tuyến “Thư viện số trong trường học”.

Đáng chú ý, vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm ngôi sao khởi nghiệp sáng tạo - Edtech Vietnam 2021 diễn ra vào sáng 16/7 đã chọn ra 3 quán quân. Quán quân ngôi sao khởi nghiệp Edtech thuộc về DINO với dự án Ứng dụng giáo trí cho trẻ tiền tiểu học Dino. Quán quân ngôi sao khởi nghiệp Unitech thuộc về dự án Mỹ phẩm từ Trầm hương Việt Nam. Giải thưởng ý tưởng sáng tạo thuộc về dự án Baselive.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hút nguồn lực Việt kiều về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO