Đầu tư giáo dục: Cuộc đua ngàn tỷ

LỮ Ý NHI| 30/11/2017 08:32

Tỷ suất lợi nhuận lớn, tăng trưởng ổn định, rủi ro thấp hơn so với đầu tư vào các lĩnh vực khác. Đó là lý do những năm gần đây, đầu tư giáo dục luôn diễn ra, nhất là những đợt M&A với quy mô ngày càng lớn.

Đầu tư giáo dục: Cuộc đua ngàn tỷ

Ông Nguyễn Anh Toàn - cố vấn kinh tế Viện Quản lý kinh doanh quốc tế IBM nhận xét: "Một trong những rào cản của sinh viên Việt Nam khi hội nhập vào cộng đồng thế giới là hạn chế về tiếng Anh và kỹ năng mềm, bên cạnh đó, giáo trình đào tạo bậc cao đẳng, đại học chưa gắn kết với thị trường lao động, người dân quan tâm hơn đến chi tiêu về giáo dục. Tất cả dẫn đến việc đầu tư vào giáo dục những năm qua trở nên sôi động".

Bà Trần Thị Phi Yến - Giám đốc Điều hành Học viện IvyPrep - một mô hình đào tạo dự bị đại học theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam cho rằng, sự ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng là nguyên nhân làm cho đầu tư vào giáo dục tăng cao, tuy nhiên quy mô vốn mà các doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn so với các ngành khác. Vì vậy, giáo dục vẫn là thị trường màu mỡ cho các nhà đầu tư tiếp tục tìm cơ hội.

Bà nói: "Giáo dục là lĩnh vực không có giới hạn về nhu cầu. Cùng với sự phát triển về khoa học và công nghệ, nhu cầu được trang bị kiến thức nghiệp vụ và ngôn ngữ đáp ứng thị trường việc làm trong nước và nước ngoài đang gia tăng. Cộng với đó là nhu cầu cho con cái du học của những phụ huynh khá giả ngày càng cao. Theo một nghiên cứu mới đây, 42% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 24 - độ tuổi vàng cho gần như tất cả các chương trình giáo dục, nên đầu tư vào các trường đại học, trường quốc tế song ngữ, trung tâm Anh ngữ đang là những "con gà đẻ trứng vàng" cho nhiều doanh nghiệp".

Link bài viết

Chia sẻ trên tạp chí Forbes tháng 9/2017, ông Kiều Xuân Hùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) cho biết: "Xu hướng đầu tư vào giáo dục đại học sẽ tiếp tục trong những năm tới vì đại học ngoài công lập hiện chỉ đào tạo chưa tới 15% sinh viên, trong khi đó theo mục tiêu của Chính phủ là 30%. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, giáo dục, đào tạo tư lên đến 70%".

Theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020, tổng quy mô đào tạo đại học và cao đẳng sẽ đạt khoảng 2,2 triệu sinh viên, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng, nhưng khả năng đáp ứng vẫn còn hạn chế.

Vậy nên nhiều nhà đầu tư nối tiếp nhau bước vào cuộc đua vào lĩnh vực này, như Quỹ Giáo dục Cognita mua Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) và Trường Tiểu học Quốc tế Saigon Pearl, Quỹ Giáo dục Nord Anglia mua Trường Quốc tế Anh (BIS), Quỹ Đầu tư của Mỹ TPG mua hệ thống Trường Song ngữ Việt Úc (VAS), Quỹ Đầu tư EQT đầu tư vào Trung tâm Tiếng Anh ILA, Quỹ Đầu tư TAEL đầu tư vào Tổ chức Giáo dục Hoa kỳ (IAE), Quỹ IFC của Ngân hàng Thế giới đầu tư vào Anh văn hội Việt Mỹ (VUS), Quỹ Mekong Capital đầu tư vào Trung tâm Anh ngữ YOLA, Tổ chức Giáo dục Hoa kỳ IAE đầu tư vào Đại học Thành Tây (Western University)... và nhiều giao dịch khác nữa.

Một lý do nữa để giáo dục ngày càng thu hút đầu tư, đó là nguồn lợi nhuận ổn định. Dù đầu tư giáo dục được xem là đầu tư lâu dài, vì thậm chí 10 năm sau chưa chắc đã lấy lại vốn, nhưng xét tỷ suất lợi nhuận so với tiền gửi ngân hàng thì cao hơn nhiều, lại ổn định, không sợ... nợ khó đòi vì sinh viên phải đóng tiền học ngay từ đầu năm học.

Một con số thống kê gần đây trên Forbes Việt Nam cho biết, trong số 43 trường đại học, cao đẳng cung cấp số liệu thu chi tài chính, có 77% trường thu vượt chi. Mảng đào tạo ngoại ngữ mang lại suất sinh lời gần như cao nhất trong đầu tư giáo dục, thấp nhất là 20% và nếu hoạt động tốt có thể đạt 50%.

Đồng tình với ý kiến cho rằng biên lợi nhuận trong giáo dục ổn định hơn so với nhiều ngành khác, nhưng ông Trần Vinh Dự - tư vấn tài chính tại Ernst & Young Việt Nam (EY) cho rằng: "Lý do khiến các nhà đầu tư đổ vốn vào giáo dục là do thấy được tiềm năng thị trường còn rất lớn vì tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, nhu cầu học hành, mở mang ra thế giới cũng tăng mạnh, trong khi về đại thể, giáo dục của Việt Nam còn lạc hậu".

Ước tính của một tổ chức giáo dục gần đây cho biết, mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 3 tỷ đô la Mỹ cho du học nước ngoài và con số này tăng nhanh qua từng năm. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu năm 2010, 2011, người Việt du học nước ngoài khoảng 98.000 thì năm 2016 có khoảng 130.000. Ở Úc, mỗi năm thu về 17 tỷ USD từ du học sinh, trong số đó không ít là từ Việt Nam. Đó chính là động lực dẫn đến việc đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư giáo dục: Cuộc đua ngàn tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO