Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Pakistan

Dương Nguyễn| 03/06/2020 07:49

Dù là đối thủ ngang tầm trên thị trường thế giới trong ngành dệt may và da giày, nhưng Pakistan vẫn muốn kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng. Đại diện Thương vụ Pakistan đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM để trao đổi về tiềm năng giao thương dài hạn.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Pakistan

Pakistan tìm thị trường xuất khẩu

Đại diện Thương vụ Pakistan đánh giá tiềm năng giao thương giữa Pakistan và Việt Nam rất lớn, mong đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới. 

Việt Nam và Pakistan đã có giao thương từ lâu, nhiều biên bản ghi nhớ và hiệp định thương mại được ký kết từ năm 2001. Pakistan là quốc gia đang phát triển nằm ở Nam Á, kinh tế phát triển nhanh dựa trên cải cách trong lĩnh vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là ngân hàng. Về xuất khẩu, Pakistan được xem là đối thủ ngang ngửa với Việt Nam trong lĩnh vực hàng dệt may và da giày.

Tuy nhiên, giao thương hai chiều giữa Việt Nam và Pakistan không ổn định và giảm mạnh trong mấy năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Pakistan với Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn 2015-2017 rồi giảm mạnh đến năm 2019. 

Bilateral-3-4607-1591181335.jpg

 Ông Ali Qayyum Raja - đại diện Thương vụ Pakistan tại Việt Nam (thứ 2 từ phải sang)

Bà Ngô Thị Phương Thảo - Tổng Lãnh sự Danh dự của Pakistan tại TP.HCM cho biết, ông Ali Qayyum Raja nhận nhiệm vụ làm Tham tán thương mại Pakistan tại Việt Nam nhiệm kỳ mới từ tháng 1/2020. Đến nay, khi các ảnh hưởng của dịch Covid-19 dịu bớt, ông mới vào TP.HCM để kết nối với cộng đồng doanh nghiệp tại đây được. Trước đó, Thương vụ Pakistan đã kết nối với cộng đồng doanh nghiệp phía Bắc qua Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Xúc tiến Thương mại Viettrade. 

Theo bà Thảo, Pakistan muốn mở rộng thị trường xuất khẩu là chính, nên kêu gọi Việt Nam tăng giao thương trong các ngành khá tương đồng với thế mạnh của họ, là hàng tiêu dùng. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Pakistan với Việt Nam giảm từ năm 2017 đến nay do chưa có hiệp định thương mại giữa 2 bên, nên sản phẩm chưa cạnh tranh và hoạt động tiếp cận thị trường chưa hiệu quả. 

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nam Á đạt gần 13 tỷ USD, tăng 4% về giá trị so với năm 2018. Trong đó, Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD. Riêng với Pakistan, trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Pakistan đạt hơn 518 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất siêu gần 200 triệu USD sang thị trường này.  

Ưu tiên lĩnh vực hàng tiêu dùng

Ông Ali Qayyum Raja - Tham tán thương mại Pakistan tại Việt Nam cho biết, hàng tiêu dùng là lĩnh vực phát triển nhanh ở Pakistan. Ông mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và đẩy mạnh giao thương vào lĩnh vực này. 

Vị này cho rằng, có 3 nhóm ngành rất tiềm năng để Việt Nam đầu tư và giao thương, gồm nhóm ngành truyền thống (thủy sản, dệt may và đan thêu, dược phẩm…), dịch vụ (logistics, du lịch, bệnh viện…) và nhóm phi truyền thống (thịt, rau củ quả…). 

Theo ông Ali Qayyum Raja, Pakistan có 7 vùng kinh tế trọng điểm và vùng kinh tế tự do Gwadar được ưu đãi thuế 20-40 năm cho doanh nghiệp tham gia. Với nhà đầu tư tài chính nước ngoài, họ không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối thiểu và được sở hữu đến 100% cổ phần nhiều doanh nghiệp tại Pakistan. 

Trước lời mời của ông Ali Qayyum Raja, đại diện doanh nghiệp TP.HCM cũng đặt vấn đề hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp đang rất cần nguồn da nguyên liệu. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, nhưng số lượng đã giảm mạnh từ 1,7 tỷ đôi năm 2018 xuống còn 1 tỷ đôi trong năm 2019. Nguyên do, theo ông Khánh là nhu cầu giày dép đang giảm, giá da thô cũng giảm mạnh. Ông Khánh cho biết doanh nghiệp TP.HCM đang cần nguồn da thành phẩm rất lớn. 

Bà Khưu Thị Thanh Thủy - Tổng thư ký Hội Dệt may Đan thêu HCM đặt vấn đề xuất khẩu khẩu trang vải sang Pakistan. Ông Ali Qayyum Raja cho rằng, hiện tại quốc gia này chưa cần, họ cũng đang xuất khẩu rất nhiều sản phẩm này ra thế giới như Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, hai bên có thể hợp tác sản xuất để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực TP.HCM cho biết đã từng xuất khẩu hàng qua Pakistan khoảng 5-6 năm trước. Thị trường Pakistan còn e dù bởi xu hướng tiêu dùng còn chuộng hàng giá rẻ. Ông Hiến đặt vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Pakistan. Tuy nhiên ông Ali Qayyum Raja lưu ý xu hướng tiêu dùng tại nước này vẫn chưa thay đổi nên rất khó đẩy mạnh giao thương lĩnh vực này. 

Với lĩnh vực dược và thiết bị y tế, Pakistan nổi tiếng thế giới về sản xuất và gia công dụng cụ phẫu thuật, nhập khẩu dược phẩm vào Việt Nam cũng khá nhiều. Dù vậy, ông Hứa Phú Doãn-Phó chủ tịch Hội Thiết bị Y tế TP.HCM nhận xét, do doanh nghiệp Pakistan chủ yếu xuất khẩu vào Việt Nam qua đường gặp trực tiếp doanh nghiệp nên giá trị giao thương chưa cao. Ông Doãn cũng mời doanh nghiệp Pakistan đầu tư xây nhà máy để sản xuất thiết bị y tế tại Việt Nam, nhất là ngành dụng cụ phẫu thuật, vốn đang còn trống và được hưởng rất nhiều ưu đãi đầu tư. 

Phía Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị Pakistan nên hợp tác nhiều hơn với Hiệp hội này, VCCI và ITPC để tiếp cận thị trường Việt Nam sâu hơn. Dù chưa có kết quả hợp tác cụ thể, nhưng ông Ali Qayyum Raja - đại diện Thương vụ Pakistan tại Việt Nam, nói sẽ tìm hiểu các nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp Pakistan và gửi thông tin cho Việt Nam trong thời gian tới. 

Chiều 1/6, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn (CLB DNSG) cũng đã tiếp đón ông Ali Qayyum Raja - Tham tán thương mại Pakistan tại Việt Nam để trao đổi về các cơ hội giao thương giữa hai nước. Pakistan mong muốn thúc đẩy thương mại hai nước hướng tới mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới. 

Chủ tịch CLB DNSG Võ Quang Cảnh cho biết, các doanh nhân hội viên CLB DNSG rất quan tâm đến Pakistan vì đây là thị trường rộng lớn với hơn 200 triệu dân. Đã có vài doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Pakistan. 

Tuy nhiên, hiện nay kim ngạch mua bán hai chiều giữa Pakistan và Việt Nam dưới mức 700 triệu USD, là thấp so với tiềm năng. Cụ thể, Pakistan là thị trường nhập khẩu trà (chè) lớn nhất thế giới. Năm 2019, Pakistan nhập trên 600 triệu USD sản phẩm trà, nhưng Việt Nam mới xuất khẩu trà sang Pakistan hơn 96 triệu USD. 

Ông Võ Quang Cảnh hy vọng trong nhiệm kỳ mới, ông Ali Qayyum Raja sẽ thúc đẩy việc ký kết các hiệp định thương mại tự do và hiệp định song phương về đầu tư và đường bay thẳng Việt Nam - Pakistan, để tạo thuận lợi cho quan hệ giao thương giữa hai nước.viber-image-2020-06-03-12-12-3-1914-9745

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Pakistan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO