Nhà thờ Đức Bà, điểm du lịch quen thuộc của du khách ở TP.HCM |
Khai thác tiềm năng liên kết vùng
Với mục tiêu đẩy mạnh kết nối phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 5/9/2019, hội thảo với chủ đề liên kết phát triển bền vững đã được tổ chức tại TP.HCM.
TP.HCM có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với sản lượng khai thác bình quân hơn 600 chuyến bay của gần 70 hãng hàng không đi và đến mỗi ngày; có cảng biển quốc tế là cửa ngõ giao thương hàng hóa khu vực phía Nam, Đông Nam Á và quốc tế; có hệ thống đường bộ, đường sông kết nối với các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL; có đường sắt đi qua các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước… Năm 2019, du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế; 32,77 triệu lượt khách nội địa.
Trong khi đó, ĐBSCL có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp và các sản phẩm du lịch miệt vườn; du lịch sông nước, sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch biển và nhiều loại hình du lịch văn hóa cộng đồng khác.
Tại hội thảo liên kết vùng du lịch vừa diễn ra, lãnh đạo các địa phương đã nhận định, với thế mạnh đặc thù của TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL, đẩy mạnh khai thác tiềm năng liên kết vùng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tất cả 14 tỉnh, thành trong phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của từng vùng. Trong đó, tăng trưởng du lịch phải đảm bảo cuộc sống người dân không bị đảo lộn mà phải đem lại lợi ích đó cho người dân khi họ tham gia vào quá trình làm du lịch.
Du lịch thông minh
Không chỉ đẩy mạnh liên kết vùng du lịch, TP.HCM còn đang tập trung vào mô hình du lịch thông minh (DLTM) để tạo đột phá trong khai thác, phát triển du lịch. Ngày 7/9/2019, hội thảo quốc tế về DLTM trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2019 đã diễn ra.
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của công nghệ thông tin giúp ngành du lịch có cơ hội tối ưu hóa công tác xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường; đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến, thương mại điện tử; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn.
Nhiều sáng kiến mang tính đột phá giúp các nhà quản lý có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng mô hình phát triển thành phố DLTM. Trong đó, DLTM lấy du khách là trung tâm, mục đích hướng đến mỗi du khách trở thành một cảm biến cung cấp dữ liệu đầu vào cho hệ sinh thái DLTM. TP.HCM được xem là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa trên nền tảng đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; TP.HCM cũng là nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử, các yếu tố văn hóa dân gian… là nguồn tài nguyên vô giá để khai thác, sử dụng cho mục tiêu phát triển DLTM.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, 4 chủ thể cấu thành DLTM là các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, du khách và người dân tham gia làm du lịch. Mỗi chủ thể phải đạt những mục tiêu riêng của mình, đồng thời phải có sự tương tác để đạt được mục đích tăng trưởng bền vững của toàn ngành du lịch. Phải xác định rằng, đứng ngoài xu thế DLTM thì điểm đến của thành phố sẽ dần trở nên lạc hậu.
TP.HCM hiện có nguồn nhân lực rất lớn là những người trẻ, sáng tạo, họ sẽ là nhân tố tích cực tham gia vào các công đoạn của dự án thành phố DLTM. Phải gắn liền DLTM với giao thông thông minh bởi thiếu yếu tố này thì rất khó triển khai các ý tưởng cụ thể. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp, người dân và du khách không thể thiếu tính đồng bộ của giao thông thông minh. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng triển khai những công việc cụ thể để gắn kết phát triển DLTM với khai thác liên kết vùng du lịch ĐBSCL, tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo mang lại sự trải nghiệm mới mẻ, độc đáo cho du khách.