Theo đó, Chính phủ thông qua một số đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải để triển khai hai dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quyết định tại Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 ngày 4/2/2021 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư hai dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Cụ thể sẽ chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 không vượt quá số vốn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/10/2017 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020, đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư quyết định phê duyệt điều chỉnh hai dự án thành phần theo quy định; rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của hai dự án thành phần chuyển đổi. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư tổ chức thực hiện các dự án thành phần theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu việc bố trí vốn để thực hiện dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ dự án. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện các thủ tục tiếp theo đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023.
Được biết, ngày 4/2/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư hai dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải), việc chuyển đổi phương thức đầu tư sang đầu tư công sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước sẽ trực tiếp thi công xây dựng dự án... góp phần thúc đẩy được tăng trưởng của nền kinh tế.
Về hiệu quả đầu tư, dự án giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, việc phát hành trái phiếu chính phủ để triển khai đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ rất hiệu quả do lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn tín dụng. Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước. Cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.