Xử lý nợ xấu sẽ nhanh hơn?

LÊ PHAN| 04/07/2016 06:48

Việc được trao nhiều quyền chủ động hơn trong việc đàm phán với khách hàng vay, tổ chức tín dụng có thể ghi nhận doanh thu từ việc bán nợ sẽ giúp VAMC đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Xử lý nợ xấu sẽ nhanh hơn?

Cho phép gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được trao nhiều quyền chủ động hơn trong việc đàm phán với khách hàng vay, tổ chức tín dụng có thể ghi nhận doanh thu từ việc bán nợ là những nội dung mới được bổ sung trong Thông tư số 08/2016/TT-NHNN vừa ban hành, có hiệu lực từ 1/8/2016. 

Đọc E-paper

Lợi cả đôi đường

Tính đến 31/12/2015, tổng giá trị trái phiếu đặc biệt VAMC đã phát hành là hơn 243 nghìn tỷ đồng. Các trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, vì ngày 28/8/2015 NHNN mới ban hành thông tư số 14/2015/TT-NHNN cho phép phát hành trái phiếu đặc biệt 10 năm, đặc biệt chỉ dành cho các tổ chức tín dụng đang tái cơ cấu và gặp khó khăn, do đó lượng trái phiếu kỳ hạn 10 năm là rất hạn chế.

Do đó, với giá trị trái phiếu đặc biệt 243 nghìn tỷ đồng, các tổ chức tín dụng phải trích lập theo quy định là 20%/năm, tương ứng với số tiền 48,6 nghìn tỷ/năm. Con số này quả thật rất lớn nếu so với tổng lợi nhuận của 31 ngân hàng (không tính 3 ngân hàng bị mua 0 đồng) trong năm 2015 ước hơn 40 nghìn tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong năm 2015 một số ngân hàng gặp nhiều khó khăn nên đã không thể trích đủ mức 20% này, do đó việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt để từ đó giãn thời gian trích lập dự phòng là điều cần thiết.

Theo quy định mới thì đối tượng được gia hạn chỉ bao gồm các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại và tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt có thể dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ. Bất kỳ tổ chức tín dụng nào công bố kết quả lợi nhuận lỗ sẽ là tín hiệu tiêu cực và có thể tác động tới tâm lý khách hàng, càng gây thêm khó khăn cho chính tổ chức tín dụng đó.

Do đó, đây là một giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm áp lực đối với kết quả về lợi nhuận, vì những tổ chức tín dụng nào bán nợ càng nhiều thì sẽ vừa bị giảm nguồn thu mà phải có mức trích lập hàng năm càng cao cho trái phiếu đặc biệt.

Thông tư 08 cũng trao nhiều quyền chủ động hơn cho VAMC về việc tái cơ cấu nợ cho khách hàng, miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện bán đấu giá. VAMC không còn quá phụ thuộc vào sự đồng ý, thống nhất từ các tổ chức tín dụng, mà được quyền thực hiện theo quyền hạn và sau đó thông báo lại cho tổ chức tín dụng đã bán nợ.

Như vậy, các khách hàng đang có các khoản vay bị bán cho VAMC giờ đây chỉ cần đề nghị bằng văn bản, thỏa thuận trực tiếp với VAMC, do đó thời gian và tiến độ xử lý có thể nhanh hơn.

Việc điều chỉnh lãi suất cũng không còn yêu cầu khách hàng đang có nợ xấu bán cho VAMC phải đáp ứng nhiều điều kiện đặt ra theo thông tư 19 trước đây.

Dễ hơn cho VAMC

Về phía VAMC, việc được trao thêm quyền sẽ giúp tổ chức này đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Thực tế việc ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC và nhận về trái phiếu đặc biệt, sau đó VAMC sẽ tìm cách xử lý số nợ xấu mà họ đã nhận, nhưng lời lỗ thế nào các ngân hàng phải chịu. Do đó, từ trước đến nay các ngân hàng khó tìm được tiếng nói chung với các đề xuất miễn giảm lãi cho khách hàng hay thông qua các phương thức và điều kiện cho VAMC bán nợ ra thị trường.

Tuy nhiên, quy định mới cũng cho phép VAMC được chủ động thực hiện bán đấu giá khoản nợ xấu trong trường hợp VAMC và tổ chức tín dụng bán nợ không thống nhất được phương thức hoặc điều kiện bán nợ.

Thông tư mới cũng cho phép VAMC được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường và sau 5 năm nếu không thể thu hồi được có thể xuất toán khoản nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng sau khi được NHNN và Bộ Tài Chính chấp thuận bằng văn bản.

Như vậy, ngoài giải pháp thu hồi nợ từ khách hàng, xử lý tài sản đảm bảo hoặc bán nợ xấu đã mua ra thị trường, giờ đây VAMC được cung cấp thêm một giải pháp là xử lý rủi ro. Vấn đề đặt ra là tiềm lực tài chính của VAMC phải thật sự mạnh nếu muốn xử lý rủi ro các khoản nợ xấu đã mua với giá trị lớn.

Về phía ngân hàng, ngoài việc được giãn thời gian trích lập dự phòng như đã nói ở trên, các ngân hàng còn có cơ hội ghi nhận thu nhập trong năm tài chính nếu giá bán nợ cao hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ.

Trong trường hợp giá bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ thì phần chênh lệch thấp hơn được bù đắp từ tiền bồi thường của cá nhân, tập thể gây ra tổn thất hoặc từ tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm và quỹ dự phòng rủi ro đã được trích lập trong chi phí, phần còn thiếu sẽ được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ của tổ chức tín dụng bán nợ.

Tuy nhiên, trường hợp này không áp dụng đối với tổ chức tín dụng bán nợ đang bị lỗ hoặc sẽ bị lỗ nếu hạch toán khoản chi phí này. Như vậy có thể thấy các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ khá nhiều từ những quy định sửa đổi, điều chỉnh mới ban hành trong thông tư 08.

>Tái cấu trúc các tổ chức tín dụng: Yếu tố nước ngoài

>VAMC đã mua được hơn 91.000 tỷ đồng nợ xấu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xử lý nợ xấu sẽ nhanh hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO