VN- Index đang tìm lối đi riêng

Khánh Phương| 10/04/2019 04:04

Sau khi tăng gần 10% trong quý I, VN-Index khép lại tuần đầu tiên của quý II chỉ tăng chưa đến 0,9%. Nếu so với đà tăng mạnh của chứng khoán thế giới trong cùng thời gian, có thể thấy VN-index dường như đang tìm lối đi riêng...

VN- Index đang tìm lối đi riêng

Những phiên ngược dòng

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 của Mỹ đã tăng gần 2% trong tuần qua, trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 2,8%, Hang Seng của Hồng Kông tăng hơn 3% và đáng kể nhất là chỉ số Shanghai của Trung Quốc tăng vọt 8,2%, đánh dấu sự khởi đầu quý II tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Những diễn tiến tích cực về thương mại được xem là động lực chính kéo thị trường từ châu Á đến Bắc Mỹ tăng mạnh trong tuần qua, khi các cuộc đàm phàn liên tiếp diễn ra từ Bắc Kinh đến Washington với kết quả đều cho thấy khả quan, mà theo giới quan sát sẽ sớm có một thỏa thuận thương mại được ký trong tương lai gần.

Dù vậy, VN-Index dường như khá thờ ơ với những tín hiệu tích cực về thương mại, khi có nhiều phiên ngược dòng với chứng khoán toàn cầu. Đơn cử như phiên ngày 3/4, trong khi các chỉ số chứng khoán trong khu vực tăng mạnh thì VN-Index lại ngược chiều xu hướng khi suốt phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ, trong sự ảm đạm và tâm lý bi quan của thị trường.

Hay như trước đó nữa là phiên ngày 1/4, khi chỉ số Shanghai của Trung Quốc tăng gần 2,6%, chỉ số Hang Seng sàn Hồng Kông tăng 1,7%, Nikkei 225 của Nhật tăng 1,4%, Kospi của Hàn Quốc và STI của Singapore tăng hơn 1%, thì VN-Index cũng chỉ tăng 0,8%, nhưng đó cũng là ngày tăng mạnh nhất trong tuần qua.

Nếu nhìn lại giai đoạn trước, thị trường trong nước thường có sự đồng pha với chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, cũng như phản ứng rất nhạy với những tiến bộ tại các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, thì diễn biến những ngày gần đây khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên, do đó càng nghi ngờ về triển vọng đi lên của thị trường trong tương lai gần.

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ thì đó dường như là điều tất yếu. Việc chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh ngoài yếu tố thương mại hỗ trợ thì số liệu kinh tế nước này khởi sắc trở lại, cũng như cam kết của Bắc Kinh về các gói kích thích để hỗ trợ thị trường đã tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, đồng thời kéo dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại trong suốt thời gian qua.

Trong khi đó tại Mỹ, các dữ liệu về sản xuất, thị trường việc làm và lạm phát đều tích cực, cũng như quyết định làm chậm lại lộ trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng trở thành chất xúc tác quan trọng thúc đẩy sự việc mua vào của các nhà đầu tư.

Nhiều nỗi e ngại

Ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam hiện vẫn khá thận trọng, không chỉ vì xu hướng của thị trường không thật sự rõ ràng khi VN-Index vẫn mắc kẹt dưới các vùng kháng cự chính, mà còn phải đối mặt với những thông tin không mấy tích cực từ quyết định tăng giá điện thêm 8,36% và giá xăng hơn 8% chỉ trong vòng một tháng qua.

Dù nhà điều hành dự kiến việc điều chỉnh trên tác động đến chỉ số giá tiêu dùng là không đáng kể, tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế thì những ảnh hưởng gián tiếp kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá là điều khó tránh khỏi. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đây cũng đưa ra dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019 và tăng lên 3,8% trong năm 2020.

Nỗi ám ảnh tháng 4 cũng khiến không ít nhà đầu tư e dè, khi lịch sử cho thấy thị trường thường bắt đầu điều chỉnh trong giai đoạn này và suy yếu thêm trong tháng 5, trước hiệu ứng "Sell in May and go away". Như trong năm 2018, đà điều chỉnh mạnh của VN-Index cũng khởi đầu từ nửa cuối tháng 4 và kéo dài gần như đến hết quý III.

Trong khi đó, theo bản cập nhật phân hạng thị trường mới nhất của FTSE Russell cho thấy, dù Việt Nam vẫn được giữ trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2, nhưng lại bị đánh giá thụt lùi ở ba tiêu chí, khiến không ít nhà đầu tư lo ngại đến triển vọng tăng hạng của thị trường Việt Nam có thể mất nhiều thời gian hơn, khi đã có sự thay đổi kém tích cực trong các tiêu chí đánh giá.

Về dữ liệu kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP quý đầu năm nay đạt 6,79%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 7,45% của cùng kỳ năm 2018, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp dù tăng 9,2% nhưng cũng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018, cho thấy áp lực duy trì tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong năm nay là không hề đơn giản. Đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang bị kiểm soát chặt chẽ, cũng như việc tăng giá điện và giá xăng tạo áp lực chi phí sẽ làm đà tăng trưởng của kinh tế thêm khó khăn.

Về hoạt động của doanh nghiệp, các báo cáo kiểm toán năm 2018 đã dần hé lộ những mảng màu xám, khi lợi nhuận của nhiều công ty giảm mạnh, khiến không ít cổ phiếu lao dốc trước áp lực bán mạnh của các nhà đầu tư.  Chính điều này càng khiến nhiều người lưỡng lự và muốn chờ một kết quả rõ ràng hơn trước khi rót tiền vào một cổ phiếu nào đó dù đã trong tầm ngắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VN- Index đang tìm lối đi riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO