Vì sao khối ngoại bán ròng?

LÊ PHAN| 26/08/2016 00:57

Chỉ trong 19 ngày đầu tháng 8, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.225 tỷ đồng, trong đó có đến 11/15 phiên bán ròng.

Vì sao khối ngoại bán ròng?

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), chỉ trong 19 ngày đầu tháng 8, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.225 tỷ đồng, trong đó có đến 11/15 phiên bán ròng. Quy mô giao dịch mỗi phiên của khối ngoại chỉ chiếm trung bình từ 10 - 15% giá trị giao dịch toàn thị trường, nhưng động thái của khối ngoại tác động rất lớn lên tâm lý thị trường. 

Đọc E-paper

Nỗi lo FED tăng lãi suất

Hầu hết giới chuyên gia và đầu tư đều nhận định, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25% vào cuộc họp tháng 9 sắp tới.

Trong bài phát biểu gần đây, William Dudley - Chủ tịch Ngân hàng dự trữ New York cho rằng, có thể lãi suất sẽ được nâng lên vào tháng 9, trong khi Chủ tịch FED tại Atlanta, Dennis Lockhart, cho rằng kinh tế Mỹ có thể đủ mạnh để cho phép tăng lãi suất ít nhất một lần trước cuối năm nay. Cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan dự báo có thể lãi suất sẽ tăng cao một cách nhanh chóng trong thời gian tới.

Những số liệu kinh tế gần đây của Mỹ cho thấy các dấu hiệu trái chiều. Tuy nhiên, biên bản họp tháng 7 của FED công bố hôm 17/8 cho thấy, các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) khá lạc quan về viễn cảnh kinh tế và thị trường lao động Mỹ, nhưng cũng cho rằng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự sụt giảm số việc làm trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến tiến trình nâng lãi suất. 

Dữ liệu công bố hôm 18/8 cho thấy đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này là 262.000, thấp hơn so với dự báo 269.000 và đã có 3 tuần giảm liên tiếp.

Việc FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn đầu tư tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, khi kích thích dòng vốn có thể chảy ngược về lại thị trường Mỹ. Vào tháng 4 đầu năm nay, khi những lời đồn đoán và kỳ vọng việc FED tăng lãi suất lên cao, khối ngoại cũng đã có động thái bán ròng đến 1.638 tỷ đồng trên HOSE.

Trước đó, vào tháng 12/2015, thời điểm FED nâng lãi suất thêm 0,25%, khối ngoại đã bán ròng liên tiếp 1.995 tỷ đồng trong tháng 12, 1.310 tỷ đồng trong tháng 1/2016 và 225 tỷ đồng trong tháng 2/2016.

Như vậy có thể thấy, bất kỳ động thái nâng lãi suất nào của FED hoặc chỉ cần kỳ vọng khả năng đó xảy ra cũng có thể tác động đến động thái mua bán của các nhà đầu tư nước ngoài.

Với những gì đang diễn ra và kỳ vọng FED sẽ còn nâng lãi suất thêm ít nhất một lần trong năm nay, các nhà đầu tư đều tin rằng khả năng FED có thể tăng lãi suất vào tháng 9 sắp tới đang lên cao hơn bao giờ hết. Trên HOSE, khối ngoại đã có 6 phiên bán ròng liên tiếp gần đây, với tổng giá trị gần 1.166 tỷ đồng, chiếm 95% tổng giá trị bán ròng 19 ngày đầu tháng 8, cho thấy mức độ bán ròng ngày càng tăng mạnh.

Đến e ngại VND bị phá giá

Một khi FED nâng lãi suất, tỷ giá USD/VND sẽ chịu áp lực rất lớn và có khả năng phải điều chỉnh tăng lên theo xu hướng phá giá chung của các đồng tiền khác trên toàn cầu.

Rủi ro VND bị phá giá dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, khi việc chuyển dịch vốn đầu tư trở lại đồng USD sẽ bị thiệt hại do giá USD đã tăng so với thời điểm trước đây. Do đó, lựa chọn thu hồi vốn đầu tư trước khi tỷ giá tăng thường được lựa chọn.

Thậm chí dòng vốn đầu tư này có thể không rút khỏi Việt Nam nhưng vẫn lựa chọn rút ra khỏi thị trường, tạm thời đợi cơn bão tỷ giá qua đi nhằm bảo toàn các khoản đầu tư trước thiệt hại từ rủi ro tỷ giá. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư thông minh của các nhà đầu tư ngoại lẫn nội cũng có thể chọn kênh đầu tư USD trước kỳ vọng USD tăng giá. Tất cả điều này có thể gây áp lực nhất thời lên thị trường chứng khoán.

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết khá ổn định, khi giảm 40 đồng so với thời điểm đầu năm, tương đương mức giảm 0,18%.

Trong năm 2015, VND cũng chỉ bị giảm giá 3% so với USD, bất chấp áp lực rất lớn lúc bấy giờ đến từ việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ và USD tăng giá mạnh khi FED tăng lãi suất. Do đó, nếu áp lực điều chỉnh tỷ giá quá cao thì dư địa để nhà điều hành tăng tỷ giá còn rất lớn trong năm nay.

Trong khi đó, với việc chính thức cho phép các tổ chức kinh tế, ngân hàng, công ty chứng khoán đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của Thông tư hướng dẫn số 10/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ 13/8/2016, khả năng sẽ làm tăng cầu ngoại tệ trong thời gian tới.

Theo quy định thì các tổ chức tự doanh và nhận ủy thác đầu tư là ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp phải đảm bảo tỷ lệ đầu tư an toàn so với vốn tự có không được vượt quá 7%, trong khi đối với công ty chứng khoán, tỷ lệ này không được vượt quá 30% vốn chủ sở hữu và công ty quản lý quỹ không được vượt quá 20% vốn chủ sở hữu.

Trong chưa đầy 8 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã bán ròng gần 1.950 tỷ đồng trên HOSE. Đây là mức bán ròng khá cao đáng chú ý khi nhìn vào động thái mua ròng của khối ngoại suốt các năm qua.

Trong năm 2015, khối ngoại vẫn mua ròng 1.925 tỷ đồng, bất chấp áp lực của dòng vốn rút đi từ việc FED tăng lãi suất, tuy nhiên, nếu tính luôn mức bán ròng 1.304 tỷ đồng và 225 tỷ đồng của 2 tháng đầu năm 2016 do hiệu ứng của việc FED tăng lãi suất trong tháng 12/2015, thì tổng mua ròng trong giai đoạn này kéo xuống chỉ còn 390 tỷ đồng.

>Tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư

>Chứng khoán và tháng ngâu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao khối ngoại bán ròng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO