Vấn đề “đầu tiên” trong tái cơ cấu ngân hàng

LÊ VĂN TỨ| 27/12/2011 01:35

Tái cấu trúc ngân hàng (NH) phải bằng con đường xử lý nợ xấu, bảo đảm cho NH có thanh khoản để hoạt động bình thường. Số tiền này là bao nhiêu, lấy ở đâu?

Vấn đề “đầu tiên” trong tái cơ cấu ngân hàng

Tái cấu trúc ngân hàng (NH) phải bằng con đường xử lý nợ xấu, bảo đảm cho NH có thanh khoản để hoạt động bình thường. Số tiền này là bao nhiêu, lấy ở đâu?

Ngân hàng to

Ba NH thương mại nhỏ yếu là Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín nghĩa (TNB) và Đệ Nhất (FCB) đã “tái cơ cấu” thành một NH, người dân có thể hiểu tái cơ cấu NH là việc sáp nhập những NH nhỏ yếu.

Một NH hợp nhất nhất định lớn hơn ba NH riêng lẻ tiền thân, nhưng có mạnh hơn không thì còn là dấu hỏi, bởi nếu chỉ cần “ba cây chụm lại” thì Trung ương, Chính phủ, các ngành, các cấp đâu phải lo như đã thấy. Bởi sau hợp nhất, NH tuy đã lớn hơn nhưng lại còn phải mạnh hơn nữa chứ. Chỉ sáp nhập suông không đủ, phải có thuốc men, có bổ dưỡng. Lấy tiền ở đâu để làm những việc này, ai bỏ ra?

Câu hỏi trên còn chưa được giải đáp thì lại nảy sinh câu hỏi khác. Số là trên một tờ báo gần đây có một bài với tiêu đề “Vấn đề “đầu tiên”... và tái cơ cấu NH”.

Vấn đề “đầu tiên” được giải thích là “tiền để xử lý nợ xấu” khi tái cơ cấu, thường gọi là nợ khó đòi, tiền NH cho vay nhưng đã quá hạn mà người vay không có khả năng trả. NH tuy là kho tiền, nhưng phần lớn là tiền của thiên hạ gửi. NH lấy tiền gửi này và tiền khách hàng trả nợ làm nguồn vốn cho vay, hình thành dòng lưu chuyển liên tục “tiền gửi - tiền cho vay - tiền trả nợ...”.

Nhưng khi nợ xấu xuất hiện, dòng tiền này bị đứt. Do người vay không trả nợ đúng hạn, NH không có tiền để trả cho người gửi hoặc cho vay tiếp, từ chuyên môn gọi là thiếu thanh khoản. Hiện nay, nợ xấu xuất hiện chủ yếu trong tín dụng bất động sản và chứng khoán, bắt nguồn từ tình trạng trầm lắng của hai thị trường này.

Kinh tế thị trường có cách xử lý tình trạng thiếu thanh khoản tạm thời này qua thị trường liên NH (các NH cho nhau vay qua đêm, qua tuần, thậm chí qua tháng), hoặc qua thị trường mở (NH Nhà nước bơm tiền cho các NH thương mại vay lại dưới hình thức gọi là tái cấp vốn, tái chiết khấu...).

Tuy nhiên, khi nợ xấu quá lớn do NH quản lý yếu kém kéo dài, các giải pháp trên không còn đủ giúp khắc phục tình trạng thiếu thanh khoản và NH đứng trước nguy cơ phá sản. Nếu phá sản, tài sản, vốn liếng của NH được xử lý theo quy định của Luật Phá sản.

Toàn bộ tài sản thực có của NH được đặt dưới sự kiểm soát của tòa án, trước hết dùng để trả nợ, chủ yếu là trả lại tiền gửi. Phần còn lại chia cho các chủ sở hữu NH.

Bao nhiêu, ở đâu?

Quan điểm được chấp nhận hiện nay dường như không muốn để cho một NH nào phá sản. Vậy phải “tái cơ cấu”. Vấn đề “đầu tiên” lập tức nảy sinh: phải bằng con đường xử lý nợ xấu, bảo đảm cho NH có thanh khoản để hoạt động bình thường. Số tiền này là bao nhiêu, lấy ở đâu?

Theo số liệu của NH Nhà nước, nợ xấu của hệ thống NH chiếm khoảng 3% tổng dư nợ tín dụng, tức khoảng 79.500 tỷ đồng.

Được biết trong những năm 1999-2007, NH Nhà nước đã phải chi 1.500 tỷ đồng để tái cơ cấu 17 NH. Còn bây giờ, theo số liệu của NH Nhà nước, nợ xấu của hệ thống NH chiếm khoảng 3% tổng dư nợ tín dụng, tức khoảng 79.500 tỷ đồng.

Một nhà kinh tế khác đã đưa ra con số lớn hơn: 8,5%, tức khoảng 325.250 tỷ đồng. Một định chế tài chính quốc tế còn đưa ra con số lớn hơn nữa: tới 10%. Vậy là muốn tái cơ cấu NH, phải tìm ra nguồn tiền khổng lồ đó.

Đã có ý kiến dùng tiền của ngân sách và của NH Nhà nước như đã làm trước đây. Cách này tuy đơn giản nhưng bất khả thi, bởi trong điều kiệm lạm phát và bội chi ngân sách lớn như hiện nay, ngân sách và NH Nhà nước không thể bỏ ra những khoản tiền lớn như thế. Thêm nữa, nếu làm vậy tức là chuyển gánh nặng yếu kém của các NH sang cho dân, cho nước.

Vậy thì chỉ còn cách xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, qua con đường mua bán nợ. Hiện nay ta đã có Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) có thể đảm nhiệm việc này, nhưng chắc rằng không đủ khả năng mua hết nợ xấu của các NH, nếu không có sự tiếp sức của ngân sách và NH Nhà nước và huy động vốn trong dân.

Cũng có ý kiến thu hút các công ty mua bán nợ nước ngoài để bổ sung vốn cho thị trường mua bán nợ, đồng thời qua đó tiếp thu kỹ năng quản lý loại hoạt động mới mẻ này.

Đặc điểm của cách mua bán nợ là nó san sẻ trách nhiệm cho các bên liên quan. Thí dụ đơn giản bằng số: DATC mua 100 tỷ đồng nợ xấu của một NH với giá 40 tỷ đồng. Với giá này, NH lỗ ngay mất 60 tỷ, nhưng lại có ngay 40 tỷ đồng tiền tươi.

Sau vụ mua bán này, các con nợ (khó đòi) của NH trở thành con nợ của DATC với số nợ phải trả (theo sổ sách) vẫn là 100 tỷ đồng. Nếu DATC thu được hết số nợ này, sẽ có được số lãi gộp (chưa trừ chi phí và thuế) là 60 tỷ đồng.

Nhưng con nợ thường là những người gặp rủi ro trong kinh doanh. Để trở lại thương trường, họ có thể đề nghị DATC giảm nợ và DATC cũng có thể chấp nhận đề nghị này với nguyên tắc bảo đảm thu hồi được vốn (40 tỷ đồng) và có lãi hợp lý.

Hoạt động của DATC tuy mang tính chất kinh doanh, nhưng thực tế là tham gia xử lý khủng hoảng công nợ, tạo điều kiện cho NH và các doanh nghiệp liên quan khôi phục hoạt động kinh tế bình thường.

Trong vấn đề xử lý nợ xấu ở các NH, cũng có ý kiến quy toàn bộ trách nhiệm cho NH. NH nào không tự giải quyết được tình trạng thiếu thanh khoản thì cứ cho phá sản. Ta hiện có hơn 40 NH, trong đó 12 NH lớn nhất nắm tới 85% thị phần.

Vậy một vài NH nhỏ yếu có phá sản thì cũng không thể làm sụp đổ được toàn bộ hệ thống tín dụng, trong khi phá sản cũng là một cách “tái cơ cấu” đặc trưng của kinh tế thị trường. Trong vấn đề này, tác động của các nhóm lợi ích sẽ không nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vấn đề “đầu tiên” trong tái cơ cấu ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO