Tỷ giá có dấu hiệu tăng tốc chỉ là nhất thời

Anh Khoa| 10/05/2019 02:07

Tỷ giá tăng nhanh là diễn biến đáng chú ý nhất trong những ngày cuối tháng 4, khi đợt tăng này diễn ra đồng loạt cả trên thị trường chính thức lẫn thị trường tự do. Động lực nào dẫn dắt xu hướng này?

Tỷ giá có dấu hiệu tăng tốc chỉ là nhất thời

Tăng mạnh trong thời gian ngắn

Tỷ giá trung tâm đã chính thức vượt mốc 23.000đ/USD, lên mốc 23.033đ/USD kể từ ngày 23/4 và tính đến ngày 2/5 đã tăng 208 đồng, tương ứng tăng 0,91% so với đầu năm. Tính riêng trong tuần cuối tháng 4 vừa qua, tỷ giá trung tâm đã tăng đến 32 đồng, trong đó có 4 ngày tăng liên tiếp, theo đó giá bán ra USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng tương ứng.

Trong bốn tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì mức tăng tỷ giá trung tâm khá ổn định nhằm dàn trải sự điều chỉnh để tránh sự đột biến như giai đoạn cuối năm trước. Việc tỷ giá chính thức điều chỉnh tăng xuyên suốt cũng nhằm giúp tỷ giá trung tâm tiệm cận dần với tỷ giá giao dịch thực tế để có thêm dư địa kiểm soát trong những thời điểm thị trường biến động mạnh ngoài dự báo.

Trái với sự ổn định trong ba tháng đầu năm dù tỷ giá trung tâm liên tiếp được điều chỉnh, giá giao dịch tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do có dấu hiệu tăng nhanh trong những ngày vừa qua theo xu hướng của tỷ giá trung tâm, thậm chí còn tăng mạnh hơn.

Cụ thể, giá mua vào và bán ra USD trên thị trường tự do trong tuần cuối tháng 4 tăng hơn 100 đồng, sau khi duy trì xu hướng đi xuống kể từ đầu năm. Theo đó, giá mua bán tự do một USD đã tăng vượt mốc 23.300 đồng, với giao dịch cũng sôi động hơn sau giai đoạn trầm lắng trong những tháng đầu năm.

So với tỷ giá trung tâm của NHNN, tỷ giá trên thị trường tự do đang cao hơn khoảng 300 đồng. Còn so với giá niêm yết tại các ngân hàng, giá USD mua vào trên thị trường tự do đang cao hơn gần 100 đồng, trong khi giá bán ra chỉ cao hơn xấp xỉ 10 đồng.

Yếu tố dẫn dắt

Việc thị trường ngoại hối trong nước sôi động trở lại với tỷ giá leo thang trong những ngày vừa qua được xem là một phần bị ảnh hưởng bởi xu hướng đi lên vững chắc của đồng USD trên thị trường thế giới. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chính khác trong những ngày giao dịch cuối tháng 4 đã vượt mốc 98 điểm, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 4/2017 đến nay.

Những bất ổn tại Venezuela đã khiến giới đầu tư lo lắng và tìm đến đồng USD như một tài sản an toàn, trong khi đó các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung liên tiếp diễn ra với kỳ vọng một thỏa thuận thương mại sớm ký kết, cùng với việc các nền kinh tế khác tăng trưởng chậm lại so với Mỹ cũng hỗ trợ đồng USD đi lên.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể có những thay đổi về chính sách, do đó càng muốn nắm giữ đồng bạc xanh để đón đầu. Quá khứ cũng cho thấy tỷ giá thường có những biến động đáng kể trước mỗi thời điểm FED họp về chính sách.

Về tình hình trong nước, cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 thâm hụt xấp xỉ 700 triệu USD. Tính chung bốn tháng vẫn đang xuất siêu 711 triệu USD nhưng so với con số xuất siêu lên đến 3,7 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, thì thấy nguồn cung ngoại tệ từ xuất nhập khẩu đang suy yếu đáng kể. Việc giá dầu tăng mạnh đẩy nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu tăng theo cũng là điều có thể thấy trước.

Chỉ là nhất thời?

Dù vậy, khả năng đây chỉ là những phản ứng nhất thời và tỷ giá trong năm nay sẽ tiếp tục được kiểm soát thành công với mục tiêu 2%. Thứ nhất là đồngUSD khó có khả năng tiếp tục tăng mạnh trên thị trường thế giới khi FED khó có thể tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ. Việc FED không tăng lãi suất nữa cũng giúp giá trị tiền tệ tại các nền kinh tế cận biên và mới nổi không chịu quá nhiều sức ép khi đối mặt với dòng vốn đầu tư quốc tế đảo chiều.

Đối với đồng nhân dân tệ, vốn cũng có những tác động tiêu cực lên tiền đồng khi Chính phủ Trung Quốc phá giá tiền tệ như giai đoạn trước, được dự báo sẽ ổn định hơn trong năm nay. Thậm chí diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy đồng nhân dân tệ còn tăng giá so với USD. Một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc trong đó bao gồm cam kết giữ ổn định giá trị tiền tệ sẽ buộc Bắc Kinh không thể phá giá đồng tiền tùy ý.

Định hướng giảm bớt tình trạng đô la hóa, chuyển dần quan hệ vay - gửi sang mua bán đứt đoạn ngoại tệ của NHNN cũng sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối. Với Thông tư 42 quy định các khoản vay trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ sẽ kết thúc vào ngày 30/9 tới cũng góp phần giảm sức ép nguồn vốn ngoại tệ tại các ngân hàng.

Dù vậy, điều quan trọng nhất là phải giữ được lạm phát ổn định để đảm bảo giá trị tiền đồng, nếu như không muốn dòng vốn lại có sự chuyển dịch từ VND sang ngoại tệ để né tránh lạm phát và bảo toàn giá trị tài sản. Việc giá xăng và giá điện tăng mạnh trong thời gian qua đang gây ra những tác động lên chỉ số giá tiêu dùng, cũng như làm gia tăng lạm phát kỳ vọng mà có thể dẫn đến rủi ro không mong muốn.

Box: Việc NHNN mua ròng 8,35 tỷ USD để gia tăng dự trữ ngoại hối trong ba tháng đầu năm nay cũng vô hình trung rút một lượng lớn ngoại tệ ra khỏi thị trường. Dù nguồn ngoại tệ mua được này có thể giúp nhà điều hành có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết, nhưng trong ngắn hạn sẽ dẩy tỷ giá đi lên là tất yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỷ giá có dấu hiệu tăng tốc chỉ là nhất thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO