Tù mù cổ đông nội bộ

LƯƠNG MINH| 30/06/2010 06:05

Sau chuyện cổ đông của DZM vừa mua, vừa bán cổ phiếu của chính công ty mình, cho đến giờ, nhà đầu tư nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra lý do nhằm bác bỏ nghi vấn việc “lướt sóng” của cổ đông nội bộ.

Tù mù cổ đông nội bộ

Sau chuyện cổ đông của DZM vừa mua, vừa bán cổ phiếu của chính công ty mình, cho đến giờ, nhà đầu tư nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra lý do nhằm bác bỏ nghi vấn việc “lướt sóng” của cổ đông nội bộ. Thế mà giờ lại thêm chuyện cổ đông nội bộ đăng ký mua hay bán cổ phiếu của công ty nhưng thông báo là không thực hiện được...

Mua cổ phiếu quỹ - động tác giả

Trong tháng Sáu có nhiều vụ cổ đông nội bộ muốn bán cổ phiếu nhưng rồi lại không bán, như Phó tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà 25 đăng ký bán 30.000CP nhưng không bán được.

Chưa kể trường hợp thành viên HĐQT của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng đăng ký bán 30.000CP từ ngày 10 - 20/6, nhưng trong tài khoản vẫn không thay đổi. Bà Nguyễn Thị Thúy, liên quan đến thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 (L18), đăng ký bán 20.000CP trong vòng hai tháng, đến hạn chót 22/6/2010 lại thông báo số lượng bán được bằng không!

Mấy năm trước, người ta đã chứng kiến các công ty niêm yết thông báo mua bán cổ phiếu quỹ. Ông Hoàng Thạch Lân, đã từng công tác tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), cho biết, năm 2000, khi chuẩn bị soạn quy định liên quan đến mua bán cổ phiếu quỹ, lãnh đạo HOSE có tính đến khả năng làm giá cổ phiếu của chính công ty phát hành, vì HĐQT (tức là bên quyết giá và đặt lệnh giao dịch) là người nắm nhiều thông tin nhất.

Do đó, khi dự thảo, HOSE có tham khảo chuyên gia tư vấn Thái Lan, Hàn Quốc và được tư vấn rằng, cần có quy định cụ thể về cách thức đặt lệnh sao cho ngăn phát sinh tiêu cực. Theo tư vấn này, hiện nay HOSE có quy định cụ thể như sau: “Giá đặt mua lại cổ phiếu của tổ chức niêm yết trong ngày giao dịch không lớn hơn giá tham chiếu cộng ba đơn vị yết giá. Giá đặt bán cổ phiếu quỹ trong ngày giao dịch không được nhỏ hơn giá tham chiếu trừ ba đơn vị yết giá”.

Theo quy định trên, khi mua cổ phiếu quỹ, công ty niêm yết không được “kéo giá lên” và ngược lại. Tất nhiên vẫn còn rủi ro, tức là khả năng lách luật: đăng ký mua với số lượng lớn, nhưng khi đặt lệnh thì đặt giá thấp, rồi cuối cùng không khớp lệnh.

Không mua được cổ phiếu nhưng công ty niêm yết đó có thể kéo giá lên gián tiếp, do nhà đầu tư sẽ đổ xô mua theo vì nghĩ rằng công ty này có gì hay, kinh doanh lãi nên mới mua nhiều đến thế. Chuyện này đã xảy ra, nhưng hiện thời chưa xử lý được.

Kéo giá để gom hàng

Khi cổ đông nội bộ đăng ký giao dịch, họ dùng chiêu thức cũ giống như giao dịch cổ phiếu quỹ, tức là không để khớp lệnh. Thực tế có khả năng là họ cố tình, hoặc đến thời điểm đặt lệnh thì đổi ý do giá cả thay đổi không theo ý muốn. Dù trong bất cứ tình huống giả định nào, đều có thể liên quan đến ý đồ làm giá cổ phiếu đó.

Nguy hiểm hơn, trường hợp này không chỉ kéo giá lên, mà thậm chí có thể kéo giá xuống. Kéo giá lên để xả hàng, kéo giá xuống để gom hàng.

Thông thường, khi đăng ký giao dịch, cổ đông nội bộ phải dự tính khoảng giá giao dịch, nếu nhu cầu mua bán có thật thì họ phải đặt lệnh sao cho khớp. Đây là hai căn cứ quan trọng giúp cơ quan giám sát thị trường thấy được loại giao dịch này “có ý đồ gì khác” hay không.

Để có thể biết tại sao không được như ý muốn, ngoài cách yêu cầu họ công bố khoảng giá dự kiến giao dịch (điều này không khả thi và không hợp lý nếu đứng từ góc độ chính cổ đông nội bộ đó), có thêm một cách là xem xét cách họ đặt lệnh: nếu đặt mua thấp hơn giá tham chiếu hoặc đặt mua giá sàn, tức là nhiều khả năng không khớp, thì rõ ràng là có vấn đề.

Trong bối cảnh rất nhiều cổ phiếu được đầu cơ “kéo giá” như hiện nay, các thông tin mua, bán của cổ đông nội bộ lại càng khiến thị trường bị nhiễu loạn nhiều hơn, kém minh bạch và kém công bằng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tù mù cổ đông nội bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO