![]() |
Ngày 17/8, khối ngoại mua ròng hơn 62 tỷ đồng trên sàn HoSE, ngày 21/8 tiếp tục mua ròng gần 153 tỷ đồng và ngày 22/8 mua ròng gần 53 tỷ đồng. Trước đó trong các ngày 13 và 14/8 cũng mua ròng liên tiếp với gần 42 tỷ đồng.
Giao dịch của khối ngoại còn tích cực hơn khi tính từ đầu tháng 8 đến phiên 24/8 vừa qua, khối ngoại mua ròng hơn 53 tỷ trên sàn HNX và hơn 199 tỷ đồng trên sàn UPCoM. Trước đó, trong tháng 7, tính riêng trên sàn HNX, khối ngoại cũng đã mua ròng gần 163 tỷ đồng.
Những con số thống kê trên cho thấy sau mải miết bán ròng kể từ nửa cuối tháng 4, tần suất các phiên mua ròng trở lại của khối ngoại đã xuất hiện khá đều. Những phiên bán ròng từ 200 - 400 tỷ đồng dày đặc trong hơn 2 tháng trước ngày càng giảm hẳn. Điều này đang đưa đến những kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hàng loạt dự báo tích cực gần đây đã phần nào ảnh hưởng tốt đến tâm lý của nhà đầu tư từ trong nước đến nước ngoài. Ngày 24/8, báo cáo của Tổ chức Đánh giá tín nhiệm Moodys Investors Service nhận định rằng Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vững mạnh trong vài năm tới và sự tăng trưởng đó sẽ giúp ổn định nợ công.
Theo phân tích của Moodys, với năng lực cạnh tranh được cải thiện, dòng chảy thương mại lành mạnh và tiêu dùng ở mức cao, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,4% từ năm 2018 đến năm 2022. Mức tăng này gần gấp đôi so với mức tăng bình quân 3,5% của các nền kinh tế được Moodys xếp hạng tín nhiệm Ba3 như Việt Nam.
Trong khi đó, dự báo từ bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng ANZ cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục trong 2 năm 2018 và 2019, theo đó lần lượt đạt 6,8% và 7% trong bối cảnh tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và mở rộng sản xuất. Trước đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 có thể lên tới 7,1%.
Đi cùng với những dự báo tích cực, Việt Nam gần đây được hãng Moodys nâng hạng hệ số tín nhiệm lên mức ổn định. Cụ thể, ngày 10/8/2018, Moodys đã nâng bậc xếp hạng trái phiếu chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tệ và khoản vay không được đảm bảo lên mức Ba3 từ mức B1.
Những dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam đã phần nào giúp niềm tin trở lại với thị trường chứng khoán. Cùng với đà khởi sắc của chứng khoán Mỹ đang lên lại vùng kỷ lục, chứng khoán Việt Nam đã tăng liên tiếp trong những phiên vừa qua và hướng tới việc tiếp cận lại mốc 1.000 điểm.
Những dự báo lạc quan trên đã phần nào giúp niềm tin trở lại với thị trường chứng khoán. Cùng với đà khởi sắc của chứng khoán Mỹ đang lên lại vùng kỷ lục, chứng khoán Việt Nam đã tăng liên tiếp trong những phiên vừa qua và hướng tới việc tiếp cận lại mốc 1.000 điểm.
Điều tích cực là định giá chứng khoán Việt Nam đã quay trở lại vùng hấp dẫn, cụ thể, nếu như hồi tháng 3, hệ số P/E lên tới gần 22 lần, cao hơn so với các thị trường khu vực thì hiện nay đã về mức khoảng 17 lần, thấp hơn khi so với nhóm 5 quốc gia ở ASEAN (P/E 18,45 lần), do đó có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại.
Bộ ba cổ phiếu Vingroup là VIC, VHM và VRE nằm trong danh mục bán ròng liên tiếp của khối ngoại trong thời gian qua thì gần đây đã đón nhận hàng loạt tin tích cực. Cụ thể, ngày 22/8 Vingroup đã công bố chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ quốc tế vào năm 2028, sở hữu trung tâm công nghệ cao như Silicon Valley, sản xuất phần mềm và tăng đầu tư nghiên cứu. Đây là bước chuyển đổi chiến lược quan trọng của một trong những tập đoàn thu hút dòng vốn quốc tế rất lớn trong nhiều năm trở lại đây, sau khi đã công bố hàng loạt dự án quan trọng suốt thời gian qua.
Gần đây VIC đã phát hành thành công 84 triệu cổ phần cho Công ty Quản lý Quỹ Hanwha - công ty liên kết của Tập đoàn Hanwha - một trong 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Trong khi đó, cổ phiếu VHM dù chưa đảm bảo về thời gian giao dịch (6 tháng) nhưng vẫn được dự báo sẽ lọt rổ danh mục trong kỳ cơ cấu đầu tháng 9 tới của 2 quỹ ETF là VNM ETF và FTSE Vietnam DTF.
Với lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và mục tiêu thoái vốn được đẩy mạnh trong những tháng còn lại của năm nay, khối ngoại có thể quay trở lại với những thương vụ lớn đầy hấp dẫn, nhất là khi tiền đồng tiếp tục duy trì sự ổn định đáng kể so với các đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi và cận biên khác. Điều này là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh dòng vốn đang bị rút về các nền kinh tế phát triển vì lo ngại rủi ro tỷ giá tại các nền kinh tế yếu, mà khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ gần đây là một minh chứng.