TTCK cuối năm: Tin đồn rộ như pháo

LÂM ANH| 27/11/2012 00:25

Sau biến cố ngày 21/8, dạng tin đồn tương tự đã xuất hiện trở lại trong những phiên giao dịch của tháng 11. Tuy mức độ phản ứng không quyết liệt như lần trước nhưng hiện tượng bán tháo vẫn diễn ra.

TTCK cuối năm: Tin đồn rộ như pháo

Sau biến cố ngày 21/8, dạng tin đồn tương tự đã xuất hiện trở lại trong những phiên giao dịch của tháng 11. Tuy mức độ phản ứng không quyết liệt như lần trước nhưng hiện tượng bán tháo vẫn diễn ra.

Hoảng loạn có cơ sở

Không nằm ngoài dự đoán, kết quả kinh doanh quý III và ba quý 2012 của nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết được công bố trong tháng không khả quan. Trong khi đó, triển vọng kinh tế vĩ mô còn khá ảm đạm càng làm tăng sự thận trọng trong giới đầu tư và khiến đa số nhà đầu tư (NĐT) hạn chế gia nhập thị trường.

Thận trọng là đúng vì bức tranh toàn cảnh về kinh tế vĩ mô trong năm 2013 gần như đã được mở từ tháng 10. Ngoại trừ sự thành công trên phương diện giảm lạm phát và tỷ giá, ở các phương diện khác, dữ liệu kinh tế chưa có bước đột phá đáng kể sau hàng loạt giải pháp được cơ quan điều hành thực thi.

Hai vấn đề lớn nhất của nền kinh tế là nợ xấu của ngành ngân hàng (NH) và hàng tồn kho của DN vẫn chưa có giải pháp xử lý khả thi. Cụ thể, biến động của chỉ số HSBC PMI cho thấy điều kiện kinh doanh chưa ổn định, DN vẫn phải đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới. Chỉ số HSBC PMI giảm từ 49,2 điểm (tháng 9/2012) xuống còn 48,7 điểm (tháng 10/2012) cho thấy điều kiện kinh doanh thậm chí đang có chiều hướng xấu đi.

Đáng chú ý, trong bộ chỉ số cấu thành PMI, chỉ số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu giảm khá mạnh (chỉ số đơn hàng xuất khẩu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011) cho thấy sức cầu cả trong và ngoài nước cùng suy yếu, đặc biệt là những khó khăn của kinh tế thế giới đang có những ảnh hưởng tiêu cực hơn đến kinh tế Việt Nam. Thời gian giải phóng hàng tồn kho, do vậy, sẽ không chỉ phụ thuộc vào trong nước và còn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Vấn đề thứ hai là nợ xấu. Nói một cách thẳng thắn thì mặc dù giải pháp cho nợ xấu đã được bàn thảo từ đầu năm đến nay song tiến độ xử lý khá chậm. Hiện tại, số liệu về giá trị các khoản nợ xấu theo ước tính của NH Nhà nước giảm khoảng 36 ngàn tỷ đồng so với đầu năm và chiếm khoảng 8,8% - 10% tổng dư nợ (tương ứng khoảng 246.000 - 280.000 tỷ đồng). Nói cho cùng, các bàn cãi xung quanh giá trị các khoản nợ xấu tạm thời chấm dứt song giải pháp để xử lý vẫn trong vòng tranh cãi.

Theo lộ trình, ngày 15/11, NH Nhà nước sẽ trình Chính phủ đề án thành lập Công ty Mua bán nợ Quốc gia (AMC) với quy mô khoảng 60.000 – 100.000 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy chặng đường để giải quyết vấn đề nợ xấu sẽ còn kéo dài.

Tin đồn chi phối thị trường

Từ những bất ổn về kinh tế vĩ mô khiến thị trường chứng khoán thêm một lần nữa mất kỳ vọng vào sự phục hồi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa thị trường đứng yên, ngược lại, có khá nhiều yếu tố bất ngờ quyết định hành vi giao dịch của NĐT, đó là tin đồn. Do vậy, nếu căn cứ vào sự lên xuống của thị trường để đánh giá tâm lý của NĐT trong những ngày vừa qua thì có thể nói khá phức tạp.

Chẳng hạn, từ 21 đến 24/8, khi công bố thông tin "bầu" Kiên bị bắt, giá trị giao dịch trên cả 2 sàn vẫn tăng đều từ 1.000 tỷ đồng/phiên trở lên, trội gần gấp đôi so với giá trị những phiên trước đó vốn có diễn biến khá tích cực. Tương tự, gần đây, thông tin lãnh đạo Sacombank bị công an triệu tập rộ lên, khối lượng giao dịch lập tức biến động.

Lấy số liệu thống kê giao dịch từ khối ngoại tính đến cuối tháng 10, giao dịch có giảm so với tháng trước đó nhưng mức mua ròng của khối này vẫn đang được duy trì tương đương tháng trước trên HSX (đạt 148,9 tỷ đồng, +3,49%) và giảm trên HNX (đạt 86,1 tỷ đồng, 33,4%). Các mã được khối ngoại quan tâm mua ròng nhiều nhất trong tháng gồm MSN (40,2 tỷ đồng), DSN (33,3 tỷ đồng), GAS (28 tỷ đồng), KDC (23 tỷ đồng) và HAG (21 tỷ đồng)...

Nói giá cổ phiếu rẻ nên bên mua hành động cũng không hẳn bởi lẽ ngay khi tin xấu xuất hiện thì lực mua cũng tăng mạnh và cho dù mua giá sàn thì cùng lắm cũng chỉ thấp hơn phiên hôm trước 5-7% cũng không đến mức "đủ rẻ để kích thích lòng tham".

Như vậy, cần phân biệt một cách rõ ràng với NĐT thậm chí giới đầu cơ, việc thị trường có tin xấu, đem cổ phiếu ra bán mạnh, kỳ vọng thị trường giảm để mua lại với giá rẻ hơn là việc bình thường vì đây là sự vận hành của quy luật cung-cầu. Nhưng sẽ là bất thường nếu bên bán sử dụng những "chiêu" không đúng như quy định của cơ quan quản lý thị trường.

Theo một số chuyên gia, khi nền kinh tế bất ổn với nhiều tin đồn thì việc công ty chứng khoán cho NĐT mượn cổ phiếu bán khống (việc này đến nay vẫn bị cấm) nhưng giới đầu tư vẫn râm ran với nhau về những hình thức "lách luật" khác nhau để triển khai dịch vụ này càng rộ lên. Chưa kể nếu công ty chứng khoán "to nhỏ" với NĐT nhỏ lẻ về những hệ quả trong vụ ông Đặng Văn Thành "bị bắt" theo kiểu thổi phồng để nhóm này chủ động bán ra sau đó thị trường tạo đáy lại hô hào mua trở lại thì cũng không dễ phát hiện.

Lời nói gió bay, công ty chứng khoán có thể lấy lý do bảo toàn vốn cho NĐT trong giai đoạn khó khăn. Vậy mới thấy, nếu cơ quan quản lý không có những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn, cộng thêm tâm lý NĐT đang mất dần niềm tin vào thị trường, nếu cứ để "tin đồn" chi phối thì việc phục hồi thị trường chứng khoán sẽ là công việc vô cùng khó trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK cuối năm: Tin đồn rộ như pháo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO