Tìm vốn rẻ cho doanh nghiệp

QUỲNH CHI*| 07/04/2011 08:40

Để giải quyết nhu cầu khan vốn của doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi cho những khách hàng chuyên biệt từng ngành nghề, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Thậm chí, nhiều NH chấp nhận phương án “hòa vốn” để hạ lãi suất cho vay nhằm thu hút thêm khách hàng.

Tìm vốn rẻ cho doanh nghiệp

Để giải quyết nhu cầu khan vốn của doanh nghiệp (DN), nhiều ngân hàng (NH) đã triển khai các chương trình ưu đãi cho những khách hàng chuyên biệt từng ngành nghề, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Thậm chí, nhiều NH chấp nhận phương án “hòa vốn” để hạ lãi suất cho vay nhằm thu hút thêm khách hàng.

Maritime Bank có nhiều phương án cho vay vốn - Ảnh: Quý Hòa

Mới đây, NH Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã phối hợp với báo Doanh nhân Sài Gòn thực hiện chương trình “Maritime Bank - Đồng hành cùng DN” với sự hỗ trợ của các chuyên gia tài chính, kinh tế thương mại nhằm giải đáp những thắc mắc của DN liên quan về vốn vay NH.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Maritime Bank khẳng định: “Đây là một chương trình dài hạn nhằm đưa ra được những gói hỗ trợ thích hợp cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa giải bài toán về vốn, tiếp cận NH, cũng như những khó khăn trong quản lý tài chính, DN.

Thông qua chương trình này, NH sẽ nắm bắt chính xác nhu cầu của DN và đồng thời sẽ có những dịch vụ NH hiệu quả nhằm giúp DN vượt qua khó khăn, tăng trưởng bền vững”.

Tương tự, ngày 30/3, NH Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã ký kết với Định chế tài chính hỗ trợ phát triển Hà Lan (FMO) hợp đồng vay vốn cấp 2 trị giá 150 triệu USD trong thời hạn 10 năm. Theo đó, với 150 triệu USD vay từ FMO và các tổ chức tài chính, Sacombank sẽ bổ sung vào nguồn vốn cấp 2 dài hạn.

Lãnh đạo của Sacombank khẳng định: khoản vay này sẽ giúp Sacombank nâng cao năng lực tài chính, đồng thời tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của các DN Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo kế hoạch, nguồn vốn này sẽ được giải ngân thành hai đợt (đợt 1 là 95 triệu USD vào quý II/2011 và đợt 2 là 55 triệu USD vào cuối năm 2011).

Trên thực tế, không chỉ Maritime Bank và Sacombank mà nhiều NH khác cũng đang đẩy mạnh tìm nguồn tín dụng từ các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính của nước ngoài để đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các DN trong nước.

Bên cạnh đó, việc triển khai các gói sản phẩm dành riêng cho những khách hàng DN cụ thể cũng là một mục tiêu mà nhiều NH hướng tới như tín dụng dành riêng cho DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ...

Ông Nguyễn Đình Tùng nói rằng, trên thực tế, NH, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính không thiếu vốn cho vay, nhưng bản thân DN phải làm thế nào để có thể hợp thức hóa nguồn vốn vay đó đối với DN của mình. Bởi lẽ, theo kế hoạch, năm 2011, Maritime Bank chấp nhận cắt giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận kinh doanh hòa vốn để có thể kéo lãi suất cho vay hạ xuống.

Mức giảm mà Maritime Bank áp dụng đối với DN nhỏ và vừa là 1% so với mặt bằng lãi suất thông thường. Tuy nhiên, để được hỗ trợ, các DN nhỏ và vừa cũng cần có sự thay đổi, tái cấu trúc DN, tập trung vào kinh doanh các ngành nghề chính thì việc hợp tác giữa hai bên mới thực sự suôn sẻ.

Tương tự, ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank chia sẻ rằng, Sacombank xác định DN nhỏ và vừa là đối tượng khách hàng mục tiêu từ những năm trước. Sacombank đã và đang hỗ trợ DN nhỏ và vừa vay vốn đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất.

Bên cạnh đó, NH còn tập trung xây dựng các chính sách ưu đãi về lãi suất, phí dịch vụ, về thời gian giải quyết hồ sơ, tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm. Điều đó giải thích vì sao thời gian qua Sacombank triển khai nhiều gói sản phẩm dành riêng cho các đối tượng này. Đồng thời, Sacombank cũng đã tận dụng nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế để hỗ trợ cho vay trung, dài hạn đối với các DN nhỏ và vừa.

Có thể nói rằng, để giải quyết được vấn đề tiếp cận vốn tín dụng của các DN nhỏ và vừa, cần có sự phối hợp giữa ba phía: Nhà nước, DN và NH. Nhưng nay, trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, bản thân các NH đang cố gắng kéo khoảng cách giữa họ với DN lại gần nhau hơn. Điều này không chỉ giúp NH gia tăng lợi nhuận, đảm bảo kế hoạch kinh doanh mà còn giảm được khá nhiều áp lực về vốn cho các DN nhỏ và vừa.

Xuất phát điểm là tốt, nhưng theo TS. Cao Sỹ Kiêm, để có được tiếng nói chung tốt hơn thì cần hơn những cái cụ thể. Chẳng hạn như các NH cần tham gia cùng DN từ khâu làm dự án, giám sát thực hiện, thậm chí phải hướng dẫn, đào tạo cho DN, bởi rất nhiều DN đủ điều kiện nhưng không biết cách làm.

Về phía các DN cũng cần phải có nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực, chủ động trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. Đặc biệt là cần phải minh bạch vấn đề tài chính. Có như thế, thì việc giải quyết vốn vay mới thực sự hiệu quả thay vì cứ mãi lập lại kịch bản cung - cầu không gặp nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm vốn rẻ cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO