Tiền đổ vào chứng khoán quá nhiều

Khánh Phương| 28/04/2021 07:54

Phiên giao dịch ngày 13/4/2021 đã đi vào lịch sử chứng khoán Việt Nam như là "phiên giao dịch tỷ đô", với giá trị giao dịch lớn nhất từ trước đến nay, gần 23.500 tỷ đồng tính riêng trên sàn HoSE, tương ứng đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu được trao tay, trong đó riêng khối lượng giao dịch khớp lệnh là hơn 977 triệu cổ phiếu, cũng là mức kỷ lục cho đến nay.

Kỷ lục mới

Nếu như trong nhiều tháng qua, trước tình trạng sàn HoSE bị quá tải nên khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ hơn 600 triệu cổ phiếu/phiên, họa hoằn lắm mới có vài phiên đạt mốc 700 triệu cổ phiếu/phiên, thì phiên giao dịch ngày 13/4/2021 là bước ngoặt của thị trường. 

Dù thông tin về việc sàn HoSE đã nâng năng lực xử lý từ 900.000 lệnh/phiên lên 1,1 triệu lệnh/phiên sau đó bị bác bỏ, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là dòng tiền hướng vào thị trường chứng khoán vẫn đang rất lớn. Thời gian qua, trước tình trạng hệ thống giao dịch bị quá tải đã làm hạn chế dòng tiền rót vào, cũng như thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhưng dòng tiền từ nhà đầu tư nội vẫn đủ sức "cân" hết lượng bán ra từ khối ngoại và đẩy chỉ số VN-Index lập nên những đỉnh cao mới.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước. Đây là mức tăng rất mạnh, bất kể tình trạng nghẽn lệnh kể từ tháng 10/2020 đến nay.

Nếu sắp tới năng lực xử lý của hệ thống giao dịch được nâng cấp và tình trạng lỗi của sàn HoSE được khắc phục, dự kiến dòng tiền sẽ còn tiếp tục rót vào kênh đầu tư này như là một tài sản hấp dẫn trước triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Được biết, lãnh đạo HoSE đang nỗ lực hợp tác với FPT để thực hiện "kế hoạch 100 ngày", dự kiến sớm nâng hệ thống giao dịch lên 3-5 triệu lệnh/phiên.

chung-khoan-1998-1619592342.jpg

Tiền quá nhiều

Với mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng duy trì ở mức thấp như hiện nay, dòng tiền có thể tiếp tục chuyển dịch từ kênh ngân hàng sang các kênh đầu tư như chứng khoán - vốn được tin đang mang lại suất sinh lời cao hơn đáng kể. Chỉ số VN-Index tính từ đầu năm đến giữa tháng 4 đã tăng hơn 15%, còn nếu tính từ mức đáy vào cuối tháng 3 năm ngoái đã tăng hơn 90%. Chỉ số HNX-Index thậm chí còn tăng mạnh hơn, lần lượt là 45% và 225% trong cùng thời gian. 

Sàn UpCoM trong những năm qua thường khá ảm đạm nay cũng "trở mình" khi thu hút dòng tiền rót vào mạnh mẽ, với số lượng cổ phiếu có mức tăng tính bằng lần vượt trội hơn hẳn so với hai sàn còn lại, khi sàn này vốn có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng trước đây vẫn luôn "ẩn mình" và giá cổ phiếu chưa phản ánh hết hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, chỉ số UPCOM-Index cũng tăng tương ứng 15% và 75% trong cùng khoảng thời gian trên.

Thống kê cho thấy, số lượng tài khoản chứng khoán mở trong tháng 3 là hơn 113.000 tài khoản, lũy kế ba tháng đầu năm nay lên 257.998 tài khoản, bằng 65% số tài khoản mở trong cả năm 2020. Theo đó, số lượng tài khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đến cuối tháng 3 là 3.029.407, chiếm xấp xỉ 3% tổng dân số. Giả định trong số gần 258.000 tài khoản mở mới này, bình quân 100 triệu đồng vào thị trường, thì thị trường chứng khoán đã đón nhận thêm 25.800 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm nay.

Nếu sắp tới năng lực xử lý của hệ thống giao dịch tiếp tục được nâng cấp và tình trạng lỗi của sàn HoSE được khắc phục, dự kiến dòng tiền sẽ còn tiếp tục rót vào kênh đầu tư chứng khoán như là một tài sản hấp dẫn trước triển vọng phục hồi của nền kinh tế.

Đặc biệt, số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở trong tháng 3 cũng xác lập kỷ lục với 502 tài khoản, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018, nâng tổng số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở tại thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 32.391, tính đến cuối tháng 3. Đáng lưu ý là dù khối ngoại vẫn bán ròng khá mạnh, nhưng cũng đã bắt đầu có những phiên mua ròng trở lại kể từ đầu tháng 4 đến nay, khi chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm.

Trong khi đó, thay thế cho dòng tiền rút ra vẫn có những dòng tiền mới của các tổ chức quốc tế rót vào thị trường Việt Nam. Quỹ ETF của Đài Loan là Fubon FTSE Vietnam ETF mới IPO vào tháng 3 vừa qua và đã huy động được 5,28 tỷ Đài tệ, tương đương khoảng 4.279 tỷ đồng, cũng đã bắt đầu giải ngân, tập trung vào các mã nằm trong nhóm VN30. Được biết, quỹ này dự kiến huy động tối thiểu 10 tỷ Đài tệ (khoảng 8.100 tỷ đồng) để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Trong một diễn biến khác, Quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) đã hút vốn thêm 1,85 triệu USD trong trung tuần tháng 4, nâng tổng lượng vốn quỹ hút vào kể từ đầu năm là 17,13 triệu USD. Đồng thời với việc hút thêm vốn, VNM ETF đã mua ròng trở lại cổ phiếu Việt Nam

Dòng vốn cho vay margin của các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục được bổ sung cho giai đoạn tới. Sau SSI, Công ty Chứng khoán Vietinbank mới đây đã ký kết các gói vay với tổng trị giá hơn 2.070 tỷ đồng, tương đương 90 triệu USD, đến từ nhóm các ngân hàng Hàn Quốc, Đài Loan. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đã lên kế hoạch tăng vốn khủng trong năm nay để đáp ứng nhu cầu cho vay margin đang tăng rất mạnh. Thời gian gần đây, để có thêm nguồn vốn kinh doanh, không ít công ty chứng khoán đã chủ động huy động vốn từ khách hàng, thông qua sản phẩm hợp tác đầu tư hay tiết kiệm tiền gửi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền đổ vào chứng khoán quá nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO