Thị trường tài chính: Đón sóng vàng?

GIA LÊ| 26/07/2017 04:06

Chỉ số USD Index hiện đã giảm gần 9% so với đầu năm nay, bất chấp việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần tăng lãi suất trong năm.

Thị trường tài chính: Đón sóng vàng?

Chỉ số USD Index hiện đã giảm gần 9% so với đầu năm nay, bất chấp việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần tăng lãi suất trong năm. Đồng USD trên thị trường quốc tế giảm đã hỗ trợ giá vàng đi lên (tăng hơn 9% so với đầu năm), do giá vàng được niêm yết theo đồng bạc xanh. Thị trường vàng liên tục thử thách mức kháng cự tâm lý 1.300 USD/oz. 

Đọc E-paper

Dù thị trường vàng quốc tế vẫn có sóng, nhưng diễn biến giá vàng trong nước khá ảm đạm. Tỷ giá được kiểm soát ổn định là một trong những nguyên nhân giúp thị trường vàng trong nước không còn quá "mẫn cảm" với giá vàng thế giới.

Ngoài ra, nhu cầu đầu tư cũng như đầu cơ vàng đã giảm đáng kể trong thời gian qua, sau loạt chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như yêu cầu các ngân hàng ngừng huy động vàng có trả lãi, thu hẹp mạng lưới phân phối vàng miếng, xác định vàng miếng thương hiệu quốc gia duy nhất là SJC,...

Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát ổn định trong những năm qua, đáng chú ý 6 tháng đầu năm nay hạ nhiệt dần nên nhu cầu tích trữ vàng để bảo toàn giá trị tài sản hiện nay cũng thấp, dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp đáng kể, từ mức cao 4- 5 triệu/ lượng trong thời gian trước đây thì hiện chỉ còn xấp xỉ dưới 2 triệu/lượng.

Nếu so với các kênh đầu tư khác, thì đầu tư vào vàng trong nước thời gian qua không đem lại nhiều lợi nhuận. Cu thể, trong khi thị trường chứng khoán tỏa sáng với VN-Index tăng trưởng 17% so đầu năm với nhiều cổ phiếu tăng gấp 2 đến 3 lần, giá bất động sản nóng sốt trở lại, lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm vẫn duy trì từ 7 - 8%, thì giá vàng trong nước hiện nay thậm chí còn đang giảm 0,5% so với đầu năm nay.

Tuy nhiên trong thời gian tới cần phải lưu ý những yếu tố sau có thể khiến thị trường vàng trong nước có sóng trở lại. Thứ nhất là áp lực từ thị trường ngoại hối dẫn đến tỷ giá USD/VNĐ có thể điều chỉnh mạnh hơn trong tình hình hiện nay. Với thâm hụt cán cân thương mại ngày càng tăng, FED có thể còn thêm 1 lần điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD trong năm nay. Gần thời điểm đáo hạn các khoản vay ngoại tệ vào cuối năm nay cũng có thể khiến cầu ngoại tệ tăng lên.

Thứ hai là chính sách nới lỏng tiền tệ với tăng trưởng tín dụng ở mức cao đã duy trì suốt gần 3 năm qua có thể đem lại những rủi ro tiềm ẩn. Nếu kết quả tăng trưởng không như kế hoạch đề ra, định hướng chính sách tiền tệ có thể tiếp tục nới lỏng thêm để hỗ trợ cho tăng trưởng sẽ càng làm tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế trong tương lai.

Báo cáo cập nhật mới nhất về tình hình Việt Nam của WB và IMF cũng đã lưu ý một số rủi ro cho nền kinh tế của ta. Nếu rủi ro tăng lên, các điều kiện kinh tế vĩ mô trở nên bất ổn hơn thì những kênh đầu tư có tính an toàn như vàng sẽ được lợi. Thị trường vàng suốt thời gian dài không có sóng, dù vậy sự ưa thích và nhu cầu đầu tư vào kim loại quý này không phải là biến mất hoàn toàn. Một khi thị trường có tín hiệu sẽ có sóng có thể thúc đẩy giới đầu tư lẫn đầu cơ nhảy lại vào vàng.

Một số đề xuất gần đây về việc huy động vàng trong dân như phát hành trái phiếu vàng và có trả lãi cũng có thể kích thích nhu cầu nắm giữ vàng của giới đầu tư. Còn nhớ những năm trước đây khi các ngân hàng còn trả lãi huy động vàng cho dân chúng thì nhu cầu giữ vàng là rất cao vì vừa có thể được trả lãi vừa hy vọng vàng tăng giá.

Ngoài ra, nếu chính sách huy động vàng của NHNN thành công thì lượng cung vàng trên thị trường dĩ nhiên sẽ giảm xuống, do đó sự khan hiếm của kim loại quý này sẽ tăng lên, trong khi hiện tại NHNN vẫn đang hạn chế nhập khẩu vàng để tránh "chảy máu" ngoại tệ. Do đó, thông thường sự khan hiếm của một tài sản tăng lên thì giá trị của tài sản đó sẽ tăng tương ứng.

>>Huy động vàng trong dân: 5 lý do cần cân nhắc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường tài chính: Đón sóng vàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO