Thị trường phân hóa: Doanh nghiệp hé lộ kết quả kinh doanh quý II

Khánh Phương| 29/07/2020 07:00

Thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn phân hóa trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư thiếu ổn định. Theo đó, những doanh nghiệp (DN) công bố lợi nhuận tăng dĩ nhiên sẽ thu hút dòng tiền, trong khi các công ty báo lỗ hoặc lợi nhuận suy giảm có thể phải hứng chịu các đợt bán tháo.

Những doanh nghiệp tăng trưởng bằng lần

Giá cổ phiếu Công ty CP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) tính đến cuối tuần qua đã tăng 8% so với thời điểm cuối tháng 6, quay trở lại xu hướng tăng mạnh. Kết quả kinh doanh quý II của PHR cho thấy lãi sau thuế của công ty mẹ gần 257 tỷ đồng, gấp hơn 4,3 lần quý II/2019, nhờ phát sinh khoản lãi khác gần 317 tỷ đồng, tăng 526% so cùng kỳ thông qua khoản tiền đền bù đất Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên. Lũy kế 6 tháng, lãi sau thuế gần 395 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ, trong khi giá cổ phiếu PHR cũng đã tăng đến 65% tính từ mức đáy cuối tháng 3 đến nay.

Bất chấp thị trường dầu suy giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Công ty CP Bọc ống dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) vẫn ghi nhận sự đảo chiều ấn tượng từ lỗ hơn 17,8 tỷ trong quý II/2019 sang lãi sau thuế gần 38 tỷ trong quý II năm nay. Lũy kế 6 tháng, PVD có lãi lũy kế hơn 86 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch 48,6 tỷ đề ra cho năm nay và tăng mạnh so với kết quả lỗ gần 30 tỷ đồng của cùng kỳ 2019. Giá cổ phiếu PVB theo đó đã tăng gần 15% từ đầu tháng 7 đến nay và tăng gần 1,5 lần tính từ cuối tháng 3 đầu năm nay.

Sản xuất ống bọc chống ăn mòn tại Công ty CP Bọc ống dầu khí Việt Nam - một trong những công ty có sự tăng trưởng ấn tượng

Sản xuất ống bọc chống ăn mòn tại Công ty CP Bọc ống dầu khí Việt Nam - một trong những công ty có sự tăng trưởng ấn tượng

Công ty CP Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) công bố lãi sau thuế quý II hơn 71,5 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với quý II/2019, lũy kế 6 tháng lãi 125 tỷ, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo thuyết minh của SZC, doanh thu nửa đầu năm chủ yếu đến từ cho thuê đất và phí quản lý (gần 87%), đạt 237 tỷ đồng. Giá cổ phiếu SZC đã sớm bứt phá khi tăng hơn 20% từ đầu tháng 7 đến nay và tăng gần 70% từ cuối tháng 3 đến nay.

Một DN hoạt động trong mảng bất động sản công nghiệp là Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (HoSE: D2D) cũng công bố lãi sau thuế quý II gấp 2,3 lần so cùng kỳ 2019, từ mức 44 tỷ lên hơn 101 tỷ đồng. Giá cổ phiếu D2D tăng hơn 15% chỉ trong nửa đầu tháng 7. Lũy kế 6 tháng, D2D đã báo lãi hơn 150 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, D2D có cơ cấu tài chính lành mạnh khi không nợ vay. Đặc biệt, tổng lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.360 tỷ đồng, bằng đến 164% vốn chủ sở hữu và cao hơn cả vốn hóa thị trường của D2D. D2D cũng có chính sách cổ tức ổn định bằng tiền, dự kiến năm 2020 ở mức 30%, theo đó Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam gần đây đưa ra khuyến nghị mua D2D với giá mục tiêu 66.100đ/CP.

Thống kê tính đến nửa đầu tháng 7, đã có khoảng 20 DN công bố lợi nhuận quý II, tăng từ 100% trở lên so với cùng kỳ năm 2019. Có thể kể đến như Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) tăng gấp ba lần, Công ty CP Bột giặt NET (HNX: NET) và Công ty CP Chứng khoán Agribank (HoSE: AGR) tăng hơn hai lần. Tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, có không ít DN chuyển lỗ thành lãi. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của những DN này chưa có sự bứt phá mạnh như kỳ vọng.

Và những doanh nghiệp lỗ

Bên cạnh những DN báo lãi tăng, dĩ nhiên cũng có DN tiếp tục báo cáo lỗ. Công ty CP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HNX: HKB) báo lỗ quý II là 15,7 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng lỗ gần 34 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2019, HKB lỗ hơn 13 tỷ trong quý II và 26 tỷ trong 6 tháng đầu năm. Cổ phiếu HKB đang trong tình trạng bị kiểm soát và chỉ còn 900đ/CP.

box2-9465-1595903519.jpg

Một cổ phiếu khác cũng đang trong tình trạng bị kiểm soát là Công ty CP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng dầu khí (HoSE: PXI) lỗ hơn 14 tỷ trong quý II, tăng mạnh so với mức lỗ 2,5 tỷ đồng trong quý I. Theo PXI, trong quý II, việc nghiệm thu, thanh quyết toán và thu hồi công nợ của các công trình đang gặp rất nhiều khó khăn, giá trị khối lượng thi công tại các công trình chưa được nghiệm thu, thanh quyết toán nên ảnh hưởng mạnh đến doanh thu.

Một số DN báo lỗ khác có thể kể đến như Công ty CP Minh Hữu Liên (HNX: MHL) lỗ hơn 5,1 tỷ, Công ty CP Xăng dầu dầu khí Phú Yên (HNX: PPY) lỗ 4,4 tỷ, Công ty CP Thương mại - Xuất nhập khẩu Thủ Đức (HNX: TMC) lỗ hơn 3,8 tỷ, Công ty CP Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam (HoSE: PGD) lỗ 3,4 tỷ, Công ty CP Đầu tư CMC (HNX: CMC) lỗ 2,2 tỷ đồng...

Danh sách các DN lỗ trong quý II chắc chắn còn kéo dài, thậm chí số DN báo lỗ khủng sẽ xuất hiện nhiều hơn, thay vì chỉ lỗ "lẻ tẻ" vài tỷ đồng như các công ty kể trên, khi mà giai đoạn cao điểm công bố báo cáo tài chính quý II sẽ diễn ra trong nửa cuối tháng 7, và những DN lỗ lớn thường có lịch sử công bố báo cáo trễ. Điều này là tất yếu vì rõ ràng những ảnh hưởng, thiệt hại từ đại dịch và việc giãn cách xã hội trong tháng 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh, đặc biệt là nhóm hàng không, vận tải, thương mại và du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường phân hóa: Doanh nghiệp hé lộ kết quả kinh doanh quý II
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO