Tăng vốn điều lệ: Nói cho có?

LINH CHI| 06/05/2015 08:30

Trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng (NH) chẳng có gì mới so với những năm trước đây. Điều này khiến nhà đầu tư (NĐT) cảm thấy không mấy tin tưởng vào hiệu quả mà ban điều hành các NH đặt ra trong năm nay.

Tăng vốn điều lệ: Nói cho có?

Trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng (NH) chẳng có gì mới so với những năm trước đây. Điều này khiến nhà đầu tư (NĐT) cảm thấy không mấy tin tưởng vào hiệu quả mà ban điều hành các NH đặt ra trong năm nay.

Đọc E-paper

Đua kế hoạch tăng vốn

SCB đã ĐHCĐ thường niên năm 2014, với mục tiêu đưa ra cho năm 2015 là tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu giai đoạn 2012 -2014, đồng thời tăng năng lực tài chính, vốn điều lệ tăng lên 16.000 tỷ đồng vào năm 2016, trong đó có thu hút vốn từ cổ đông nước ngoài.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cho biết, NH vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên trên 14.295 tỷ đồng. Xét ở top NH tầm trung, tính đến nay vốn điều lệ của SCB (Ngân hàng hợp nhất) đã đạt 12.295 tỷ đồng.

Nằm trong nhóm 7 NHTMCP lớn nhất Việt Nam, nhưng SCB vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng để cải thiện thanh khoản, củng cố năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, duy trì nợ quá hạn và nợ xấu ở ngưỡng an toàn.

Song song đó, NH áp dụng chuẩn mực Basel II không chỉ đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mà còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí như mức độ đủ vốn, quản lý rủi ro, nên áp lực tăng vốn rất lớn. Mục tiêu đến hết năm 2016, vốn điều lệ của SCB đạt mức 16.000 tỷ đồng.

Trong kế hoạch năm 2015, OCB cũng cho biết tiếp tục phấn đấu đạt tổng tài sản trên 54.500 tỷ đồng; tổng huy động đạt 48.988 tỷ đồng, vốn điều lệ: 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 410 tỷ đồng, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 3%,...

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, ngay trong quý II/2015, OCB đưa 11 đơn vị mới vào hoạt động, nâng tổng số điểm giao dịch lên 109 điểm, cho thấy sự quyết tâm và tiềm năng phát triển của OCB. Việc tăng vốn điều lệ cuả NH này vô cùng cần thiết.

Không chỉ SCB hay OCB, mà những NH đã tổ chức ĐHCĐ như ACB, Nam A Bank, ABBank, BIDV, NCB, Sacombank... đều trình cổ đông kế hoạch tăng vốn để bảo đảm an toàn hoạt động cũng như khả năng cạnh tranh trong năm 2015.

Dù rất kỳ vọng vào việc tăng vốn, song đối với NĐT các NH dường như vẫn tiếp tục bế tắc với việc tăng vốn. Thậm chí, có NĐT còn đặt câu hỏi: Liệu NH có đưa ra kế hoạch trình cổ đông cho vui chứ nhiều hạng mục thấy có vẻ bất khả thi.

Còn nhớ, ĐHCĐ năm 2014, hàng loạt NHTM đã trình phương án tăng vốn điều lệ và được cổ đông thông qua, nhưng đến thời điểm này nhiều NH không hoàn thành được mục tiêu này.

Cụ thể, các NHTM đã trình phương án tăng vốn điều lệ với tổng mức vốn dự kiến tăng vào khoảng 12.600 tỷ đồng, trong đó OCB, NamABank, SaigonBank trình kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng, BaoVietBank muốn tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng, DongA Bank đề ra mục tiêu tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, VPBank muốn tăng vốn lên 7.325 tỷ đồng, SHB thông qua việc nâng vốn điều lệ lên 11.082 tỷ đồng...

Đến ĐHCĐ năm 2015, các NH tiếp tục đưa ra kế hoạch tăng vốn mà năm trước chưa thực hiện được. Điều đáng nói là nhìn lại quá trình tăng vốn điều lệ đến giờ cũng chỉ thấy phương án của các NH chủ yếu thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cho đối tác chiến lược, cho cổ đông hoặc lựa chọn hợp nhất sáp nhập với NH khác.

Phương án nào?

Trong đó hình thức chào bán cho cổ đông là phương án được nhiều NH sử dụng với số vốn huy động kỳ vọng lớn nhưng cũng là phương án khó thành công nhất. Chẳng hạn trong đợt phát hành cổ phiếu năm 2013, DongABank chào bán 100 triệu cổ phiếu tương đương 1.000 tỷ đồng nhưng quá thời hạn cho phép chỉ huy động được gần 90 tỷ đồng trong tổng số 700 tỷ đồng tiền cổ đông đăng ký và cam kết mua cổ phiếu.

Nguyên nhân vì mệnh giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng thị trường thời điểm đó chỉ giao dịch ở mức tối đa 8.600 đồng/cổ phiếu. Cuối cùng, NH này phải hủy bỏ đợt phát hành này vào tháng 4/2014 sau đó hoàn trả tiền kèm theo lãi suất 7,2%/năm cho các cổ đông đã nộp.

Năm 2014, nhóm các NHTMCP lớn hầu như tránh phương án này mà chủ yếu hướng đến phương án phát hành cổ phiếu thưởng hoặc chào bán cho cổ đông chiến lược. Song điều này cũng không làm sôi động thị trường hơn so với trước đây.

Kế hoạch 2015 cũng chẳng khá hơn. Để chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn, mới đây, Nam A Bank đã chào bán toàn bộ 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá theo tỷ lệ 10:3,33. Tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được hưởng 1 quyền mua, 10 quyền mua sẽ được mua thêm 3,333333 cổ phần mới. Số cổ phần chào bán sẽ được làm tròn xuống hàng đơn vị. Với giá cổ phiếu hiện tại trên thị trường OTC, việc bán cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng và năng lực kinh doanh hiện tại của NH không biết có thể hấp dẫn cổ đông tham gia mua hay không.

Chỉ biết, trong công văn thông báo, NH cũng thòng thêm một câu: "Trong trường hợp kết thúc thời gian gia hạn chào bán mà số cổ phần vẫn không được chào bán hết thì số cổ phần còn lại được coi như chưa chào bán và tổng số cổ phần chào bán của đợt này sẽ được tính giảm theo số lượng tương ứng".

Hay như OCB, không tăng vốn được trong năm 2013 nên trong tờ trình tăng vốn năm 2014 có đưa ra lịch trình cụ thể hơn. Theo đó, giai đoạn 1 phát hành từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối các năm để phân phối theo tỷ lệ 10%/số cổ phiếu mà cổ đông sở hữu, giai đoạn 2 phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc. Nhưng đến nay, ĐHCĐ 2015, NH này vẫn chưa có thông báo mới về vấn đề này.

Một chuyên gia tài chính nhận định, vài năm gần đây, tình hình kinh doanh của NH ngày càng ảm đạm, nợ xấu cao, trích lập dự phòng rủi ro lớn đã kéo giảm lợi nhuận, mức chia cổ tức hằng năm không còn hấp dẫn, thậm chí nhiều NH còn không chia cổ tức nên rất khó lấy được lòng tin của NĐT.

Còn các cổ đông chiến lược nước ngoài lại có những yêu cầu rất cao, không phải NH nào cũng đáp ứng được để họ rót vốn. Vì vậy, cho đến thời điểm này, nhiều NH trông đợi vào việc M&A để tăng quy mô. Để có thể M&A thành công cũng mất vài ba năm, nên chuyện tăng vốn điều lệ mà các NH cho biết sẽ thực hiện trong năm 2015 dự kiến sẽ tiếp tục lỗi hẹn...

>Không được dùng quá 50% vốn điều lệ mua tài sản cố định
>40% vốn điều lệ Sabeco thuộc về ai?
>Ngân hàng tăng vốn điều lệ: Trống giong, cờ chưa mở
>Tăng vốn điều lệ cho công ty mua bán nợ Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng vốn điều lệ: Nói cho có?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO