Rủi ro chiến tranh thương mại: Thị trường nào được lợi?

LÊ PHAN| 12/04/2018 03:00

Giữa lúc tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ nổ ra, các thị trường tài sản cũng biến động một cách khó lường

Rủi ro chiến tranh thương mại: Thị trường nào được lợi?

Giữ những tài sản có tính trú ẩn an toàn như vàng có thể được hưởng lợi khi chiến tranh thương mại xảy ra

Rủi ro về chiến tranh thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc đang gần hơn bao giờ hết, khi mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này liên tiếp có những động thái trả đũa lẫn nhau bằng cách áp đặt hàng rào thuế quan lên đến hàng chục tỷ USD.

Cùng với diễn biến chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, các thị trường tài sản cũng biến động một cách khó lường.

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần trước trải qua những phiên giao dịch chưa từng có, khi liên tiếp giảm sâu trong phiên rồi phục hồi mạnh mẽ, với chỉ số Dow Jones có lúc biến động gần 1.000 điểm. Nhà sáng lập Quỹ Vanguard phải thốt lên: "Tôi chưa bao giờ thấy thị trường chứng khoán Mỹ biến động tới mức này trong cả sự nghiệp".

Quan điểm phổ biến của giới đầu tư thời gian qua là một khi chiến tranh thương mại thật sự nổ ra, sự thiệt hại cho cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, gần đây một quan điểm mới lại xuất hiện khi cho rằng Mỹ lại có thể vẫn hưởng lợi và duy trì tăng trưởng kinh tế, khi mà chính sách bảo hộ thương mại buộc các doanh nghiệp đang đầu tư ở nước ngoài phải quay về Mỹ, cũng như thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài để có thể gia nhập thị trường tiêu dùng Mỹ.

Chính quan điểm này đã khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ có những phiên phục hồi ấn tượng sau đó và liên tiếp có các phiên đóng cửa với sự phục hồi mạnh sau khi đã giảm sâu. Dù vậy, trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán đã tăng quá cao trong thời gian qua, sự biến động ngày càng mạnh và tính bất ổn vẫn ở mức cao dẫn đến cảm tính của nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, do đó xu hướng giảm giá đối với thị trường chứng khoán khi chiến tranh thương mại xảy ra đang được tin cậy nhiều hơn.

Một quan điểm mới lại xuất hiện khi cho rằng Mỹ lại có thể vẫn hưởng lợi và duy trì tăng trưởng kinh tế, khi mà chính sách bảo hộ thương mại buộc các doanh nghiệp đang đầu tư ở nước ngoài phải quay về Mỹ, cũng như thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài để có thể gia nhập thị trường tiêu dùng Mỹ.

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg đánh giá, sự biến động của các thị trường phát triển gần đây đã cao hơn các thị trường mới nổi và do đó dòng tiền đầu tư có thể tìm đến các thị trường mới nổi và thậm chí là cận biên để mong có lợi nhuận an toàn hơn.

Những tài sản có tính trú ẩn an toàn như vàng cũng có thể được hưởng lợi. Dù chịu áp lực từ lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được kỳ vọng sẽ nhanh hơn trong thời gian tới, nhưng giá vàng thế giới so với đầu năm nay vẫn tăng hơn 2,3%.

Trong bối cảnh rủi ro ngày càng tăng cao và có thể ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Trung Quốc, người Trung Quốc tăng mua vàng như là một kênh trú ẩn an toàn. Trong khi đó, chính phủ nước này có khả năng tiếp tục bán trái phiếu Mỹ và đa dạng kho dự trữ ngoại hối sang vàng, và Trung Quốc cũng có thể sử dụng chiến lược bán trái phiếu Mỹ như là một trong những biện pháp trả đũa.

Trong khi đó, thị trường dầu có thể không hưởng lợi khi chiến tranh thương mại xảy ra, vì việc sản xuất có thể bị thu hẹp khi các chính sách bảo hộ khiến thương mại quốc tế bị chững lại. Vì vậy, nhu cầu dầu trong các nền kinh tế, đặc biệt là hai nền kinh tế lớn Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm. Dù vậy, giá dầu thời gian qua vẫn duy trì ở mức cao do lo ngại sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran và Venezuela, cũng như thỏa thuận cắt giảm sản lượng của tổ chức OPEC có thể được gia hạn dài hơn.

Ở thị trường tiền tệ, các đồng tiền có truyền thống trú ẩn an toàn như yen Nhật và Franc Thụy Sĩ có thể tiếp tục được các nhà đầu tư lựa chọn. So với đầu năm nay, đồng yen đã tăng giá hơn 5,1% so với đô la Mỹ, trong khi franc Thụy Sĩ có lúc tăng gần 6% so với đồng bạc xanh dù gần đây mức tăng có giảm trở lại. Dù có thể chịu ảnh hưởng từ chính sách đánh thuế của chính quyền Trump, theo đó hàng hóa Nhật Bản xuất vào Mỹ sẽ khó khăn hơn nhưng điều bất ngờ là yen Nhật vẫn có thể được chọn là một tài sản an toàn khi rủi ro chiến tranh thương mại tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rủi ro chiến tranh thương mại: Thị trường nào được lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO