Rủi ro cắt margin gây áp lực lên giá cổ phiếu

Gia Lê| 05/09/2019 01:02

Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay đang phục hồi trở lại sau phiên bán tháo hôm qua, dù vậy thanh khoản đầu ngày khá thấp cho thấy sự thận trọng của các nhà đầu tư.

Rủi ro cắt margin gây áp lực lên giá cổ phiếu

Việc chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh mẽ trong phiên giao dịch đêm qua đã góp phần hỗ trợ tâm lý các nhà đầu tư hôm nay. Chỉ số Dow Jones hôm qua tăng vọt 237,45 điểm, tương đương 0,9% lên 26,355.47 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng tăng lần lượt 1,1% và 1,3%.

Thông tin trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Carrie Lam, cho biết chính quyền sẽ rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi đã dẫn đến nhiều tháng biểu tình được xem là chất xúc tác thúc đẩy các thị trường. Vấn đề hỗn loạn tại Hồng Kông thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế của khu vực này cũng như gây lo ngại có thể dẫn đến sự gián đoạn đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như cản trở các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Vì vậy, nếu căng thẳng tại Hồng Kông hạ nhiệt, giới đầu tư kỳ vọng các cuộc đàm phán có thể được nối trở lại, khi mà trước đây Tổng thống Trump từng nhấn mạnh nếu Hồng Kông bị đàn áp thì sẽ rất khó có được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Mới đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các quan chức của Washington và Bắc Kinh đã thực hiện một cuộc đối thoại từ xa vào sáng ngày 5/9/2019. Theo đó, hai bên đã đồng ý với cuộc họp trực tiếp vào đầu tháng 10 để tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán. Cụ thể, Thủ tướng Lưu Hạc đã có cuộc nói chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Hai bên đã nhất trí tổ chức một vòng đàm phán thương mại khác tại Washington D.C.

Những thông tin tích cực trên đã hỗ trợ cho các thị trường đi lên trở lại. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hôm qua kết phiên tăng mạnh gần 1.000 điểm, tương đương 4% sau tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ. Trong sáng nay, các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục diễn biến tích cực, với chỉ số Shanghai sàn Thượng Hải và CSI 300 của Trung Quốc đang tăng gần 1,7% lúc hơn 10 giờ sáng nay. Chỉ số Nikkei cũng tăng vọt 2,3%, Kospi Hàn Quốc tăng hơn 1,1%.

Diễn biến cùng chiều với các thị trường châu Á, VN-Index trong sáng nay cũng ghi nhận sắc xanh suốt từ đầu phiên, nhưng mức tăng rất khiêm tốn chỉ ở 0,2%. Đáng lưu ý là thanh khoản rất thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng sau phiên thị trường bị bán tháo mạnh mẽ vào hôm qua.

Lý giải về việc thị trường giảm mạnh trong hai ngày đầu tháng 9 này, nhiều nhà đầu tư cho rằng do ảnh hưởng từ thông tin sắp có đợt thanh tra hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán. Thực tế là hôm qua trên thị trường cũng lan truyền tin tức về việc một công ty chứng khoán lớn thuộc thị phần tốp đầu và có dư nợ margin cao nhất thị trường hiện nay đã quyết định cắt giảm margin, khiến không ít cổ phiếu bị bán tháo và nằm sàn.

Việc các công ty chứng khoán cắt margin mục tiêu nhằm đảm bảo sự an toàn trong hoạt động, nhưng cũng có thể báo hiệu thị trường đang ở trạng thái rủi ro cao, nên thông tin trên không chỉ buộc các nhà đầu tư phải bán cổ phiếu ra mà còn ảnh hưởng lên tâm lý thị trường. Và xu hướng này có thể lan tỏa ra khiến các công ty chứng khoán khác hành động tương tự, do đó không loại trừ khả năng có thể gây áp lực lên thị trường trong giai đoạn tới.

Một minh chứng cụ thể gần đây nhất là trường hợp của cổ phiếu Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, HoSE: FTM). Sau khi bị Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ theo thông báo vào ngày 16/8/2019 với lý do lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng 2019 là số âm, cổ phiếu FTM đã có 15 phiên giảm sàn liên tiếp tính từ phiên ngày 15/8 cho đến hôm nay. So với mức giá 24.000 đồng hồi đầu tháng 8, cổ phiếu FTM đã mất hơn 63% giá trị. Có thể thấy rủi ro bị cắt margin là ảnh hưởng lên giá cổ phiếu cũng như thị trường nói chung là lớn đến mức nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rủi ro cắt margin gây áp lực lên giá cổ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO