Quản lý chặt đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước

01/12/2011 04:31

Các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước sẽ được thắt chặt quản lý nếu như dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) hiện đang lấy ý kiến đóng góp thành hiện thực.

Quản lý chặt đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước

Các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước sẽ được thắt chặt quản lý nếu như dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) hiện đang lấy ý kiến đóng góp thành hiện thực.

Một trung tâm giao dịch khách hàng của Metfone tại Phnom Penh do Viettel đầu tư

Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị định nói trên diễn ra tại TPHCM chiều ngày 29/11 do Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, nhiều đại biểu tỏ ra quan tâm tới một chương mới hoàn toàn dành riêng cho các dự án ĐTRNN có sử dụng vốn nhà nước được bổ sung vào dự thảo sửa đổi nghị định lần này.

Theo ông Vũ Văn Chung, Trưởng phòng Đầu tư ra nước ngoài thuộc FIA, chương mới bổ sung này quy định nội dung quản lý chặt chẽ hơn sau cấp phép đối với dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước, không chỉ theo dõi mà còn được kiểm tra thường xuyên bởi chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo dự thảo nghị định, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận ĐTRNN, chủ đầu tư phải đệ trình cả văn bản chấp thuận chủ trương về việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài.

“Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định tổ chức kiểm tra dự án đầu tư theo kế hoạch hoặc đột xuất”. Và nội dung kiểm tra dự án sẽ tập trung vào việc chấp hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án; đấu thầu; sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực khác của dự án; bố trí vốn đầu tư, giải ngân, quyết toán vốn đầu tư…

Ngoài ra, dự án đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước cũng phải thực hiện quy định của pháp luật về đấu thầu trong việc mua sắm hàng hóa, tư vấn và xây lắp.

 Dự thảo nghị định sửa đổi cũng đưa ra những ràng buộc mới về thủ tục đăng ký và xin cấp phép đầu tư đối với cả các dự án đầu tư ra nước ngoài của các thành phần kinh tế khác, chẳng hạn nhà đầu tư phải bổ sung trong hồ sơ các giấy tờ được coi là văn bản chấp thuận địa điểm thực hiện dự án của nước sở tại.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, điểm mới trong dự thảo lần này là yêu cầu nhà đầu tư phải báo cáo tình hình hoạt động; nhà đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định thì tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận ĐTRNN, đồng thời sẽ bị công bố công khai trên trang thông tin điện tử về đầu tư ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo FIA, dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định có mục đích tiếp tục đơn giản hóa thủ tục ĐTRNN, mở rộng quy mô dự án thuộc diện đăng ký đầu tư và cụ thể về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, hạn chế cấm đầu tư, song trong lần sửa đổi này thì cũng đưa ra những quy định tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư sau cấp phép, trong đó quản lý chặt hơn đối với dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn của Nhà nước.

Những quan ngại về hiệu quả của dòng vốn ĐTRNN đã được các chuyên gia đưa ra cách đây hơn một năm khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo việc chuyển lợi nhuận về từ các dự án này còn rất thấp trong khi ngoại tệ chạy ra theo các dự án này ngày càng nhiều.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến tháng 9 năm nay đã có 1,93 tỉ đô la vốn đầu tư ra nước ngoài được thực hiện trong tổng vốn đăng ký hơn 10 tỉ đô la Mỹ; trong đó vốn đầu tư của nhà nước chiếm khoảng 60-70%. 

Theo Bộ Tài chính, hiện nay có nhiều tổng công ty, tập đoàn có vốn của nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Nga, Trung đông và Châu Phi, Venezuela... (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam); đầu tư phát triển mạng lưới viễn thông ở Lào, Camphuchia... (Tập đoàn Viễn thông quân đội - Viettel); đầu tư dịch vụ viễn thông ở Hông Kông, đầu tư sản xuất vật tư, thiết bị viễn thông ở Lào (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam); đầu tư phát triển trồng cây cao su ở Lào, Camphuchia (Tập đoàn Cao su Việt Nam); đầu tư khai thác khoáng sản tại Lào, Camphuchia (Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam); đầu tư vào lĩnh vực điện ở Lào (Tập đoàn Sông Đà), Tổng công ty Hàng không Việt Nam đầu tư góp vốn thành lập hãng hàng không quốc gia tại Camphuchia...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý chặt đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO