ODA: “Không dễ ăn”

HOÀNG VŨ| 07/07/2010 05:44

Mới đây, tin từ Thông tấn xã Kyodo cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa đề xuất với Chính phủ thay đổi các quy định liên quan đến chính sách tài trợ ODA, chú trọng tới lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, duy trì hòa bình, xúc tiến việc tăng trưởng bền vững.

ODA: “Không dễ ăn”

Mới đây, tin từ Thông tấn xã Kyodo cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa đề xuất với Chính phủ thay đổi các quy định liên quan đến chính sách tài trợ ODA, chú trọng tới lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, duy trì hòa bình, xúc tiến việc tăng trưởng bền vững.

Theo đó, Ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada cho hay, đề nghị thay đổi chính sách ODA thì ưu tiên của nguồn ngoại viện này sẽ dành cho những nước có quan hệ song phương với Nhật và đang trong giai đoạn tái thiết.

Thông tin này xem ra khớp với kế hoạch phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới. Đó là Việt Nam chuyển từ một nước kém phát triển sang một nước bắt đầu phát triển ở mức trung bình thấp và có thể bắt đầu vay một số khoản nợ để phát triển hạ tầng, nâng cao giáo dục - đào tạo, làm trường, đầu tư vào các vùng nghèo.

Không thể phủ nhận, trong điều kiện đất nước còn nghèo, xuất phát điểm để phát triển rất thấp, ODA đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong vài thập niên qua, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo dự kiến, dư nợ Chính phủ năm 2010 lên tới 44,6% GDP, sát với mức trần cho phép là 50% GDP.

Mức nợ này, nếu đúng theo báo cáo, chưa phải là tổng mức nợ công vì chưa tính đến các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nếu cộng hai khoản nói trên, nợ công của Việt Nam đã vượt trần. Điều này cho thấy sự quá lệ thuộc vào ODA cũng đem đến nhiều bất lợi cho đất nước tiếp nhận nguồn vốn này.

Nói như thế bởi ngày nay, nợ quốc gia không chỉ là vấn đề của chính quốc gia ấy, mà nó đã được thị trường hóa trên thị trường tài chính quốc tế. Tất cả các trái phiếu do Chính phủ phát hành đều được các tổ chức tài chính trung gian mua vào, cho nên nó sẽ ảnh hưởng không chỉ tới kinh tế của các nước đó, mà còn ảnh hưởng tới cả thị trường tài chính, tiền tệ, sản xuất, kinh doanh toàn cầu.

Vậy mới thấy việc Quốc hội bác bỏ chuyện đầu tư làm tàu điện ngầm ngoài tính hiệu quả còn phải đề phòng trước những khoản nợ quốc gia này. Trên thực tế, chuyện lo lắng, đề phòng nguồn vốn ODA là không thừa với 30,03 tỷ USD vốn ODA cam kết cho Việt Nam vay trong 12 năm qua (chiếm khoảng 2% tổng ODA trên thế giới) và đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, vậy thì liệu ODA có phải là tiền “cho không biếu không”?

Nguồn vốn vay cứ ngày một tăng lên mà chúng ta lại chưa thể tạo ra hiệu quả dựa trên nguồn vốn ấy. Bằng chứng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải thừa nhận rằng, tốc độ giải ngân các dự án ODA quá chậm. Các nhà tài trợ cho biết, tiến độ chung các dự án ODA tại Việt Nam thường chậm ba năm so với kế hoạch đã thỏa thuận. Trưởng ban đấu thầu của Ngân hàng Thế giới cho hay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ giải ngân chậm nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, còn quá nhiều mặt trái tồn tại như yếu tố tỷ giá hối đoái cũng có thể làm cho giá trị vốn ODA phải hoàn lại tăng lên. Bởi lẽ, giá trị của các khoản ODA chủ yếu lấy ngoại tệ mạnh như đô la Mỹ, yên Nhật, euro... làm đơn vị tính toán.

Khi các đồng tiền này tăng giá, hoặc đồng tiền của nước tiếp nhận ODA bị mất giá trong khoảng thời gian sử dụng vốn thì khoản vốn ODA phải hoàn trả rõ ràng sẽ bị tăng lên. Có thể nói, sử dụng ODA là một sự đánh đổi. Việc tiếp nhận ODA nhiều hơn càng cần phải đi đôi với sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Nếu không sẽ gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ODA: “Không dễ ăn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO