Nước chảy chỗ trũng

QUỲNH CHI| 01/03/2012 06:01

Trong khi các ngân hàng (NH) trong nước đang loay hoay đối phó với nhiều vấn đề, thì các NH nước ngoài tại Việt Nam lại có nhiều lợi thế vì được cho phép tăng trưởng tín dụng tối đa. Ở thời điểm này, chính sách trên vô tình trở thành áp lực cạnh tranh ngày càng lớn giữa các NH nội-ngoại và việc chiếm lĩnh thị phần của khối ngoại trong năm 2012 không còn là lý thuyết.

Nước chảy chỗ trũng

Trong khi các ngân hàng (NH) trong nước đang loay hoay đối phó với nhiều vấn đề, thì các NH nước ngoài tại Việt Nam lại có nhiều lợi thế vì được cho phép tăng trưởng tín dụng tối đa. Ở thời điểm này, chính sách trên vô tình trở thành áp lực cạnh tranh ngày càng lớn giữa các NH nội-ngoại và việc chiếm lĩnh thị phần của khối ngoại trong năm 2012 không còn là lý thuyết.

Khối ngoại: Cờ trao tay

Đến nay, hầu hết các NH ngoại đã hoàn thành điều kiện tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 141 của Chính phủ. Chẳng hạn, tính đến ngày 31/12/2011, NH 100% vốn nước ngoài như HSBC, Standard Chartered, ANZ, Hong Leong có vốn điều lệ/vốn được cấp là 3.000 tỷ đồng.

Riêng Shinhan Vietnam là hơn 7.500 tỷ đồng. Các NH liên doanh VID Public Bank có vốn điều lệ/vốn được cấp là 62,5 triệu USD. Tương tự, Indovina Bank Limitted có vốn điều lệ 165 triệu USD; Veieth Thái Vinasiam Bank là 61 triệu USD; Việt Nga Vietnam-Russia Joint Venture Bank là 168,5 triệu USD.

Còn lại 50 chi nhánh NH tại Việt Nam tính đến 31/12/2011, đều đã vượt con số 15 triệu USD vốn theo quy định.

Có thể thấy năm 2011, vì vướng trần tăng trưởng tín dụng không quá 20% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên phần lớn kết quả kinh doanh của khối NH nước ngoài không khả quan.

Song, đó chỉ là những khó khăn của năm cũ, vì với quy định mới của NHNN về tăng trưởng tín dụng của khối NH nước ngoài được phép tăng trưởng tối đa bằng mức vốn điều lệ mới thì mọi khó khăn hầu như được giải tỏa.

Đó là chưa kể lợi thế khi NHNN phân nhóm hạn chế tín dụng đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước, thì việc chiếm lĩnh thị phần của khối ngoại trong năm 2012 không còn là lý thuyết.

Có được sự ưu ái này, theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, do các NH nước ngoài luôn biết cách tiết chế trong kinh doanh cộng thêm khả năng quản trị rủi ro tốt, ít bị rủi ro về nợ xấu trong các năm.

Như vậy, về mặt kỹ thuật, chuyên môn NH nước ngoài cao hơn NH nội, có kinh nghiệm hơn nên khi triển khai nhanh hơn nên mối đe dọa là thách thức cho NH nội địa là có thật.

Khối nội: Mất phần

Ước tính hiện nay cả nước có khoảng 50 chi nhánh NH nước ngoài, 5 NH 100% vốn nước ngoài, 5 NH liên doanh.

Báo cáo số liệu hoạt động tháng 1/2012 của hệ thống NHTM trên địa bàn TP.HCM cho thấy, các NH nước ngoài có kết quả hoạt động khá tốt và bảo đảm an toàn hơn về cơ cấu giữa nguồn vốn huy động và cho vay.

Cụ thể, về huy động vốn phân tích theo khối thì dù NHTM Nhà nước có con số huy động tuyệt đối cao nhất (249.769 tỷ đồng) nhưng chỉ tăng 4,5% so với năm 2010, trong khi các NH nước ngoài đứng thứ hai về con số huy động tuyệt đối: 116.837 tỷ đồng nhưng tăng cao nhất đến 32,15% so với năm 2010.

Đặc biệt, khối NH nước ngoài vẫn có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, tính đến 31/12/2011 tỷ lệ nợ xấu NH nước ngoài chỉ chiếm 1,14%, trong khi NHTM nhà nước là 5,29% và NHTMCP là 2,8%.

Quả thực, nếu dựa trên những số liệu công bố từ NHNN trong năm 2011 thì một quan chức của NHNN chi nhánh TP.HCM thừa nhận khối NH nước ngoài đã và đang thành công không chỉ ở mảng kinh doanh bán buôn, bán lẻ mà cả mảng NHTM.

Dù không chạy đua vượt trần huy động như nhiều NHTM nội địa nhưng các NH nước ngoài vẫn chiếm được thị phần huy động lớn nhờ chất lượng dịch vụ phục vụ cho phân khúc khách hàng cao cấp của mình.

Nhất là các NH nước ngoài như ANZ, HSBC, Standard Charterd, Citi... đã bắt đầu đẩy mạnh mảng dịch vụ tài khoản tiền gửi thanh toán, quản lý dòng tiền dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Đơn cử, hiện HSBC đang tập trung rất mạnh vào mảng dịch vụ thẻ ghi nợ bằng việc khuyến mãi, cộng điểm, tặng thêm dịch vụ... cho khách hàng thanh toán bằng thẻ của NH này khi mua sắm.

Đặc biệt, NH này liên tục tung ra các đội ngũ bán hàng mời chào khách hàng mở thẻ qua NH, vay vốn tín chấp và mở tài khoản NH với hàng loạt các ưu đãi...

Phó tổng giám đốc NHTM cổ phần thừa nhận rằng: “Các NH nước ngoài được triển khai những nghiệp vụ quan trọng mà NH trong nước đang và có ý định thực hiện. Nguy cơ giảm thị phần là có thật. Việc chia sẻ khách hàng lớn cũng sẽ xảy ra”.

Đó là chưa kể các nghiệp vụ tài chính mới, chẳng hạn kinh doanh ngoại hối, NH nước ngoài tỏ ra vượt trội hơn hẳn bởi đã đi trước rất nhiều năm, có bề dày kinh nghiệm và đã gặt hái thành công. Các NH trong nước mới học theo nhưng khó đuổi kịp, bởi đây là những nghiệp vụ rủi ro cao.

Còn ở các dịch vụ truyền thống như huy động tiền gửi, cho vay..., NH trong nước có lợi thế là người đến trước, mạng lưới hoạt động rộng khắp và am hiểu tâm lý khách hàng bản địa.

Tuy nhiên, những lợi thế này cũng có thể mất đi, khi các NH nước ngoài được tăng trưởng tín dụng tương ứng với quy mô hiện có. Họ sẵn sàng giảm giá dịch vụ, thậm chí họ cũng biết tận dụng tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng trong nước để hoạch định thành chiến lược lấn chiếm thị phần.

Tính đến thời điểm này, điều may mắn duy nhất là Việt Nam hạn chế sự tham gia mua cổ phần của các tổ chức tín dụng nước ngoài trong NH nội địa. Và ngay cả khi NH niêm yết cổ phiếu trên sàn, hạn mức đó vẫn giữ nguyên.

Thế nhưng theo ông Đinh Thế Hiển, những rào cản kỹ thuật kể trên chỉ hạn chế một phần sự tham gia của các NH nước ngoài. Các NH trong nước phải tự tăng cường năng lực hơn nữa nếu muốn cạnh tranh trên sân chơi bình đẳng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước chảy chỗ trũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO