Nợ xấu ở hai "đầu tàu": Hà Nội thấp hơn TP.HCM

MAI LAN| 04/12/2012 09:53

Nợ xấu của hai "đầu tàu" kinh tế là Hà Nội và TP.HCM luôn được quan tâm. Nhưng đáng ngại nhất là nợ xấu của doanh nghiệp.

Nợ xấu ở hai

Nợ xấu của hai "đầu tàu" kinh tế là Hà Nội và TP.HCM luôn được quan tâm. Nhưng đáng ngại nhất là nợ xấu của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trong năm 2012, mặt bằng lãi suất huy động vốn bằng VND và USD giữa các ngân hàng không có sự chênh lệch lớn. Vốn huy động của các tổ chức tín dụng duy trì tăng trưởng.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 897.646 tỷ đồng, tăng 9,32 % so với cuối năm 2011, trong đó, tiền gửi tăng 17,07%, phát hành giấy tờ có giá giảm 51,87%. Riêng lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 10 -13%/năm.

Đối với các đối tượng ưu tiên nhiều khoản vay mới đã áp dụng mức lãi 9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12 - 15%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 14,6 - 17,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ổn định, phổ biến ở mức 5 - 7%/năm đối với ngắn hạn; 6 - 8%/năm đối với trung và dài hạn.

Theo UBND TP. Hà Nội, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn ước đạt 623.959 tỷ đồng, tăng 6,45% so cuối năm 2011, trong đó dư nợ tín dụng VND tăng 10,78% và dư nợ tín dụng ngoại tệ giảm 3,56%, dư nợ ngắn hạn tăng 4,55%, dư nợ trung và dài hạn tăng 9,51% so với cuối năm 2011.

Về chất lượng tín dụng, quản trị rủi ro, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao, thời điểm 30/9/2012 là 4,11% tổng dư nợ, cao hơn 0,7 % so với tháng 12/2011 (3,41%).

Trong khi đó, so với TP. Hà Nội, tỷ lệ nợ xấu của TP.HCM lại cao hơn nhiều. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đến cuối tháng 9/2012 là 6,26%, tăng 1,96% so với cuối năm 2011.

Dù tỷ lệ nợ xấu của Hà Nội "khả quan" hơn TP.HCM, nhưng nợ xấu từ doanh nghiệp (DN) lại cao. Theo Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội, số nợ xấu mà doanh nghiệp đang nợ ngân hàng còn có thể thống kê được, còn số nợ xấu mà DN nợ DN, các công trình nhà nước còn nợ DN thì rất khó thống kê.

Hơn nữa, khó khăn lớn mà nhiều DN đang vấp phải là lượng hàng tồn lớn, bởi đơn giá bán trên thị trường của những loại mặt hàng này lại giảm xuống, khiến khó khăn chồng khó khăn. Cụ thể, trị giá tài sản của doanh nghiệp giảm xuống do đơn giá giảm, dẫn đến tài sản đảm bảo cầm cố cho các khoản vay không còn đủ trị giá đảm bảo.

Bên cạnh đó, nợ vay tăng lên do hằng tháng, DN vẫn phải trả lãi vay cho tồn kho, trong khi doanh thu không có. Ngoài ra, hiện đang có tình trạng những doanh nghiệp gánh nợ xấu cao, không thể vay tiếp thì các chủ doanh nghiệp lách bằng cách thành lập những doanh nghiệp khác để vay tiếp.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho hay, nếu theo con số mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo (nợ xấu chiếm khoảng 8,8% tổng dư nợ) thì quy mô nợ xấu Việt Nam hiện khoảng 12 tỷ USD. Theo tính toán, thiệt hại từ số nợ xấu này có thể khoảng 7 tỷ USD (nợ có khả năng mất vốn), chiếm 5% GDP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ xấu ở hai "đầu tàu": Hà Nội thấp hơn TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO