Những giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán

Khánh Phương| 30/03/2020 05:00

Chỉ số VN-Index tuần trước có phiên chỉ còn 659,21 điểm, giảm hơn 329 điểm so với thời điểm trước khi nghỉ Tết Canh Tý, trở thành một trong những thị trường chứng khoán (TTCK) giảm mạnh nhất trên thế giới. Trong bối cảnh ấy, việc tung ra những giải pháp để hỗ trợ TTCK là cần thiết hơn bao giờ hết.

Những giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán

Hỗ trợ phí và mua cổ phiếu quỹ

Thông tư số 14/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18/3/2020 (sau đây gọi tắt là Thông tư 14) đã quyết định giảm 10% đối với ba dịch vụ là giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh và lưu ký chứng khoán, giảm từ 15-20% đối với hai dịch vụ là quản lý vị thế và quản lý tài sản ký quỹ trên TTCK phái sinh, giảm từ 30-50% đối với 4 dịch vụ là quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm, thực hiện quyền chuyển khoản chứng khoán, đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Bộ Tài chính quyết định không thu, miễn hoàn toàn đối với 6 dịch vụ, bao gồm: đăng ký niêm yết, đăng ký chứng khoán, kết nối trực tuyến lần đầu, vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD, đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, đăng ký thành viên bù trừ. Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ ít nhất trong vòng hơn 5 tháng, từ ngày 19/3 đến hết ngày 31/8/2020, nhưng có thể kéo dài thêm trong trường hợp cần thiết.

Bên cạnh việc áp dụng các mức giá dịch vụ, phí thấp hơn theo quy định tại Thông tư 14, một số công ty chứng khoán (CTCK) cho biết đang xem xét điều chỉnh mức phí giao dịch tại công ty dành cho nhà đầu tư và có thể duy trì trong dài hạn, vì khi đã giảm thì khó mà tăng lại. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo tại một số CTCK cũng đang họp để đưa quyết sách phù hợp với tình hình khó khăn hiện tại.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã khẳng định cơ quan này sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp trong vòng một ngày, thay vì xử lý trong vòng 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC. Trước đó đã có một số thị trường trong khu vực cho phép doanh nghiệp chủ động mua lại cổ phiếu quỹ mà không cần đăng ký, nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho tâm lý thị trường, thể hiện trong hai tuần qua, hàng loạt doanh nghiệp đã đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ với giá trị lớn, giúp giá cổ phiếu phục hồi đáng kể.

Giữ niềm tin và cải tiến thị trường

Các sàn chứng khoán từ Manila, Jakarta đến Seoul và Karachi đã phải tạm ngừng giao dịch trong phiên giao dịch ngày 19/3/2020, khi các thị trường tiếp tục lao dốc. Đáng chú ý là TTCK Philippines chìm tới 24% khi giao dịch trở lại sau hai ngày đóng cửa từ ngày 17/3/2020. Còn tại thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ, đã có đến ba lần phải tạm ngắt giao dịch chỉ trong vòng 6 phiên, khi đà bán tháo đẩy các chỉ số liên tiếp giảm sâu.

Việc ngắt mạch hoặc tạm ngưng giao dịch dù phần nào hãm lại đà giảm của thị trường tại thời điểm đó, nhưng có thể gây mất niềm tin của nhà đầu tư và đẩy sự hoảng loạn tăng lên ngay khi thị trường mở cửa trở lại. Chính vì vậy, việc TTCK Việt Nam dù giảm sâu trong những tuần gần đây, nhưng vẫn giữ được sự ổn định trong giao dịch là có nhiều ý nghĩa đối với các nhà đầu tư. 

UBCKNN cũng cho biết sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết.

Bên cạnh các giải pháp giữ niềm tin cho nhà đầu tư, việc cải tiến thị trường theo hướng hiện đại hơn, tiện ích hơn cũng là điều cần thiết trong lúc này. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã đề xuất bên cạnh các giải pháp mang tính dài hạn, thì giải pháp tài sản đảm bảo được xem như là một biện pháp kỹ thuật nhằm giải quyết gánh nặng ký quỹ bảo đảm trong giao dịch cổ phiếu, để sớm hỗ trợ thị trường trong bối cảnh hiện nay, cũng như mục tiêu phát triển bền vững.

Cụ thể, theo đánh giá của tổ chức FTSE tại báo cáo tháng 9/2019, chu kỳ thanh toán của TTCK Việt Nam là T+2 với mô hình DvP (Delivery versus Payment - giao chứng khoán đồng thời với việc thanh toán tiền). Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường đang được vận hành theo mô hình “pre-funded market”, tức là chỉ được đặt lệnh mua, bán khi đã ký quỹ đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán.  

Mô hình này tuy giúp quản lý rủi ro thanh toán, nhưng điểm hạn chế là quay vòng vốn không tốt, gia tăng chi phí cơ hội hoặc chi phí tài chính cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Xét trên phương diện quốc tế, hiện không còn nhiều TTCK  sử dụng cơ chế ký quỹ trước giao dịch.

TTCK Việt Nam đang sử dụng tài sản đảm bảo cho TTCK phái sinh với tỷ lệ chiết khấu 5% đối với trái phiếu chính phủ, 30% đối với chứng khoán nằm trong danh mục chứng khoán cấu thành chỉ số VN30/HNX30, 40% đối với các chứng khoán còn lại. Do đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng có thể điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu tài sản đối với từng loại chứng khoán thế chấp căn cứ vào mức thanh khoản và rủi ro của tài sản thế chấp. Tuy nhiên, các loại tài sản thế chấp này không được vượt quá 20% trên tổng giá trị tài sản ký quỹ.

Theo đó, tương tự như giao dịch cho vay ký quỹ (margin), UBCKNN sẽ công bố danh sách chứng khoán đủ điều kiện làm tài sản đảm bảo và các tỷ lệ chiết khấu tương ứng. Trên cơ sở đó, CTCK căn cứ vào tài sản của nhà đầu tư đang có trong danh mục và tỷ lệ chiết khấu để xác nhận khả năng thanh toán tại ngày thanh toán T+2, từ đó xác định mức yêu cầu ký quỹ đảm bảo tại thời điểm đặt lệnh. Trong trường hợp tại T+2, nhà đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ thì tài sản đảm bảo sẽ được xử lý để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO