Những điều cần biết khi đầu tư chứng khoán phái sinh

LÊ PHAN| 16/08/2017 02:12

Chứng khoán phái sinh thường được dùng như một công cụ phòng ngừa rủi ro cho các vị thế mở trên thị trường cơ sở. Với lượng nhà đầu cơ Việt Nam quá lớn thì đây có thể trở thành một kênh đặt cược thay vì đầu tư.

Những điều cần biết khi đầu tư chứng khoán phái sinh

Sau 2 ngày giao dịch thị trường chứng khoán phái sinh (từ 10/8), diễn biến giá của các hợp đồng tương lai cho thấy nhà đầu tư bi quan với triển vọng ngắn hạn của thị trường trong 2 tháng tới, ngược lại, lại lạc quan hơn vào khả năng đi lên của cổ phiếu vào cuối năm nay và đầu quý I năm sau.

Cụ thể, giá hợp đồng tương lai VN30F1708 sẽ đáo hạn vào ngày 17/8 tới đã giảm 12,3 điểm sau 2 ngày giao dịch. Tương tự, hợp đồng VN30F1709 đáo hạn vào ngày 21/9 cũng giảm 10,7 điểm. Trong khi đó, các hợp đồng VN30F1712 và VN30F1803 sẽ đáo hạn vào 21/12/2017 và 15/3/2018 tăng tương ứng là 3,9 điểm và 11,9 điểm.

Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường cơ sở đang ở vùng cao và chịu áp lực điều chỉnh, hầu hết các nhà đầu tư đều tin rằng trong ngắn hạn thị trường sẽ đi xuống ít nhất là cho đến hết tháng 9. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là trong ngày giao dịch đầu tiên, hợp đồng VN30F1708 được xác định ở giá tham chiếu cao nhất là 758, kế tiếp VN30F1709 là 756, VN30F1712 là 752,1 và cuối cùng là VN30F1803 tại 748,1.

Điều đó cho thấy giá tham chiếu ban đầu đưa ra thể hiện kỳ vọng các hợp đồng có thời gian đáo hạn càng dài thì giá càng giảm, hay triển vọng đi lên của thị trường càng về dài hạn càng thấp.

Khối lượng giao dịch cũng phản ánh khá nhiều điều, khi đa số là rơi vào hợp đồng VN30F1708. Điều này cho thấy các nhà đầu tư hiện tại đang ưa thích giao dịch các hợp đồng có kỳ hạn ngắn hơn do tin rằng sẽ dễ dự báo hơn. Còn đối với các hợp đồng tương lai có thời gian đáo hạn dài hơn thì diễn biến giao dịch khá dè dặt, do xu hướng thị trường này vẫn không rõ ràng, trong khi ở khoảng thời gian dài thì sẽ có nhiều yếu tố biến động khó lường có thể tác động đến thị trường theo cách không ngờ tới.

Về cơ bản thị trường phái sinh và thị trường cơ sở đều có sự tác động qua lại lẫn nhau, nếu thị trường cơ sở tăng giá có thể tạo động lực thúc đẩy giới đầu tư mở các vị thế mua trên thị trường phái sinh, ngược lại nếu các hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh tăng giá cũng gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường cơ sở. Kinh nghiệm từ các thị trường chứng khoán trên thế giới cho thấy thị trường chứng khoán phái sinh thường có những diễn biến đi trước thị trường cơ sở.

Thông thường thị trường phái sinh và cơ sở thường có diễn biến đi cùng chiều nhau. Một khi hai thị trường này có biến động ngược chiều nhau thì đây có thể xem là tín hiệu cảnh báo xu hướng thị trường sắp thay đổi. Với khả năng có thể giao dịch hai chiều mua và bán khống, thị trường phái sinh được xem là chỉ báo cho thị trường cơ sở, trong khi thị trường cơ sở do chưa cho phép bán khống nên diễn biến tất yếu sẽ chậm hơn so với phái sinh.

Về cơ bản thị trường phái sinh và thị trường cơ sở đều có sự tác động qua lại lẫn nhau, nếu thị trường cơ sở tăng giá có thể tạo động lực thúc đẩy giới đầu tư mở các vị thế mua trên thị trường phái sinh, ngược lại nếu các hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh tăng giá cũng gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường cơ sở.

Ngoài ra, thành phần tham gia thị trường phái sinh thường là các tổ chức, nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, có khả năng phân tích, dự báo triển vọng kinh tế, cũng như có thể biết sớm một số thông tin trên thị trường nên có thể mở vị thế mua hoặc bán với số lượng lớn ngay lập tức, do đó quan điểm thể hiện trên thị trường sẽ phản ánh sát hơn kỳ vọng của nền kinh tế, giao dịch trên thị trường so với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, thị trường phái sinh thường được sử dụng như một công cụ phòng ngừa rủi ro cho các vị thế mở trên thị trường cơ sở, tuy nhiên với lượng nhà đầu cơ trên thị trường Việt Nam quá lớn thì đây có thể trở thành một kênh đặt cược thay vì đầu tư khi tỷ lệ sử dụng đòn bẩy ở mức cao.

Do đó, rủi ro trên thị trường phái sinh cũng khá lớn. Ngoài yếu tố tỷ lệ đòn bẩy được sử dụng quá lớn, thì khả năng các chỉ số như VN 30 có thể được "lái" theo mong muốn của nhà tạo lập thị trường, nhất là càng gần thời điểm các hợp đồng đáo hạn. Do vậy, dù có thể dự đoán đúng xu hướng thị trường trong tương lai và mở các vị thế mua bán phù hợp, nhưng nếu các chỉ số được "lái" thì nhà đầu tư có thể gặp rủi ro hoặc đạt được mức lãi ít hơn.

Với tỷ lệ cổ phiếu được tự do giao dịch (free float) tại một số mã cổ phiếu lớn trong chỉ số VN 30 quá thấp, thì việc muốn tác động lên chỉ số này không phải là điều quá khó. Ví dụ như mã cổ phiếu Sabeco (SAB), với tỷ lệ free float ở 15%, trong khi giá trị vốn hóa chỉ xếp thứ 2 sau Vinamilk thì bất kỳ sự biến động nào của SAB cũng tác động đáng kể đến chỉ số VN-Index nói chung và VN 30 nói riêng.

Thực tế là những ngày qua sự tăng giảm mạnh của SAB đã tác động đáng kể lên biến động các chỉ số trên thị trường. Ngoài ra, còn một số mã khác có tỷ lệ free float rất thấp, chủ yếu là các mã Nhà nước vẫn đang nắm cổ phần chủ yếu, như VCB là 5% với vốn hóa xếp thứ 3, GAS là 5% với vốn hóa xếp thứ 4, BID là 5% với vốn hóa xếp thứ 7 toàn thị trường, CTG 10% với vốn hóa xếp thứ 6, BVH 10% với vốn hóa xếp thứ 12.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những điều cần biết khi đầu tư chứng khoán phái sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO