Những cổ phiếu “chìm đắm” sau IPO

Khánh Phương| 29/09/2019 07:00

Các phiên IPO thành công kéo theo những phiên chào sàn không thể tuyệt vời hơn, khi giá cổ phiếu được đẩy lên cao, dù không ít người đoán được những phiên đẩy giá như vậy ắt hẳn có bàn tay của các nhà đầu tư lớn hay “cá mập”.

Những cổ phiếu “chìm đắm” sau IPO

Ông lớn cũng không thoát

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) niêm yết 242 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM đầu tháng 3/2018 với giá tham chiếu 22.400 đồng/CP và đã tăng lên mức 31.050 đồng/CP ngay khi mở cửa. Trước đó, BSR đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá trúng trung bình là 23.043 đồng/CP, cao hơn 57,8% so với giá khởi điểm. Trước IPO, tổng khối lượng cổ phần đăng ký là 651.789.522 cổ phần, gấp 2,7 lần lượng chào bán, cho thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu BSR.

Cổ phiếu BSR trong phiên giao dịch chính thức kế tiếp vào ngày 2/3/2018 tiếp tục leo lên mốc 33.530 đồng/CP, tức đã tăng gần 50% so với tham chiếu. Tuy nhiên, đó cũng là đỉnh giá của cổ phiếu này khi BSR đã lao dốc kể từ đó đến nay. Vào ngày 11/9/2019, cổ phiếu BSR chạm đáy ở mốc 8.600 đồng/CP, tức đã bốc hơi hơn 74% giá trị. Không chỉ vì những số liệu tài chính mù mờ gây nghi ngờ khi lãi sau thuế 6 tháng năm 2019 bốc hơi đến 173 tỷ đồng, mà kết quả kinh doanh tuột dốc sau IPO cũng khiến nhiều nhà đầu tư ngán ngẩm.

Từ mức lợi nhuận hơn 4.400 tỷ đồng trong năm 2016 rồi 7.700 tỷ đồng trong năm 2017, cuối năm 2018 BSR chỉ còn báo lãi 226 tỷ đồng, giảm đến 97%, trong đó riêng quý IV/2018 báo lỗ ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Những ngày gần đây, giá cổ phiếu BSR có dấu hiệu phục hồi khi tiếp cận gần mốc 10.000 đồng/CP nhờ thuế nhập khẩu dầu thô về 0%, tuy nhiên so với đỉnh giá trước đây thì những nhà đầu tư nào vẫn còn ôm đến giờ này sẽ còn lâu mới được hòa vốn.

Một “ông lớn” khác trong ngành dầu khí là Tổng công ty CP Dầu Việt Nam (UPCoM: OIL) cũng có phiên IPO thành công với khối lượng cổ phần đặt mua gấp 2,3 lần khối lượng chào bán, giá trúng bình quân là 20.196 đồng/CP, cao hơn 51% giá khởi điểm. Ngày 7/3/2018, cổ phiếu chính thức được niêm yết tại giá mở cửa 26.530 đồng/CP, cao hơn 31% giá tham chiếu. Đến ngày 8/3/2018, cổ phiếu OIL được đẩy lên mức cao nhất ở 28.690 đồng/CP, nhưng đó cũng là đỉnh cao nhất để rồi những chuỗi ngày sau đó là chìm trong vô vọng. Mức thấp nhất mà cổ phiếu này sau đó đạt được là 9.500 đồng/CP ngày 9/9/2019.

Tương tự BSR, kết quả kinh doanh của OIL cũng tuột dốc. Từ mức lợi nhuận 674 tỷ đồng trong năm 2015, đến năm 2016 giảm nhẹ xuống 565 tỷ đồng, thì sau khi IPO đến cuối năm 2018, OIL chỉ còn báo lãi chưa tới 17,5 tỷ đồng, giảm đến 97%. Chỉ đến quý II vừa qua, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) này mới có dấu hiệu phục hồi khi đạt gần 229 tỷ đồng, giúp lợi nhuận 6 tháng lên hơn 267 tỷ đồng, tuy nhiên giá cổ phiếu vẫn chưa tăng.

Một trường hợp khác dù thiệt hại thấp hơn nhưng cũng có thể kể đến là Tổng công ty CP Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW), khi nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 284,4 triệu cổ phiếu trong số 468,3 triệu cổ phiếu chào bán IPO, giá trúng bình quân là 14.938 đồng/CP, cao hơn chưa đến 4% giá khởi điểm. Trong ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM vào ngày 6/3/2018, POW mở cửa tại 17.500 đồng/CP, cao hơn 17,4% so với giá tham chiếu. Tiếp đó trong ngày 7/3/2018, giá cổ phiếu POW được đẩy lên đỉnh cao nhất ở 20.000 đồng/CP và rồi sau đó tuột dốc về 10.700 đồng/CP vào ngày 13/7/2018.

Dù vậy, so với BSR và OIL, mức độ “sát thương” của cổ phiếu POW có phần đỡ hơn. Cùng với việc chuyển sàn sang HOSE vào ngày 14/1/2019, cũng như được lọt vào danh mục của các quỹ ETF, cổ phiếu POW sau đó đã có phục hồi đáng kể vào đầu năm nay. Dù vậy, kể từ giữa tháng 6/2019 đến nay, POW vẫn đi xuống.

E ngại với IPO khủng

Có nhiều lý do giúp các phiên IPO những DN lớn trên đạt được thành công. Ngoài việc là những DN đầu ngành có vị thế gần như độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh, cũng như được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi, thì các DN này đã lựa chọn thời điểm không thể phù hợp hơn để lên sàn.

Với những chiêu thức làm đẹp báo cáo trước khi IPO và tình trạng bất cân xứng thông tin, có vẻ IPO không phải là nơi thích hợp cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Đơn cử như ba DN kể trên đều IPO trong những ngày đầu năm 2018 rồi tiếp đó niêm yết chính thức trong những ngày đầu tháng 3, thời điểm mà thị trường chứng khoán đang sục sôi và VN-Index đang phá hết kháng cự này đến kháng cự khác, để liên tiếp chinh phục các mức đỉnh cao 1.100 rồi 1.200 điểm.

Trước triển vọng lạc quan như thế, không có gì khó hiểu khi các nhà đầu tư mạnh tay vung tiền tham gia các phiên IPO của những DN khủng, mà hiệu quả kinh doanh trong giai đoạn trước khi lên sàn cũng rất tích cực. Dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài khi đó cũng đổ nhiều vào Việt Nam trước triển vọng kinh tế tăng trưởng ổn định, cũng như đón đầu cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Các phiên IPO thành công kéo theo những phiên chào sàn không thể tuyệt vời hơn, khi giá cổ phiếu được đẩy lên cao mang về lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư mua sớm, dù không ít người đoán được những phiên đẩy giá như vậy ắt hẳn có bàn tay của các nhà đầu tư tay to hay “cá mập”. Tuy nhiên, khi thời điểm đã chín muồi cũng là lúc dòng tiền thông minh chốt lời và thoát ra, buông cổ phiếu chìm sâu trong những ngày sau đó.

Trước thực trạng trên, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay trở nên e ngại với các phiên IPO khủng, vì không biết được sẽ có thể “ngậm trái đắng” bất cứ lúc nào, với mức thiệt hại lên đến hàng chục phần trăm đã không còn là hiếm khi giá cổ phiếu bị đẩy lên rồi sau đó là chuỗi ngày miệt mài dò đáy. Với những chiêu thức làm đẹp báo cáo trước khi IPO và tình trạng bất cân xứng thông tin, có vẻ IPO không phải là nơi thích hợp cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cổ phiếu “chìm đắm” sau IPO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO