Nhức nhối nợ xấu

Nam Phương| 28/04/2019 00:26

Các nhà băng đang bước vào mùa đại hội. Tổng kết năm tài chính trước, mở ra kế hoạch cho năm nay, nhiều nhà băng vẫn bị chất vấn gay gắt trước những tâm điểm về lợi nhuận, mức chia cổ tức, đặc biệt việc thu hồi nợ xấu.

Nhức nhối nợ xấu

Nghị quyết 42 là “ cứu cánh”

Theo ông Lê Minh Hưng - Thống đốc NHNN, năm 2019 toàn ngành ngân hàng sẽ triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đưa ra một số cơ sở pháp lý để các ngân hàng có thể giải quyết nợ xấu hiệu quả hơn. Chẳng hạn như, việc thu hồi tài sản bảo đảm vẫn được tiến hành dù có hay không có sự hợp tác của người đi vay. Chính quyền địa phương phải hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Nếu việc thu giữ đó hợp pháp rồi thì tòa án cũng cần theo Nghị quyết 42 có những thủ tục ngắn gọn để xử lý các vụ kiện liên quan đến vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm.

Nghị quyết 42 đặt ra yêu cầu để nợ xấu được giải quyết nhanh, hiệu quả, các cơ quan của Chính phủ từ NHNN, các NHTM cổ phần, Bộ Tài chính, các cơ quan an ninh phải cùng vào cuộc để đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Điều này không có nghĩa các ngân hàng chỉ thu giữ tài sản bảo đảm, thế chấp mà phải thanh lý, bán được những tài sản đó một cách nhanh chóng, dễ dàng. Việc công chứng hay bán tài sản bảo đảm phải được thực hiện thông thoáng hơn.

Nghị quyết 42 cũng quy định phải thành lập thị trường mua - bán nợ, đến thời điểm hiện tại, thị trường này đã có nhưng thành phần thu hẹp chỉ có ngân hàng thương mại, công ty quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại, VAMC, Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Do đó, để xử lý nợ xấu không còn là bài toán khó, đòi hỏi phải hình thành được thị trường mua - bán nợ với sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, thị trường mua – bán nợ phải được đa dạng với nhiều đối tượng, thành phần khác nhau, ngay cả người dân cũng có thể tham gia thị trường này. Sàn giao dịch phải có đủ hạ tầng cơ sở, có thông tin đầy đủ về những món nợ xấu được đưa lên sàn và giao dịch buôn bán như món hàng hóa.

Luôn “nóng”  chuyện thu hồi nợ 

Điểm chung đặt ra ở nghị quyết của hầu hết đại hội các ngân hàng đó là xử lý nợ xấu. 

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã từng đưa ra lời hứa ở thời điểm lên nắm quyền vào tháng 6/2017: “Trong 5 năm, nếu không xử lý được nợ xấu của Sacombank, tôi sẽ từ chức”. Có vẻ ông đang rốt ráo thực hiện  lời hứa của mình!

Hiện Ngân hàng Xây dựng Việt nam (CB Bank) đang có quyền thu hồi nợ gần 40.000 tỷ đồng, với các nhóm nợ lớn (theo các bản án đã có hiệu lực hồi cuối năm 2018). Việc thu hồi khoản nợ này cũng sẽ giúp CB gia tăng nguồn lực tài chính tạo đà cho việc tái cơ cấu, đồng thời đây cũng là trách nhiệm mà CB phải thực thi  bản án đã có hiệu lực.  Tuy nhiên, đến nay CB vẫn chưa thu hồi được những món nợ này. Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của CB (tổ chức tháng 1/2019) đã nêu: Công tác thu hồi nợ được chú trọng là hạt nhân của tiến trình tái cơ cấu được CB tập trung triển khai tích cực, vận dụng triệt để các giải pháp phù hợp với từng món nợ để thu hồi nợ hiệu quả nhất ngay sau khi có các phán quyết của tòa. 

Theo báo cáo tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương Tín  (Sacombank) ngày 26/4, trong năm 2018, Sacombank đã xử lý được trên 11.700 tỉ đồng nợ xấu từ nhiều nguồn như thu hồi nợ xấu, lãi dự thu và tài sản được cấn trừ. Lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu, Sacombank đã thu được 31.336 tỉ đồng nợ xấu, giảm tỉ lệ nợ xấu còn 2,11%, hoàn thành kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra là về dưới 3%.  Tại thời điểm 31/3, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này chỉ còn 2,08%.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết: Mỗi năm Sacombank đều đặt ra mục tiêu là phải rốt ráo xử lý nợ xấu,  là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu của Sacombank. Như năm 2017, đặt ra mục tiêu giảm được 20.000 tỉ đồng nợ xấu thì kết quả đã hoàn tất 19.000 tỉ đồng. Năm 2018, NH đặt ra mục tiêu giảm thêm 10.000-15.000 tỉ đồng thì cũng đã xử lý được 13.000 tỉ đồng. “Còn năm 2019, chúng tôi đặt ra mục tiêu kéo tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 2% và tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu với mục tiêu tối thiểu phải xử lý được 10.000-15.000 tỉ đồng. Đáng mừng là chỉ riêng trong quý I-2019 thì NH đã xử lý được trên 5.000 tỉ đồng” - bà Diễm thông tin.

Toàn ngành ngân hàng năm 2019 sẽ phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu... Đây là hướng mới của toàn ngành trong việc ngăn chặn xử lý nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo 2019-2020

.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhức nhối nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO