Nhảy tàu hay lên?

LÂM ANH| 25/05/2012 08:54

Sau chuỗi tăng điểm mạnh kéo dài gần 4 tháng, các chỉ số đã chính thức có tuần điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm.

Nhảy tàu hay lên?

Sau chuỗi tăng điểm mạnh kéo dài gần 4 tháng, các chỉ số đã chính thức có tuần điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm. Chỉ 5 phiên VN-Index “bốc hơi” trên 12%, xóa sạch toàn bộ thành quả tăng giá trong sáu 6 tuần trước đó.

Đọc E-paper

Cạn thông tin hỗ trợ



Có thể thấy thị trường đang đi vào giai đoạn trống thông tin hỗ trợ. Bên cạnh đó, các lo ngại xung quanh khả năng mức vay nợ của công ty chứng khoán (CTCK) sẽ bị thu hẹp từ 6 lần xuống còn 3 lần vốn chủ sở hữu trong dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007 của Ủy ban Chứng khoán liên quan đến Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK, dấu hiệu bán ròng mạnh nhóm blue chip của khối ngoại và những đồn đoán xung quanh việc thoái vốn của các quỹ đầu tư cũng như làn sóng bán giải chấp có thể đang hình thành... đã tạo nên tâm lý e ngại của nhà đầu tư (NĐT).

Từ đó, lực cầu giá cao thận trọng trong bối cảnh áp lực bán đã được tích lũy khá lớn sau chuỗi tăng điểm dài của thị trường đã khiến các chỉ số dễ dàng đánh mất một phần thành tích đạt được trong giai đoạn đầu năm.

Thực tế trong tháng qua, mặt bằng giá hàng hóa có xu hướng khá ổn định, cùng với việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu và giá gas, khả năng lạm phát tháng 5 sẽ không tăng tốc nhiều so với mức tăng của hai tháng vừa qua.

Tuy nhiên, theo nhận định CTCK Rồng Việt đưa ra, những thông tin tích cực trên so với thông tin lạm phát không còn mang nhiều ý nghĩa hỗ trợ cho thị trường bởi lẽ đến thời điểm hiện tại, vấn đề lạm phát không còn là mối lo lớn trong các mục tiêu điều hành kinh tế năm 2012.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt, đưa ra một số cảnh báo về chỉ số cơ bản.

Đó là thời gian gần đây, các thông tin về doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hoạt động liên tục xuất hiện, kèm theo tín dụng 4 tháng tăng trưởng âm 1,71%; lãi suất công bố giảm nhưng doanh nghiệp tiếp tục phản ánh không thể vay vốn vì hàng tồn không bán được nên chưa có nhu cầu; kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết quý I không khả quan, và triển vọng công bố quý II cũng tương tự; NĐT nước ngoài bán ròng trong nhiều phiền gần đây khiến thanh khoản trên thị trường sụt giảm mạnh.

Khi chưa có thêm thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ, thì việc Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội không đồng ý với đề xuất miễn thuế với một số đối tượng của Chính phủ cũng khiến thị trường tiếp tục đà giảm điểm mạnh.

Ngưỡng “thay đổi trật tự”

Với tình hình hiện tại, nhiều NĐT bắt đầu ví von “bây giờ đầu tư vào cổ phiếu giống hệt như chơi vàng”. Lý do vì chơi cổ phiếu biến động chẳng khác gì đánh bạc.

Thêm vào đó là việc các tay chơi lớn nhập cuộc mạnh khi thị trường có sóng càng khiến cho yếu tố cơ bản của cổ phiếu chỉ làm bình phong. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là thị trường chứng khoán trong nước mất hết sự hấp dẫn vốn có.

Theo phân tích của ông Michael Kokalari, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích của CTCK Kim Eng, Vn-Index đã có một thời gian tăng giá mạnh khá dài, đã đạt mức tăng hơn 30% so với cuối năm 2011 và khoảng giảm giá mạnh đã bẻ gãy xu hướng tăng giá của giai đoạn trước đó.

Một lẽ tự nhiên khi thị trường không trong xu hướng tăng giá mạnh mẽ thì chúng ta không nên sở hữu nhiều cổ phiếu. Nhưng tất nhiên vẫn còn một số cổ phiếu chưa bị mất xu hướng tăng giá, hoặc đi ngang có thể tăng giá tiếp.

Theo đó, kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng khoảng 30-35%, đến nay thị trường đã tăng gần đến kỳ vọng. Nói như vậy để thấy, vẫn còn rất nhiều cơ hội để NĐT kiếm tiền.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 13/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định NH mẹ không được cấp tín dụng cho CTCK trực thuộc, nhưng với quy định hạn chế đối tượng được cho CTCK vay nợ theo dự thảo Thông tư Ủy ban Chứng khoán đang xây dựng, khối công ty này liệu có tìm được nguồn vốn hỗ trợ NĐT? Trong quá khứ, để “né” các quy định liên quan đến chỉ tiêu an toàn vốn, không ít ngân hàng thương mại đã lựa chọn hình thức bơm vốn cho CTCK thông qua một bên thứ ba. Khi CTCK bị siết các đối tượng được vay vốn, tín dụng cho chứng khoán rất có thể vì lý do này mà trở nên u ám.

Tuy nhiên, ông Michael Kokalari cũng không quên nhấn mạnh rằng, để tìm kiếm cơ hội thì hiện tại NĐT cần quan tâm trên thị trường chứng khoán và biết trả lời những câu hỏi đại loại như: Mô hình kinh doanh của công ty đó có tốt hay không? Giá cổ phiếu và các chỉ số định giá đang ở mức nào và có hợp lý hay không?...

Thị trường đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi trật tự các cổ phiếu: lĩnh vực có chỉ số beta cao như môi giới, ngân hàng, bất động sản, xây dựng; lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như xây dựng, bất động sản, tài chính; lĩnh vực giá trị cực độ (extreme value - phân bổ trên nhiều lĩnh vực).

Bên cạnh đó, nếu dựa theo tâm lý NĐT và các sự kiện thì hiện nay có 3 yếu tố để hiểu tâm lý NĐT.

 Thứ nhất, không bao giờ mua cổ phiếu trong xu hướng giảm. Thứ hai, chỉ mua cổ phiếu đang trong xu hướng tăng giá hoặc đang tích lũy nhưng sớm vào xu hướng tăng. Cuối cùng là bán khi xu hướng tăng đang có dấu hiệu kết thúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhảy tàu hay lên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO