Nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích, tránh tâm lý "bầy đàn"

Hồng Nga| 27/03/2021 03:26

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang là “điểm sáng” của khu vực và thế giới nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích, tránh tâm lý

Nền kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm có 8 “điểm sáng”. Trong đó, mặc dù dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát nhưng cơ bản đã được kiểm soát, hoạt động bán lẻ tiếp tục phục hồi và tăng khá, xuất khẩu tăng mạnh (cán cân thương mại duy trì thặng dư), lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, giải ngân đầu tư công và vốn FDI khởi sắc ngay từ đầu năm, mặt bằng lãi suất tăng nhẹ và tỷ giá cơ bản ổn định, thị trường chứng khoán tăng khá và thị trường bất động sản đang phục hồi.

Chia sẻ tại hội thảo “Thị trường chứng khoán Việt Nam 2021: Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 27/3/2021, TS. Lê Anh Tú - Cố vấn cấp cao PwC, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ các hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại và làn sóng dịch chuyển FDI mạnh mẽ. Mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục được duy trì ở mức thấp và việc đẩy mạnh thoái vốn hay cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục thúc đẩy phát triển.

z2402701946849-a4726cc422920d5-9080-7441

Tập Đoàn Green+ ký kết thỏa thuận hợp tác cùng 3 đối tác chiến lược là Công ty Sato Yakuhin Kogyo (Nhật Bản), Ngân hàng Vietcombank CN Bình Tây và Công ty CP Chứng khoán TPHCM (HSC)

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài và cả trong nước. Cụ thể, dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, sản xuất và phân phối vắc-xin còn chậm đến các nước đang phát triển, căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán, địa chính trị phức tạp và thiên tai cùng với những rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu. Trong nước, thâm hụt ngân sách, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng, khối doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 trong khi triển khai gói hỗ trợ còn chậm, nợ xấu tăng và rủi ro hoạt động tăng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm và việc tận dụng các FTA chưa tốt.

Nền kinh tế tăng trưởng sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, có nhiều yếu tố mang đến cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện như Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ  ngày 1/1/2021. Cùng với đó, nền kinh tế vĩ mô vững chắc, triển vọng phục hồi và phát triển khá tốt. Quy mô thị trường, lượng giao dịch ngày càng lớn, chỉ số P/E ở mức hấp dẫn so với thị trường các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, thu nhập tăng nhanh cùng với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường chứng khoán dẫn đến dòng vốn từ cá nhân vào thị trường nhiều hơn.

IMG02886-JPG-8699-1616825523.jpg

Các chuyên gia, doanh nhân tham dự hội thảo "Thị trường chứng khoán Việt Nam 2021: Cơ hội và thách thức". Ảnh: Minh Phú

Với việc Chính phủ thực hiện đẩy mạnh đầu tư công, ban hành cơ chế chính sách thu hút làn sóng dịch chuyển FDI vào Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, rà soát điều chỉnh các gói kích thích kinh tế, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán cũng đối diện với nhiều thách thức như triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, quy mô thị trường còn nhỏ so với các nước trong khu vực và thiếu ổn định. Các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng, tính minh bạch và chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răng đe. Bên cạnh đó, hạn chế về hạ tầng dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh ảnh hưởng đến niềm tin thị trường. Nguy cơ bong bóng trên thị trường do lượng vốn từ các nhà đầu tư mới (F0) chưa có nhiều kiến thức về thị trường chứng khoán và nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững (chủ yếu là cá nhân, chưa chuyên nghiệp…)

Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch CLB Các nhà kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn Green cho rằng, mặc dù có nhiều cơ hội tốt nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 vẫn còn đối mặt với những khó khăn, rủi ro. Trong đó, đáng chú ý là diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng trên thế giới, nguy cơ từ rủi ro lạm phát, tỷ giá, sự chuyển hướng của dòng đầu tư sang các lĩnh vực khác…

Trước thực tế này, ông Cấn Văn Lực đề nghị sớm ban hành các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán 2019 song song với việc đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Cùng với đó, cần thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2023. Phát triển nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp nhiều hơn song song với việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường…

“Trong bối cảnh mới, xu hướng mới, yêu cầu mới sẽ có cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức mới vì thế, nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích đầu tư, tránh tâm lý bầy đàn theo phong trào và hãy là nhà đầu tư thông thái…”, ông Cấn Văn Lực khuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích, tránh tâm lý "bầy đàn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO