Ngừng cho vay tuần hoàn và trả nợ trước hạn?

LÊ PHAN| 30/09/2016 08:32

NHNN vừa ban hành Công văn số 6960/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh cho vay để trả nợ trước hạn hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn.

Ngừng cho vay tuần hoàn và trả nợ trước hạn?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Công văn số 6960/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh cho vay để trả nợ trước hạn hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn. Đây được xem là động thái nhận diện rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ đặt ra không ít thách thức và khó khăn cho cả phía ngân hàng lẫn doanh nghiệp (DN). 

Đọc E-paper

Từ trước đến nay, việc cho vay để trả nợ trước hạn diễn ra thường xuyên tại các ngân hàng. Ngoài mục đích để kéo dài khoản vay, tránh bị chuyển nhóm nợ quá hạn, thì việc vay để trả nợ trước hạn có thể giúp DN cơ cấu lại các khoản vay vốn nhằm tiết giảm tài chính, nhất là khi mặt bằng lãi suất đi xuống.

Nợ xấu tăng?

Trong khi đó, cho vay tuần hoàn được nhiều ngân hàng áp dụng như là một hình thức để gia hạn nợ khi khách hàng gặp khó khăn hoặc dòng tiền về không kịp. Tuy nhiên, theo yêu cầu của NHNN, các ngân hàng phải thu hồi nợ gốc và lãi khi hết thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng, không được tái tục toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc đã cho vay.

Với yêu cầu dừng cho vay như trên, khả năng nợ xấu của các tổ chức tín dụng có thể tăng lên trong thời gian tới, vì nhiều khoản vay trong các ngân hàng đã được đảo nợ, gia hạn nợ trong nhiều năm qua theo các hình thức cho vay kể trên. Khi nợ xấu tăng lên sẽ khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như làm giảm hệ số an toàn vốn.

Trong tình hình nợ xấu chưa xử lý được bao nhiêu, nợ xấu chỉ chủ yếu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và "đóng băng" tại đây thì với lượng nợ xấu có thể tăng lên trong thời gian tới từ chính sách trên càng làm tăng rủi ro cho toàn hệ thống.

Chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng?

Một khách hàng khi có thể cơ cấu nợ để đưa các khoản vay vốn về mức lãi suất thấp hơn sẽ có thể tiết giảm được chi phí tài chính. Cụ thể một DN khi nhận thấy nhu cầu vốn sắp tới sẽ giảm, có thể chọn tái cấu trúc kỳ hạn khoản vay bằng cách vay vốn ngắn hạn để trả nợ cho các khoản vay dài hạn trước đây, từ đó có thể giảm được lãi suất vay.

Hoặc khi thấy khoản vay hiện tại đang phải chịu lãi suất cao hơn so với lãi suất thị trường, khách hàng có thể xin vay vốn theo mức lãi suất thị trường để trả nợ cho khoản vay đang chịu lãi suất cao hơn.

Tuy nhiên, nếu ngân hàng thắt chặt và dừng cho vay để trả nợ trước hạn, DN sẽ mất cơ hội này. Với những DN gặp khó khăn thì khả năng để đảo nợ cũng không còn, do đó các khoản vay có thể chuyển thành quá hạn và phải chịu lãi suất phạt, theo quy định là 150% lãi suất thông thường.

Các DN trước đây thay vì lựa chọn các khoản vay ngắn hạn để được lợi về lãi suất thì nay có thể lựa chọn vay ở các kỳ hạn dài hơn để đảm bảo nguồn vốn ổn định cho sản xuất, kinh doanh. Điều này có thể càng làm căng thẳng thêm nguồn vốn huy động trung dài hạn của các NH vốn đang chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu huy động vốn.

Với hình thức cho vay tuần hoàn, nhiều DN trước đây lựa chọn phương thức này để tận dụng vay ngắn hạn thay vì vay dài hạn, do lãi suất vay ngắn hạn thường thấp hơn đáng kể so với các khoản cho vay dài hạn.

Nhưng nếu sắp tới các ngân hàng ngừng hình thức cho vay tuần hoàn theo yêu cầu của NHNN thì DN có thể lựa chọn kỳ hạn dài hơn cho những khoản vay, do e ngại nếu vay ngắn hạn thì các khoản vay sẽ sớm đáo hạn nhưng không còn được lựa chọn tuần hoàn cho các khoản vay này.

Với kỳ hạn vay dài hơn, chi phí tài chính của DN tăng lên là điều tất yếu. Chẳng những vậy, chi phí có thể tăng lên cho cả phía ngân hàng lẫn DN, như chi phí làm hồ sơ, thẩm định, đánh giá lại hồ sơ, phê duyệt. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay thời gian qua vẫn chưa giảm được về mức mong muốn thì sắp tới DN có thể gặp thêm khó khăn từ hệ quả của chính sách trên.

Tác động đến lãi suất?

Như đã nói ở trên, các DN trước đây thay vì lựa chọn các khoản vay ngắn hạn để được lợi về lãi suất, thì nay có thể vay ở các kỳ hạn dài hơn để đảm bảo nguồn vốn ổn định cho sản xuất, kinh doanh. Điều này có thể càng làm căng thẳng thêm nguồn vốn huy động trung dài hạn của các khoản vay, vốn đang chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu huy động vốn.

Khi dư nợ cho vay trung dài hạn tăng lên, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dĩ nhiên cũng chịu áp lực tăng. Hiện tại tỷ lệ này theo quy định đang ở mức trần 60%, nhưng đến đầu năm 2017 sẽ giảm về 50%. Một khi tỷ lệ này tăng lên buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn, hệ quả là lãi suất tiền gửi có thể tăng.

Với chất lượng nợ tại các tổ chức tín dụng được nhận diện rõ hơn và nợ xấu có thể tăng lên, lợi nhuận đối diện với nguy cơ giảm sút, các ngân hàng có thể treo lãi suất cao ở các khoản vay có chất lượng tốt hoặc thậm chí tăng lãi suất để bù vào phần thu nhập bị mất đi ở các khoản nợ xấu. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay càng khó có thể giảm được theo như định hướng của NHNN.

Khi chi phí tài chính tăng, DN có thể điều chỉnh giá bán sản phẩm, dịch vụ nhằm duy trì biên độ lợi nhuận, nhưng cũng có thể gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng, từ đó có thể tác động tiếp tới lạm phát và lãi suất.

>Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh việc cho vay tuần hoàn

>Nợ xấu và kế giương Đông, kích Tây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngừng cho vay tuần hoàn và trả nợ trước hạn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO