Ngán OTC, chán IPO…

BÌNH AN| 17/12/2009 08:24

Thị trường cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) hơn một tháng qua gần như ngưng trệ. Đồng cảnh với chợ OTC là các đợt niêm yết lần đầu (IPO) gần đây...

Ngán OTC, chán IPO…

Thị trường cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) hơn một tháng qua gần như ngưng trệ. Ngay tại các chợ OTC vốn sôi động nhất cũng trầm lắng khi kẻ mua người bán đều vắng bóng. Đồng cảnh với chợ OTC là các đợt niêm yết lần đầu (IPO) gần đây...


OTC nguội lạnh

Cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (MB) - “ông vua” trên thị trường OTC, trị vì hơn một năm qua, giờ đây cũng chẳng có mấy người mua bán, dù giá chỉ còn 25.000 đồng/cổ phiếu. Khác hẳn với quang cảnh tranh mua, giành bán nửa năm trước, hàng loạt cổ phiếu OTC không chỉ xuống giá khá nhanh, mà tính thanh khoản cũng kém đi rất nhiều.

Cổ phiếu MB, một thời náo nhiệt trên sàn OTC, giờ cũng chẳng mấy người mua

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sen Vàng (GLS) cho hay, tại nhiều công ty chứng khoán, bộ phận môi giới OTC cũng đang “ngồi chơi xơi nước” vì giao dịch quá ít và nhà đầu tư dường như không quan tâm đến thị trường này. Ông Chinh nói “ngay cả báo chí cũng rất hiếm những bài viết về thị trường này, nên việc nhà đầu tư không mặn mà và thị trường nguội lạnh cũng là điều dễ hiểu”.

Trưởng bộ phận môi giới một công ty chứng khoán cho biết, từ đầu tháng 12 đến nay, phí thu được từ dịch vụ này của GLS chỉ khoảng 5 - 10 triệu đồng/ngày, chỉ bằng 10% so với hai tháng trước. Lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán lo ngại sắp tới, nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng sẽ lần lượt lên niêm yết và thị trường OTC sẽ ngày càng ảm đạm. Theo nhà đầu tư Hà Thị Kiều My (sàn Rồng Việt), chị và bạn bè đã thôi giao dịch tại chợ OTC từ hơn nửa tháng nay do tính thanh khoản của OTC quá yếu, mua mà không bán được, nên đã nhảy sang thị trường niêm yết.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC cho rằng, OTC gần đây đã mất hấp dẫn dần với nhà đầu tư, chưa kể những vụ tai tiếng và rủi ro khá lớn luôn chực chờ nhà đầu tư. Hiện nay, sàn giao dịch UPCoM (giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết chính thức hoạt động) tại Hà Nội, nơi mà cổ phiếu OTC đảm bảo tính pháp lý, thanh khoản, minh bạch... hơn sàn OTC tự do, vậy mà vẫn đang èo uột thì chợ OTC “đóng băng” cũng không phải là chuyện lạ.

Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, giai đoạn từ tháng 3 - 7/2009, giá nhiều cổ phiếu OTC đã lên quá cao và nay giảm về đúng giá trị cũng là điều bình thường. Chưa kể nhiều loại OTC được định giá khá cao trước khi lên sàn, rồi rơi nhanh chóng khi niêm yết cũng đã làm nhiều nhà đầu tư vỡ mộng và hết hứng thú với OTC. Hiện nay, cổ phiếu niêm yết đang quá dồi dào, rồi phát hành thêm và nguồn tiền không còn đổ mạnh vào như trước nên rất khó để chảy sang OTC. Nhà đầu tư lỡ mua cổ phiếu trên OTC cách đây vài tháng có lẽ chỉ chờ đợi cổ phiếu mình sở hữu sẽ sớm lên niêm yết.

IPO ế ẩm

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Hà Nội (HNX), từ đầu năm đến nay, hai Sở đã tổ chức IPO cho hơn 30 doanh nghiệp, nhưng lượng cổ phần đấu giá thành công khá khiêm tốn. Như Công ty cổ phần Bến bãi Sài Gòn chỉ bán được 22.000/600.000 cổ phần, Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi) bán được hơn 50.000/2,4 triệu cổ phần, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Sài Gòn bán được 45.000/1,6 triệu cổ phần chào bán, Công ty Nông sản Thực phẩm Xuất khẩu Cần Thơ bán được 39.000/10,3 triệu cổ phần. Có doanh nghiệp phải đấu giá tới bốn lần để hoàn tất IPO như Công ty Du lịch Bình Thuận; hay buộc phải hủy các phiên đấu giá cổ phần do không có nhà đầu tư tham gia như Công ty Du lịch Tà Cú...

Lý giải về sự ế ẩm của hoạt động IPO trong thời gian qua, ông Lê Đạt Chí (Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, cơ chế IPO và bán cho nhà đầu tư chiến lược còn nhiều bất hợp lý, thiếu những phiên IPO của doanh nghiệp lớn như MobiFone, VinaPhone, BIDV..., nên nhà đầu tư ít quan tâm.

Còn ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), thì đánh giá phương thức tính giá IPO của nhiều doanh nghiệp có vấn đề và giá đưa ra đã khiến nhà đầu tư “bỏ chạy”. Nhiều chuyên gia đề nghị doanh nghiệp có thể chia nhỏ lượng cổ phần chào bán ra thành nhiều đợt với mức giá hợp lý.

Cách làm này vừa đảm bảo nguồn cung thị trường không “bội thực”, vừa hoàn thành được mục tiêu chuyển đổi cổ phần hóa, nhằm thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có ý kiến đề xuất nên chuyển sang phương thức thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, nước ngoài trước khi chào bán ra công chúng, vì họ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn so với nhà đầu tư cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngán OTC, chán IPO…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO