Ngân hàng tìm cách tăng vốn

27/06/2009 02:40

Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn thì việc tăng vốn quả là một chặng đường gian nan cho các ngân hàng khi phải tăng mức vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỉ đồng vào ngày 31/12/2010.

Ngân hàng tìm cách tăng vốn

Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn thì việc tăng vốn quả là một chặng đường gian nan cho các ngân hàng khi phải tăng mức vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỉ đồng vào ngày 31/12/2010.

Việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam để có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng vào thời hạn chót 31/12/2008 theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP chưa đáp ứng được 100% tiến độ. Nay thời hạn phải tăng mức vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỉ đồng vào ngày 31/12/2010 lại đặt ra nhiều thách thức mới cho các ngân hàng.

Do vậy, ngay từ đầu năm 2009, một trong những nội dung quan trọng được nhiều ngân hàng trình tại đại hội cổ đông là thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn thì việc tăng vốn quả là một chặng đường gian nan cho các ngân hàng.

Gian nan tăng vốn

Hầu hết chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc tăng vốn của các ngân hàng theo lộ trình quy định có đạt hay không phụ thuộc phần lớn vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Nếu thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng ảm đạm như thời điểm cách đây ba tháng hoặc như trong năm 2008 thì việc huy động vốn không hề đơn giản.

Theo TS.Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị, Đại học Ngân hàng, có nhiều cách để ngân hàng tăng vốn điều lệ như thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, đại chúng, hoặc theo hình thức trái phiếu chuyển đổi, không chuyển đổi, tăng tỷ lệ lợi nhuận giữ lại (nội sinh), tìm kiếm đối tác chiến lược trong và ngoài nước…

Trước đây, khi thị trường tài chính phát triển ổn định, các ngân hàng khi muốn tăng vốn thường nhắm đến các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước. Nhưng hiện nay, do quy định hạn chế các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành, nên việc huy động vốn từ kênh này hầu như khép lại. Do vậy, cánh cửa để huy động vốn cho ngân hàng hiện nay chỉ còn trông chờ vào cổ đông hiện hữu là chính.

Thế nhưng, việc huy động vốn từ nguồn lực này hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở những cổ đông lớn. Ông Lâm Hoàng Lộc, người đã có trên 15 năm làm việc trong ngành ngân hàng, đồng thời có góp vốn tại một số ngân hàng, cho rằng việc tăng vốn của các ngân hàng theo lộ trình dễ mà không dễ, điều đó tùy thuộc vào thị trường chứng khoán.

Những năm trước, một số ngân hàng có mức chia cổ tức khá cao, 25-30% năm. Còn hiện nay, việc tăng vốn liên tục khiến cổ phiếu bị pha loãng, tỷ lệ cổ tức chỉ còn hơn 10% năm. Vì vậy, có cổ đông hiện hữu sẵn sàng tiếp tục bỏ vốn với điều kiện nắm được quyền chi phối, nhưng nhiều cổ đông cũng tỏ ra chán nản do kết quả hoạt động không mấy khả quan của các ngân hàng trong năm qua.

Việc phát hành thêm cổ phiếu để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân đang là giải pháp được nhiều ngân hàng lựa chọn hiện nay. Để đảm bảo đợt phát hành thành công, hầu hết ngân hàng chọn cách bán cổ phần ngang với mệnh giá, thay vì bán giá cao hơn như những năm trước. Nhưng ông Lộc cho rằng cách này cũng khó thu hút nhà đầu tư vì còn nhiều kênh đầu tư khác có mức lời khá hấp dẫn như vàng, bất động sản…

Việc tăng vốn điều lệ bằng phương thức phát hành cổ phiếu ra công chúng trong thời điểm này cũng là bài toán khó. Do thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh, đồng thời đứng trước thách thức lớn từ chênh lệch cung cầu khi một số doanh nghiệp lớn đang chuẩn bị lên sàn như Vietinbank, Vietcombank... và rất nhiều cổ phiếu chuẩn bị niêm yết bổ sung.

Ngoài ra, một số ngân hàng lớn không bị sức ép về vốn theo quy định nhưng vẫn tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mộ hoạt động theo lộ trình phát triển của mình. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua về vốn trong thời gian tới giữa các ngân hàng khiến cho việc huy động vốn càng khó khăn hơn.

Để hạn chế rủi ro trong đợt tăng vốn lần này, hầu hết ngân hàng đều chuẩn bị sẵn nhiều phương án như chào bán riêng lẻ cho các tổ chức kinh tế trong nước, phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài…

Vốn ngoại không dễ

Việc huy động nguồn vốn ngoại của các ngân hàng cho đến thời điểm này vẫn hết sức khó khăn, mặc dù trong thời gian gần đây có những nhận xét khá lạc quan về tình hình kinh tế trong và ngoài nước.

Những tiêu chí để các nhà đầu tư nước ngoài xem xét đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng là quản trị rủi ro tốt, có ban điều hành chuyên nghiệp, tính minh bạch cao. Ngoài ra, họ cũng quan tâm đến những chỉ số quan trọng và phổ biến trong ngành ngân hàng như lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), nợ khó đòi (NPL), tỷ lệ doanh thu từ phí chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh thu...

Tuy nhiên, những tiêu chí trên chỉ có số ít ngân hàng Việt Nam đáp ứng được, còn lại đa phần đều yếu, nhất là vấn đề quản trị rủi ro chưa đạt những chuẩn mực cần thiết so với khối ngân hàng ngoại đang hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không ít định chế tài chính lớn trên thế giới phải đối mặt với phá sản, hoặc đang chật vật củng cố cho chính bản thân trước khi tìm hướng đầu tư và hỗ trợ các đối tác bên ngoài. Điều này đã khiến một số ngân hàng trong nước e ngại việc đàm phán sẽ không hiệu quả, nên kế hoạch bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài đang phải điều chỉnh lại.

Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, kể cả khi hợp tác với cổ đông chiến lược nước ngoài, các ngân hàng cũng khó tránh khỏi việc phải cạnh tranh với ngân hàng con của chính đối tác có mặt tại Việt Nam. Còn việc quỹ đầu tư nước ngoài góp vốn vào ngân hàng, thành viên hội đồng quản trị của một ngân hàng TMCP cho rằng: “Tôi không tin họ sẽ gắn bó lâu dài. Đầu tư chiến lược thực ra là việc họ bỏ vốn nhiều thì sau này rút ra nhiều chứ không có nghĩa họ có cùng một mục tiêu phát triển kinh doanh lâu dài”.

Do vậy, việc tìm cách tăng vốn của các ngân hàng vẫn còn ở phía trước, sẽ như thế nào, nếu các ngân hàng không đáp ứng số vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng vào ngày 31/12/2010?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng tìm cách tăng vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO