Muốn M&A phải có hàng hóa tốt

ĐẶNG XUÂN MINH - Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam (TRÌNH TIÊU ghi)| 26/07/2015 06:16

Nói đến M&A là nói đến mua bán, và đòi hỏi phải có hàng hóa tốt, chất lượng, đồng thời phải thu hút được người có tiền đến mua.

Muốn M&A phải có hàng hóa tốt

Diễn đàn M&A 2015 sẽ diễn ra vào tuần đầu của tháng 8, các nhà đầu tư hy vọng thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) lớn, doanh nghiệp chất lượng để sớm có những cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A), đầu tư chiến lược, đặc biệt là thu hút những nhà đầu tư tầm cỡ.

Đọc E-paper

Năm 2015 xuất hiện nhiều điều kiện thuận lợi, như quy định nới room cho nhà đầu tư theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP, mở về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong DNNN, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Việt Nam sắp ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do cùng các đối tác lớn và các quy định chính sách vừa được sửa đổi trong Luật Kinh doanh, Luật Đầu tư, nhưng cũng có những thách thức.

Trong đó, chúng ta cần chú ý đến hai yếu tố. Thứ nhất, cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư trưc tiếp và gián tiếp: Đông Nam Á luôn là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Tầng lớp trung lưu đang ngày một tăng mạnh chính là một thị trường tiêu thụ khổng lồ.

Các công ty nước ngoài ưa thích thị trường lao động giá rẻ và trẻ tuổi ở các nước đang phát triển như Campuchia, Indonesia và Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài truyền thống tại khu vực Đông Nam Á là Nhật Bản.

Các DN Nhật Bản đầu tư 24 tỷ USD vào Đông Nam Á trong năm 2013, gấp 3 lần so với số tiền họ đầu tư vào Trung Quốc trong năm đó. Hoạt động mua lại của Nhật Bản tại ASEAN được dự báo vẫn tiếp tục nhộn nhịp trong ngắn hạn. Việt Nam phải cạnh tranh với các quốc gia ASEAN trong việc thu hút dòng đầu tư này.

>>Chấm dứt kỷ nguyên lao động giá rẻ tại Trung Quốc

Thứ hai, chất lượng DN, quy mô DN của Việt Nam còn nhỏ so với các quốc gia trong khu vực và khó có thể trở thành mục tiêu của các thương vụ M&A quy mô lớn.

Mặt khác, thiếu vốn cũng là một trở ngại cho các thương vụ M&A tại Việt Nam. Quan sát trên thị trường, có nhiều DN muốn tìm đối tác để chuyển nhượng nhưng không thực hiện được.

Ở chiều hướng ngược lại, nhiều DN Việt Nam muốn thực hiện chiến lược M&A nhưng không thu hút và thu xếp được nguồn vốn. Tuy nhiên, qua một khảo sát của Diễn đàn M&A Vietnam trong số các nhà đầu tư và DN, đến 69% tin tưởng vào sự tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.

Những thay đổi đáng kể nhất là Luật DN, Luật Đầu tư và quy định về nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, sự thay đổi này cũng chỉ là một yếu tố, không phải là yếu tố quyết định để thu hút đầu tư.

>>Nới room cho khối ngoại: Kỳ vọng vào nguồn vốn mới

Nói đến M&A là nói đến mua bán, và đòi hỏi phải có hàng hóa tốt, chất lượng. Đồng thời phải thu hút được người có tiền đến mua.

Chính vì vậy, giới quan sát đánh giá cao các cuộc xúc tiến đầu tư của Chính phủ và Bộ Tài chính tại các thị trường Nhật bản, Mỹ để có thể thu hút được dòng vốn đầu tư từ đây.

Chương trình cổ phần hóa DNNN với việc cổ phần hóa 432 tổng công ty và DN lớn trong năm 2014–2015 hứa hẹn tạo ra nguồn hàng khổng lồ cho M&A, song những gì diến ra trên thực tế không như kỳ vọng.

Chúng ta cần biết rằng, trong số 432 DNNN cổ phần hoá có nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều chất lượng khác nhau, có DN làm ăn hiệu quả, có DN lỗ.

Vì vậy, nhìn tổng thể, không phải dễ dàng để cổ phần hoá tất cả các DN này. Trong số các DN này cũng không phải tất cả có thể là mục tiêu cho các nhà đầu tư lớn. Các nhà đầu tư sẽ đánh giá DN nào tốt, hoặc có tiềm năng thì mới tiến hành đầu tư chiến lược hoặc mua lại toàn bộ.

>>TP.Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN

Hoạt động M&A được kỳ vọng tạo nên giá trị mới cho DNNN được cổ phần hóa, thêm nguồn cung cho các thương vụ M&A. Thông điệp của Chính phủ đã rõ ràng về thực hiện cổ phần hoá các DNNN, đặc biệt là sẽ cổ phần hoá các DN có quy mô lớn.

Vấn đề ở đây là lộ trình thực hiện. Nhìn vào tổng thể, không thể ngay lập tức cổ phần hóa hàng trăm DN chỉ sau một tuần. Nhà nước muốn bán bớt cổ phần tại các DN này, nhưng với quy mô, trình độ phát triển, hiệu quả của nhiều DN thì không dễ để tìm kiếm người mua ngay.

Thị trường M&A Việt Nam năm 2014 đạt giá trị 4,2 tỷ USD, với mức tăng trưởng 20% so với năm trước và động lưc của thị trường là khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Một số thương vụ M&A gắn liền với cổ phần hoá DNNN trong năm qua đã được thực hiện. Các cuộc IPO là tiền đề cho các cơ hội M&A.

Lấy ví dụ, một DNNN bán một tỷ lệ cổ phần cho nhà đầu tư và người lao động, sau đó chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Sau khi chuyển sang mô hình này, sẽ thuận lợi hơn trông việc bán cho đối tác chiến lược hoặc nhà đầu tư mua lại.

>>M&A DNNN: Nên "nới room" trên 51%

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muốn M&A phải có hàng hóa tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO