M&A ngân hàng: Chuyện bàn tới năm sau

MINH NGUYỄN| 13/11/2012 00:23

Toàn cảnh kinh tế vĩ mô trong năm 2013 gần như đã bộc lộ hết khi tháng 10 kết thúc cho thấy gánh nặng trên vai các ngân hàng chưa được giải tỏa.

M&A ngân hàng: Chuyện bàn tới năm sau

Toàn cảnh kinh tế vĩ mô trong năm 2013 gần như đã bộc lộ hết khi tháng 10 kết thúc cho thấy gánh nặng trên vai các ngân hàng (NH) chưa được giải tỏa. Sức ép này tạo thành "tối hậu thư” buộc nhiều NH phải lên phương án mua bán và sáp nhập (M&A).

Theo đó, ngoại trừ sự thành công trên phương diện kiềm chế lạm phát và tỷ giá, dữ liệu kinh tế ở hầu hết các lĩnh vực chưa có bước đột phá đáng kể sau hàng loạt giải pháp được cơ quan điều hành thực thi. Hai vấn đề lớn nhất của nền kinh tế là nợ xấu của ngành NH và hàng tồn kho của doanh nghiệp (DN) vẫn chưa có giải pháp xử lý khả thi.

Cụ thể, biến động của chỉ số HSBC PMI cho thấy điều kiện kinh doanh chưa ổn định, DN vẫn phải đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới. Cụ thể, chỉ số HSBC PMI giảm từ 49,2 điểm (tháng 9/2012) xuống còn 48,7 điểm (tháng 10/2012) cho thấy điều kiện kinh doanh thậm chí đang có chiều hướng xấu đi.

Đáng chú ý, trong bộ chỉ số cấu thành PMI, chỉ số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu giảm khá mạnh (chỉ số đơn hàng xuất khẩu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011) cho thấy sức cầu cả trong và ngoài nước cùng suy yếu, đặc biệt là những khó khăn của kinh tế thế giới ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam.

Thời gian giải phóng hàng tồn kho, do vậy, sẽ không chỉ phụ thuộc vào trong nước và còn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Các dữ liệu này cho thấy ngành NH và các khoản nợ xấu trong ngành thực sự khó giải quyết. Mặc dù giải pháp cho nợ xấu đã được bàn thảo từ đầu năm đến nay, song tiến độ xử lý khá chậm.

Hiện tại, số liệu về giá trị các khoản nợ xấu theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm khoảng 36.000 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm khoảng 8,8-10% tổng dư nợ (tương ứng khoảng 246.000-280.000 tỷ đồng).

Nói cho cùng, các bàn cãi xung quanh giá trị các khoản nợ xấu tạm thời chấm dứt song giải pháp để xử lý vẫn trong vòng tranh cãi. Theo lộ trình, ngày 15/11, NHNN sẽ trình Chính phủ đề án thành lập Công ty Mua bán nợ Quốc gia (AMC) với quy mô khoảng 60.000-100.000 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy giải quyết vấn đề nợ xấu sẽ còn kéo dài.

Khi nền kinh tế vĩ mô không có nhiều điểm sáng, áp lực tái cơ cấu sẽ thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) lĩnh vực NH ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong những phiên họp thường kỳ gần đây, Chính phủ liên tục nhắc nhở và yêu cầu NHNN hướng vào trọng tâm xử lý các NH yếu kém.

Trong 9 NH được đưa vào diện tái cấu trúc, 5 NH đã bắt tay thực hiện. Theo số liệu NHNN công bố, tính đến thời điểm hiện tại, còn 4 NH cổ phần nằm trong diện tái cơ cấu từ nay đến cuối năm 2012 gồm có GPBank, Navibank, TrustBank và Western Bank, do thanh khoản yếu kém.

Dù theo báo cáo của các NH này, nợ xấu chỉ trên dưới 2%, song theo kiểm tra của Thanh tra NHNN và kiểm toán độc lập, nợ xấu của các NH này lên tới hàng chục phần trăm, cá biệt có NH nợ xấu lên tới 60%, mất cả vốn điều lệ.

Từ nay tới cuối năm, nếu các NH này không có phương án phù hợp, NHNN cho biết sẽ có biện pháp bắt buộc. Riêng công ty tài chính sẽ có phương án sáp nhập với một số NH hoặc trở thành công ty trực thuộc NH trong thời gian tới.

Nói như ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, áp lực tái cơ cấu đang đè nặng các NH quy mô nhỏ, yếu kém. Vì trước diễn biến kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của DN kéo theo nợ xấu NH gia tăng.

Trong đó, với các NH nhỏ bên cạnh nợ xấu tăng cao thì vấn đề thanh khoản luôn bị đe dọa. Mặt khác, trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế đề án cơ cấu hệ thống NH được Chính phủ phê duyệt và ban hành sớm nhất trong tất cả các lĩnh vực.

Bởi thực tế khi thanh khoản của ngành NH suy kiệt sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế. Tuy nhiên, đây lại chính là cơ hội thúc đẩy cho hoạt động M&A lĩnh vực tài chính, NH nhỏ, hoặc ngay cả với NH lớn như Sacombank, Eximbank cũng có thể sẽ hợp nhất trong tương lai.

Tái cơ cấu hệ thống NH là cần thiết, song cũng phải thừa nhận trong thời gian qua, việc sáp nhập các NH còn có phần vội và dễ dãi. Bởi theo TS. Phạm Đỗ Chí, tái cơ cấu NH không phải là giảm số lượng để NHNN dễ bề quản lý mà tái cơ cấu NH thông qua hình thức M&A được xem là một cuộc cải tổ sâu đậm trong hệ thống tài chính - NH của Việt Nam, nên xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

Sau SHB và HBB, Đông Á cũng phát đi tín hiệu tái cấu trúc bằng giải pháp sáp nhập. M&A dường như là con đường ngắn nhất để các NH hợp sức trong giai đoạn cam go và tăng cường sức cạnh tranh trong thời gian tới. Ngoài ra, điều cần quan tâm hơn đối với các NH đó chính là sự phát triển "hậu M&A".

Vì thực tiễn cho thấy khoảng 70% các thương vụ M&A thường không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Ví dụ mới đây nhất là NH TMCP Sài Gòn Hà Nội công bố kết quả kinh doanh 9 tháng 2012. Theo đó, sau khi sáp nhập Habubank, 9 tháng SHB lỗ 1.105 tỷ đồng, trong khi 6 tháng (thời điểm trước sáp nhập) ngân hàng lãi hơn 600 tỷ đồng!

Về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo, nếu như không làm rõ được vấn đề nợ xấu, vấn đề sở hữu chéo và các vấn đề khác thì việc sáp nhập một NH này vào một NH khác không có ý nghĩa nhiều lắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A ngân hàng: Chuyện bàn tới năm sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO