![]() |
Lãi suất huy động giảm thấp, người gửi tiền mất lãi, trong khi đó, người vay cũng chẳng được hưởng lợi.
Đọc E-paper
Người gửi tiền chịu thiệt
Thông tin giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng (NH) từ 0,2%-0,4% từ đầu tháng 3 trở lại đây làm cho người gửi tiết kiệm chán nản. Theo chị Phương Thảo (Q.4), lãi suất tiền gửi có cũng như không, trong khi ở chiều ngược lại, thông tin về tăng giá xăng, giá điện liên tục diễn ra.
Tính từ sau Tết, cùng với việc giảm trần lãi suất huy động, các NHTM cũng đã nhanh chóng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa giảm lãi suất huy động VND thêm 0,2% so với đợt cắt giảm trước. Trước đó, DongABank đã đưa mức lãi suất huy động VND cao nhất về 6,6%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng.
Các kỳ hạn 1 tháng đến 5 tháng còn được hưởng lãi suất 4,3%-5,2%/năm. Theo biểu lãi suất mới của BacABank từ đầu tháng 3, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đến 5 tháng cùng có mức lãi suất 5,5%/năm; các kỳ hạn 6 tháng đến 8 tháng đều được hưởng lãi suất 6,65%/năm.
Tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), biểu lãi suất áp dụng từ ngày 2/3 vừa qua đã giảm 0,2-0,4%/năm ở một số kỳ hạn. Biểu lãi suất huy động VND của Techcombank từ 4/3 thể hiện đúng "đường cong" lãi suất, tức lãi suất cao dần với những kỳ hạn dài. Lãi suất cao nhất 6,36%/năm được NH này niêm yết cho kỳ hạn 24 tháng, lãi 4,4%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, giảm nhẹ so với trước...
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2014, các NHTM đã nhiều lần giảm lãi suất, đư lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006.
Mặc dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh được nhiều người lựa chọn. Khi được hỏi, lãnh đạo các NH cho rằng, dù lãi suất đã xuống thấp và ít khuyến mãi hơn nhưng nhu cầu gửi tiền vẫn lớn.
Điều này chứng tỏ kênh tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư vừa an toàn vừa hiệu quả, trong bối cảnh thị trường vàng ảm đạm, thị trường chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro, thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi.
Theo một lãnh đạo của Techcombank, lãi suất kỳ hạn tiền gửi dài ngày vẫn cao hơn so với ngắn ngày khoảng 1-1,5%. Do đó, người gửi tiền không bị thiệt thòi. "Lãi suất giảm cũng phần nào tác động đến tâm lý của khách hàng gửi tiền.
Nhưng trước tình hình hiện nay, tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn hơn. Chỉ một số ít khách hàng rút tiết kiệm mua nhà”, lãnh đạo Techcombank nói. "Tuy vậy, nếu có cơ hội đầu tư khác, chúng tôi sẽ rút tiền ngay. Vì với lãi suất quá thấp như hiện nay, người gửi tiền rất thiệt thòi", chị Phương Thảo chia sẻ.
Những tưởng đầu vào giảm thấp sẽ giúp người vay hưởng lợi lãi suất rẻ, nhưng thực tế ngược lại. Nhiều doanh nghiệp đánh giá, lãi suất cho vay chỉ được điều chỉnh xuống mức thấp cho DN có tình hinh kinh doanh tốt. Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty CP Sadaco, đánh giá "hiện nay mức độ hấp thụ vốn đã ở mức trầm cảm".
Mặt bằng lãi vay trung và dài hạn hiện nay vẫn còn cao ở mức 12% - 14%/năm so với thế giới. Với bản thân Sadaco, do làm hàng xuất khẩu nên Công ty có lợi thế hơn trong việc vay USD lãi suất thấp hơn tiền đồng.
Tuy nhiên, nguồn ngoại tệ thu về chủ yếu để trang trải vốn lưu động và hạn chế vốn vay NH, nhằm giảm chi phí trong hoạt động, thay vì "găm" ngoại tệ để chờ cơ hội biến động giá, hưởng chênh lệch như thời gian trước đây.
Rõ ràng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm cùng với xu hướng các kênh đầu tư khác chưa thực sự khởi sắc đã khiến cho dòng quay của đồng vốn tắc nghẽn, song không phải vì thế mà lãi suất cho vay được NH ồ ạt điều chỉnh giảm. Ngược lại, những người cần vốn, nhất là khách hàng cá nhân vẫn phải trả lãi suất vay trả nợ góp tháng mua nhà đến 13-15%/năm.
Về vấn đề này, một lãnh đạo Vietcombank Chi nhánh TP.HCM cho hay, lãi suất cho DN có tình hình kinh doanh tốt vay chỉ còn 5-7%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng chỉ được Vietcombank áp dụng cho các DN như Vissan. Còn mức lãi suất cho vay phổ biến vẫn là 9-10%/năm ngắn hạn. Riêng lãi suất cho vay trung, dài hạn, NH vẫn áp mức cao hơn 10-11%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, lãi suất cho vay thực tế đã giảm dần trong thời gian qua. Bởi để thu hút được người vay, NH phải cạnh tranh lãi suất mức thấp. Thậm chí, ở một số NH quy mô lớn, lãi suất cho vay chỉ còn 4-5%/năm, song vẫn không dễ cho vay.
Tiền vẫn chảy đều đặn vào hệ thống, nhưng tín dụng lại tăng chậm dù lãi suất thấp, nên sự cạnh tranh giữa các NH để hút tiền nhàn rỗi bằng các chương trình khuyến mại hay thưởng lãi suất cho các khoản tiền lớn là khá mờ nhạt, không như các năm trước.
Ngân hàng Nhà nước cần giảm thêm lãi suất huy động để kích cầu tiêu dùng vì nhu cầu tiêu dùng nội địa còn ở mức thấp và lạm phát đã được kiểm soát. Song, để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tính toán những phương án hợp lý nhất.
Có thể trước mắt tín dụng DN chưa thể kỳ vọng cải thiện nhanh thì riêng phân khúc khách hàng cá nhân được xem là có triển vọng tăng trưởng. Đặc biệt là đối với nhu cầu vốn tín dụng của cá nhân vay mua căn hộ tại các dự án chung cư.
Các NH nên hạ lãi suất để ít nhất có một đối tượng được hưởng lợi, thay vì tất cả đều phải hy sinh quyền lợi cho những NH làm sai trong mô hình tài chính này.
>Giảm lãi suất: Quả bóng ở chân ai?
>“Đã tới lúc thế giới tăng lãi suất cơ bản”
>Nhiều ngân hàng áp lãi suất huy động USD trên 5%
>Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm vàng và USD