Kịch bản nào cho chứng khoán cuối năm?

Khánh Phương| 11/12/2020 05:37

Gần 80 điểm là mức tăng của chỉ số VN-Index trong tháng 11 vừa qua, tương đương mức tăng 8,5%, đồng pha với sự bứt phá của chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ với các chỉ số liên tục thiết lập kỷ lục. Liệu các nhà đầu tư chờ đợi gì ở thị trường trong tháng cuối năm này?

Thận trọng cuối năm

VN-Index đã chinh phục thành công và đóng cửa trên mốc tâm lý 1.000 điểm trong tháng 11. Dù trong ngày đầu giao dịch tháng 12, thị trường bất ngờ điều chỉnh mạnh trước thông tin phát hiện ca nhiễm SARS-CoV2 ở TP.HCM, nhưng thị trường sau đó đã nhanh chóng phục hồi, khi tâm lý nhà đầu tư dường như đã không còn quá sốc với những diễn biến về dịch Covid-19.

Diễn biến VN-Index từ đầu năm đến nay

Diễn biến VN-Index từ đầu năm đến nay

Với những nhà đầu tư lạc chí còn tin rằng dịch Covid-19 lây lan và tái giãn cách xã hội thậm chí càng thúc đẩy dòng tiền rót vào chứng khoán, điều từng xảy ra trong tháng 4 đầu năm nay, khi việc áp đặt giãn cách xã hội toàn quốc đã không khiến thị trường lao dốc như dự đoán mà ngược lại còn phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy, khi nhiều người ngồi nhà bắt đầu tìm hiểu và tham gia vào chứng khoán, trong khi dòng vốn sản xuất, kinh doanh nhàn rỗi cũng tìm kiếm cơ hội nơi kênh đầu tư dù được đánh giá là rủi ro này.

Dù vậy, sự thận trọng là điều cần thiết vào giai đoạn này, khi thị trường hiện nay đã khác xa so với thời điểm tháng 4 hay tháng 7, với VN-Index khá nhạy cảm ở ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và xa hơn là vùng kháng cự mạnh quanh 1.025 điểm - cũng là vùng đỉnh cũ vào tháng 10/2018 và tháng 11/2019, mà thị trường đã không thể vượt qua.

Do đó, áp lực chốt lời sẽ ngày càng gia tăng khi VN-Index tiến gần đến vùng kháng cự này là điều tất yếu, nhất là khi thị trường đã có một đợt đi lên khá dài từ cuối tháng 7 đến nay và xa hơn nữa là cuối tháng 3. Nhiều cổ phiếu đã mang lại cho không ít nhà đầu tư khoảng lợi nhuận hàng chục phần trăm trong những tháng qua, thậm chí mức tăng còn tính bằng lần ở một số ít mã cổ phiếu có tính dẫn dắt.

Không ít công ty chứng khoán đã đưa ra những khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng trong thời gian còn lại của năm nay, và đặc biệt quan sát kỹ diễn biến của nhóm cổ phiếu dẫn đầu. Một khi các cổ phiếu này suy yếu và dòng tiền chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny), có lẽ đó là một trong những tín hiệu cảnh báo.

Những yếu tố hỗ trợ

Ngoài những yếu tố gây áp lực kể trên, thị trường hiện vẫn có những yếu tố hỗ trợ tích cực. Đầu tiên không thể không nhắc đến là động thái mua ròng trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên giao dịch gần đây. Đáng lưu ý là trong phiên ngày 2/12/2020, dù khối ngoại bán ròng hơn 1.005 tỷ đồng, nhưng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giao dịch bán thỏa thuận tại mã DIG là 1.644 tỷ đồng, do đó nếu loại trừ giao dịch này, khối ngoại vẫn mua ròng gần 639 tỷ đồng trên sàn HoSE, là mức mua ròng lớn nhất từ đầu năm đến nay.

123213-6768-1607581962.jpg

Theo đó, nếu tính từ ngày 18/11/2020 tới phiên ngày 3/12/2020, khối ngoại đã có 10 phiên mua ròng trong số 12 phiên giao dịch với gần 3.000 tỷ đồng, đánh dấu giai đoạn mua ròng mạnh mẽ nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện đến nay. Đi kèm với động thái mua ròng trở lại, nhiều quỹ đầu tư gần đây cũng dành những lời có cánh cho thị trường chứng khoán Việt Nam và thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn, cũng như kỳ vọng vào cơ hội nâng hạng thị trường trong những năm tới.

Dù kinh tế toàn cầu chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó không ít quốc gia rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam cho đến nay vẫn giữ được tăng trưởng dương. Các chỉ tiêu như lạm phát vẫn trong mục tiêu đề ra, tỷ giá ổn định và lãi suất giảm đã hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế. 

Với các hiệp định thương mại tự do quan trọng mới ký kết gần đây, từ EVFTA cho đến RCEP, kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục hưởng lợi, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng, trở thành chất xúc tác quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên là điều kỳ vọng của nhiều người.

Thực tế số nhà đầu tư mở tài khoản liên tục gia tăng trong năm nay là minh chứng rõ nhất thể hiện sự quan tâm của xã hội dành cho thị trường chứng khoán. Thống kê 10 tháng qua, số lượng tài khoản mở mới gần 290.000, nâng tổng số tài khoản lũy kế đạt 2,67 triệu, tương đương 2,8% dân số Việt Nam. Dòng tiền mới này đã góp phần không nhỏ vào sự đi lên của thị trường trong suốt thời gian qua.

Cuối cùng, với việc Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm, năm nay đánh dấu 20 năm thành lập thị trường chứng khoán, cũng như những thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và kế hoạch phát triển cho năm sau cũng sẽ là những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho thị trường trong ngắn hạn. Do đó, nếu có sự điều chỉnh giảm xảy ra, kỳ vọng sẽ qua mau và đó chỉ là dịp điều chỉnh cần thiết cho một đợt đi lên bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kịch bản nào cho chứng khoán cuối năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO