Hạ lãi suất, khi nào?

MINH HẰNG| 21/02/2012 09:56

Tuần qua, lãi suất tiếp tục là chủ đề được giới tài chính - ngân hàng quan tâm. Xung quanh việc lãi suất huy động (hiện là 14%/năm) nên được giảm ngay hay phải chờ một thời gian nữa mới giảm, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

Hạ lãi suất, khi nào?

Tuần qua, lãi suất tiếp tục là chủ đề được giới tài chính - ngân hàng quan tâm. Xung quanh việc lãi suất huy động (hiện là 14%/năm) nên được giảm ngay hay phải chờ một thời gian nữa mới giảm, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

Với ý kiến cho rằng cần hạ lãi suất ngay lập tức, cơ sở đưa ra là lạm phát đã giảm trong nhiều tháng và có thể tiếp tục giảm; thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, một số ngân hàng lớn đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay, chứng tỏ đã dư dả nguồn vốn.

Lãi suất cao trong suốt thời gian dài đem lại rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Điều này có thể dẫn tới sản xuất đình trệ, hàng hóa khan hiếm, đẩy lạm phát đi lên, khiến lãi suất không thể giảm được.

Chính phủ tuần qua cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có phương án giải quyết thanh khoản ngay trong quý I, từ đó giảm lãi suất ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp. “Thời điểm phù hợp” ấy, theo những người ủng hộ giảm ngay lãi suất là “càng sớm càng tốt”.

Luồng ý kiến thận trọng cho rằng việc lạm phát nước ta vẫn đang trong xu hướng giảm là bởi chính sách tiền tệ thắt chặt.

Dù lạm phát giảm là yếu tố quan trọng trong việc xem xét để giảm lãi suất, nhưng nếu đột ngột giảm lãi suất ngay có thể khiến những thành quả lâu nay phải đổ song đổ bể, mà bài học của năm 2009-2010 vẫn còn đó, rằng một sự nới lỏng chính sách tiền tệ không đúng thời điểm sẽ đẩy lạm phát và lãi suất tăng vọt trở lại.

Vẫn còn một số ngân hàng huy động lãi suất vượt trần, chứng tỏ vẫn có sự căng thẳng về thanh khoản, nên nếu dùng biện pháp hành chính để tùy tiện hạ nhanh lãi suất, thị trường sẽ bị bóp méo.

Phân tích sâu hơn, nguyên nhân gốc rễ của lạm phát và căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ở nước ta là do sự thiếu hiệu quả của đầu tư công, vốn ngân hàng bị chôn ở khu vực bất động sản tạo nợ xấu chưa được giải quyết… thì một khi chưa giải quyết được tình trạng này, chúng ta chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ.

Luồng ý kiến này cho rằng, toàn bộ thị trường và đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất lo ngại nếu thấy Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất ngay lập tức.

Trong ngắn hạn, cả các ngân hàng lẫn doanh nghiệp đều gặp khó khăn vì lãi suất cao, nhưng đó là cái giá phải trả để chữa dứt điểm căn bệnh của nền kinh tế.

Nên để thị trường tự điều chỉnh: Một khi hệ thống ngân hàng trở nên lành mạnh, khu vực kinh tế nhà nước đã tái cơ cấu và đi vào ổn định…, thì lãi suất sẽ tự động giảm xuống, thị trường phát triển bền vững. Mà để đạt được điều này, cần phải có thêm thời gian, có thể là từ quý II hoặc nửa cuối của năm nay.

Dường như Ngân hàng Nhà nước đang nghiêng về phía thận trọng, khi mới đây một đại diện của cơ quan này cho rằng để hạ lãi suất phải phụ thuộc vào thời điểm thuận lợi là khi lạm phát và tình hình thanh khoản ổn định.

Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục lấy thông tin về tình hình vay mượn lẫn nhau của các tổ chức tín dụng để căn cứ vào đó có những quyết định tiếp theo và đang chú trọng tới kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Việc bơm tiền của Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây chỉ nhằm duy trì thanh khoản cho hệ thống, như bơm vốn trên thị trường mở đều có kỳ hạn ngắn để các ngân hàng khó thể chuyển hóa lượng tiền nói trên thành tín dụng.

Tức là tín hiệu từ phía Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự nhất quán về chính sách, để các ngân hàng có khó khăn thanh khoản sẽ phải tiếp tục khó khăn, tạo một sức ép cần thiết cho các ngân hàng phải tự tái cấu trúc hoặc phải sáp nhập để tồn tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạ lãi suất, khi nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO