FDI còn đó những nỗi lo

LÊ PHAN| 10/04/2017 01:38

Với khả năng TPP thất bại, dòng vốn đầu tư rút ra khỏi các thị trường mới nổi trước việc FED tăng lãi suất nhưng FDI vẫn đổ vào Việt Nam khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

FDI còn đó những nỗi lo

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong quý I/2017 tăng đến 78% so với cùng kỳ năm 2016. Với khả năng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thất bại, dòng vốn đầu tư rút ra khỏi các thị trường mới nổi trước việc FED tăng lãi suất nhưng FDI vẫn đổ vào Việt Nam khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. 

Đọc E-paper

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng ký trong ba tháng qua đạt 7,71 tỷ USD, tăng 91,5%, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 2,9 tỷ USD, tăng 6,5%, vốn đăng ký tăng thêm 3,9 tỷ USD, gấp ba lần, giá trị vốn góp mua cổ phần 853 triệu USD, tăng 206% so với cùng kỳ 2016.

Dù TPP có khả năng thất bại nhưng dường như chưa thấy ảnh hưởng đến dòng vốn đổ vào Việt Nam. Có vẻ như các nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng vào một TPP không có Mỹ. Bên cạnh đó, thời gian qua Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nên càng trở nên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 16 FTA, trong đó có một số FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Khối Thương mại tự do châu Âu - EFTA (EFTA).

Một nguyên nhân khách quan nữa là việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập ngày 31/12/2015 với tổng dân số 600 triệu người, là cộng đồng có dân số lớn thứ ba thế giới, càng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ASEAN, mà Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn bởi chính trị ổn định, dân số trẻ, vị trí địa lý thuận lợi.

Trong tình hình đồng USD tăng giá và nhiều nước trong khu vực chủ động phá giá nội tệ, thì VND ổn định càng hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài. Đặc biệt dòng vốn tháo chạy từ các nước có đồng tiền giảm mạnh như Trung Quốc có thể lựa chọn chuyển sang Việt Nam. Trong khi đó, những căng thẳng về ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về lâu dài có thể kích thích các doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam.

Chính phủ chủ trương đẩy mạnh xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, chi phí gia nhập thị trường giảm xuống nên càng thu hút dòng vốn FDI là điều đương nhiên.

>>Tìm hiểu giải pháp đa dạng hóa dòng vốn FDI của Ireland

Tuy nhiên, dù dòng vốn FDI đăng ký tăng mạnh nhưng giải ngân chỉ tăng 3,4% và dòng vốn đăng ký mới chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ 2016, cho thấy dòng vốn từ các nhà đầu tư mới cũng như các dự án mới chưa phải tăng trưởng tích cực. Những năm qua, dòng vốn giải ngân thường chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng vốn FDI đăng ký, do nhiều nhà đầu tư nước ngoài thiếu năng lực tài chính hoặc thổi phồng con số đăng ký để gây ấn tượng.

Rõ ràng dòng vốn FDI trong những năm qua đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã lợi dụng cơ chế ưu đãi, thu hút vốn FDI của các địa phương, trong khi cơ chế giám sát chưa chặt chẽ nên từ đó gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, bên cạnh các chiêu trò chuyển giá, lỗ ảo lãi thật. Vì vậy, thời gian tới, trong khi tiếp tục nâng cao môi trường đầu tư, phải thắt chặt các điều kiện về đảm bảo môi trường, công nghệ xử lý xả thải để hướng đến một nền kinh tế xanh và sạch.

Một lĩnh vực rất quan trọng là cần có chính sách thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin bằng các cơ chế ưu đãi, thay vì thu hút các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến có mức độ rủi ro ô nhiễm môi trường cao. Với thế mạnh về nông nghiệp và công nghệ thông tin có tiềm năng phát triển thì rõ ràng hai ngành này cần được ưu tiên số 1.

Trong quý I vừa qua, Trung Quốc đã vươn lên là quốc gia có vốn FDI đăng ký lớn thứ ba, chỉ sau Hàn Quốc và Singapore, chiếm 10,6% tổng vốn đăng ký vào Việt Nam. Điều cần lưu ý là Trung Quốc không phải quốc gia có công nghệ nguồn, việc thẩm định về môi trường khi cấp phép đầu tư cần chặt chẽ.

Theo khảo sát 1.550 doanh nghiệp FDI từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI sẽ mở rộng hoạt động trong hai năm tới, cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, như đã nói, công tác quản lý và giám sát các nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề môi trường và cơ chế chuyển giá cần chặt chẽ hơn, và không phải ưu đãi đầu tư bằng mọi giá.

>>Hấp lực 10 tỷ đô và lời hứa môi trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FDI còn đó những nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO