Dòng vốn của doanh nghiệp tìm nơi an toàn?

LÊ PHAN| 14/09/2016 01:16

Dòng vốn của các doanh nghiệp thay vì đổ vào mở rộng sản xuất kinh doanh, lại đang "co mình" và tìm nơi trú ẩn an toàn ở kênh tiền gửi ngân hàng.

Dòng vốn của doanh nghiệp tìm nơi an toàn?

Có vẻ như dòng vốn của các doanh nghiệp thay vì đổ vào mở rộng sản xuất kinh doanh, lại đang "co mình" và tìm nơi trú ẩn an toàn ở kênh tiền gửi ngân hàng. 

Đọc E-paper

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), huy động vốn từ hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 8/2016 tăng khoảng 11% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng khá cao, cho thấy dòng vốn tiếp tục rót vào kênh tiền gửi ngân hàng bất chấp lãi suất đã giảm về mức thấp trong những năm qua. Tuy nhiên, đây có thể không phải là một tín hiệu thật sự đáng mừng.

Những yếu tố giúp tăng trưởng huy động vốn

Nếu so với mức tăng trưởng huy động vốn 8,36% tính đến tháng 10/2015 và 13,49% của cả năm 2015, thì con số 11% trong 8 tháng đầu năm nay là khá cao, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động đang ở vùng không hấp dẫn. Trần lãi suất đối với kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm về 5,5% từ ngày 29/10/2014 và duy trì suốt từ đó đến nay, trong khi thực tế lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên xoay quanh 6 - 7,5%.

Dù vậy, huy động vốn vẫn duy trì tăng trưởng tích cực trong 8 tháng qua. Dòng vốn bên ngoài rót vào Việt Nam tiếp tục tăng, cụ thể với nguồn vốn FDI 8 tháng qua đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ 2015, trong khi xuất siêu đạt gần 2,5 tỷ USD, giúp nguồn vốn lưu chuyển trong nền kinh tế tăng và cũng là một trong các nguyên nhân giúp huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng trưởng đáng kể.

Với tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát ổn định, thị trường vàng ngày càng kém hấp dẫn thì không loại trừ khả năng dòng vốn từ ngoại tệ và vàng chuyển dịch sang VND và gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Theo số liệu của NHNN thì tỷ giá đến cuối tháng 8 chỉ tăng 0,07% so với đầu năm, cho thấy mức độ rất ổn định nếu so với giai đoạn trước đây.

Trong khi đó, cầu tiêu dùng vẫn yếu, cụ thể theo Tổng cục Thống kê thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng qua chỉ tăng 9,3%, thấp hơn mức tăng 10,5% của cùng kỳ năm 2015.

Xu thế ưu tiên thắt chặt tiêu dùng và tăng tỷ lệ tiết kiệm vẫn đang được lựa chọn, do đó không có gì bất ngờ khi lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng qua chỉ tăng 1,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2015. Lạm phát thấp và tỷ lệ tiết kiệm cao cũng là các yếu tố giúp huy động vốn của ngành ngân hàng tăng trưởng tốt.

Dòng vốn "phòng thủ"

Một yếu tố cần lưu ý nữa là có vẻ như dòng vốn của các doanh nghiệp thay vì lựa chọn phương án mở rộng sản xuất, kinh doanh, lại đang co mình và tìm nơi trú ẩn an toàn ở kênh tiền gửi ngân hàng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng qua chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm 2015, cho thấy sản xuất đang chậm lại dù nền kinh tế đang ổn định dần.

Hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu cũng chậm lại với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng qua giảm sút 0,3% so cùng kỳ năm trước. Việc các doanh nghiệp giảm đầu tư sản xuất, kinh doanh và thừa vốn đem gửi ngân hàng trong bối cảnh hiện nay là yếu tố cần được xem xét.

Thật vậy, với nền kinh tế đang chứa đựng nhiều rủi ro, tỷ giá, lạm phát có thể chịu nhiều áp lực trong thời gian tới, lãi suất có xu hướng dâng trở lại và cải cách hành chính vẫn diễn ra chậm chạp thì các doanh nghiệp có vẻ như không mặn mà với việc mở rộng hoạt động.

Trong khi đó, những yếu tố ngoại lực như mức độ mở cửa ngày càng rộng theo các hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập từ cuối năm 2015 dù mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hầu như chưa chuẩn bị cho sự hội nhập. Vì lẽ đó, tạm thời đứng yên quan sát và duy trì nguồn vốn ở các kênh an toàn có thể là lựa chọn an toàn.

Cũng theo số liệu của UBGSTCQG, tăng trưởng phương tiện thanh toán 8 tháng qua chỉ ở mức 10,5%, thấp hơn tăng trưởng huy động vốn, cho thấy tiền đưa vào lưu thông trong nền kinh tế để kích thích sản xuất, kinh doanh gần như đã chảy vào ngân hàng. Đến lượt mình, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy vốn ra cho nền kinh tế, một phần vì nút thắt nợ xấu, phần nữa là doanh nghiệp có chất lượng tốt không có nhu cầu vay vốn.

Tăng trưởng tín dụng 8 tháng qua dù đạt 9,2%, tương đương so cùng kỳ năm ngoái nhưng dòng vốn thật sự chảy vào sản xuất, kinh doanh, các khu vực ưu tiên lại không như mong đợi. Gặp khó khăn trong việc đẩy tín dụng cho khu vực sản xuất, ngân hàng tìm cách tài trợ vốn cho các công trình cơ sở hạ tầng, điều đã diễn ra trong năm 2015.

Chưa biết dòng vốn tín dụng của ngân hàng chảy vào các công trình cơ sở hạ tầng đến thời điểm này là bao nhiêu, nhưng vừa qua NHNN lại tiếp tục có công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Đây là lần cảnh báo thứ 3 liên tiếp trong một năm trở lại đây về việc cấp tín dụng ở khu vực này.

Nếu dòng vốn của các ngân hàng rót vào cơ sở hạ tầng quá lớn sẽ dẫn đến không những rủi ro kỳ hạn cho các ngân hàng hiện nay, mà còn khiến dòng vốn tiềm năng trong tương lai dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bị thiếu hụt. Điều này sẽ càng làm lãi suất cho vay khó giảm được do nguồn vốn của ngân hàng đã bị mắc kẹt ở các công trình dài hạn.

Việc dòng vốn tín dụng khó chảy vào khu vực sản xuất, kinh doanh càng khẳng định luận điểm các doanh nghiệp đang không muốn mở rộng hoạt động và lựa chọn giải pháp phòng thủ trong thời điểm hiện nay.

Nếu điều này đang diễn ra thì sẽ tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới và làm suy yếu khả năng của các doanh nghiệp cũng như mức độ cạnh tranh của nền kinh tế.

>Hàn Quốc: Tiền gửi ngoại tệ giảm lần đầu trong 5 năm

>Chứng chỉ tiền gửi - "Bến đỗ" mới cho nguồn tiền tiết kiệm

>Cuối năm, lãi suất có tăng khi tín dụng tăng tốc?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng vốn của doanh nghiệp tìm nơi an toàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO