Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn

LÊ PHAN| 05/08/2016 08:32

Mặc dù được xem là phân khúc khách hàng trọng tâm của nhiều ngân hàng nhưng dư nợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) còn khá khiêm tốn và tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn

Mặc dù được xem là phân khúc khách hàng trọng tâm của nhiều ngân hàng nhưng dư nợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) còn khá khiêm tốn và tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng. Tuy có duy trì sự tăng trưởng trong những năm qua nhưng dư nợ của nhóm này chỉ xoay quanh khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế. 

Đọc E-paper

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 24/6/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 6,82% so với cuối năm 2015, trong đó ngành ngân hàng đã cho các SME vay đạt 1.029.792 tỷ đồng, tăng 2,62%, thấp hơn mức tăng trưởng chung.

Khó khăn nội tại của doanh nghiệp

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua, SME là nhóm dễ bị tổn thương nhiều nhất, trong đó nhiều doanh nghiệp (DN) đã thu hẹp kinh doanh, sản xuất, do đó nhu cầu vốn đã giảm đáng kể mặc dù nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số lượng DN ngừng hoạt động trong 7 tháng qua là 36.206 DN, tăng 11,9% so cùng kỳ và số DN giải thể là 6.422 DN, tăng 17,7% so cùng kỳ.

Do đặc thù là các SME, quy mô vốn nhỏ, kinh nghiệm và khả năng quản trị còn nhiều hạn chế, nên chất lượng thông tin tài chính của nhóm này còn thấp, báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy hoặc không qua kiểm toán độc lập nên chưa đáp ứng các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Năng lực sản xuất, kinh doanh của các SME cũng còn nhiều hạn chế, các phương án vay vốn chứa đựng nhiều rủi ro và thị trường tiêu thụ chưa ổn định.

Nhóm này hầu hết cũng không đủ tài sản để thế chấp, hoặc nếu có thì tính pháp lý vẫn chưa rõ ràng, giá trị đảm bảo thấp, không có khả năng phát mãi, do đó không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng. Trong khi các ngân hàng Việt Nam hiện nay khi cho vay vẫn chủ yếu nhìn vào giá trị tài sản bảo đảm, rất ít hạn mức tín chấp dành cho nhóm khách hàng này.

Với nhóm khách hàng cá nhân, nếu cho vay tín chấp, khi rủi ro xảy ra thì khả năng thu hồi khoản vay còn cao hơn do khách hàng còn các mối quan hệ, uy tín và sĩ diện, trong khi các SME chủ yếu dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn nên chỉ cần làm thủ tục phá sản.

Các ngân hàng sợ rủi ro

Với những yếu tố rủi ro đã đề cập ở trên, các ngân hàng dù đánh giá đây là nhóm khách hàng tiềm năng và trọng tâm cần phát triển trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện tại, nhưng vẫn chưa thật sự mặn mà đẩy mạnh cho vay.

Với điều kiện tín dụng ngày càng nâng cao trong tình hình rủi ro kinh tế và nợ xấu hiện nay, các ngân hàng đều xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ với những tiêu chí chặt chẽ, do đó hầu hết nhóm khách hàng SME rất khó để đáp ứng các tiêu chí này.

Do lo ngại trách nhiệm cá nhân cũng như trách nhiệm trước pháp luật, các đơn vị kinh doanh của ngân hàng cũng dè dặt khi cho vay nhóm khách hàng này do họ không đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện ngân hàng đặt ra, nhất là trong tình hình các vụ án khởi tố trong ngành ngân hàng ngày càng tăng lên.

Các doanh nghiệp nhỏ ít quan tâm các dịch vụ ngoài tín dụng, nên tương tác với ngân hàng bị hạn chế. Ảnh: Q.Hòa

Thống kê cho thấy, tỷ lệ nợ quá hạn của nhóm SME phát sinh trong quá khứ cao hơn so với các phân khúc cho vay DN lớn, trong khi khả năng khai thác và bán chéo sản phẩm cho các SME thường hạn chế do các DN này chỉ có nhu cầu vay vốn và giao dịch tài khoản.

Chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay cũng chú trọng đến các khách hàng truyền thống, khách hàng VIP. NHTM quốc doanh thì chú trọng bán buôn, tập trung vào các DN, tập đoàn nhà nước. NHTM tư nhân thì tài trợ vốn cho các DN sân sau và đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân mà gần như chưa quan tâm nhóm DN mới khởi nghiệp, các DN thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ.

Điều này cũng dễ hiểu khi các DN SME dễ ra đời và cũng dễ giải thể khiến phân khúc này chứa đựng nhiều rủi ro. Trong khi với các DN, tập đoàn lớn, khả năng phá sản là thấp hơn, hoặc nếu có thì cũng có thể được nhận các chính sách giải cứu vì thuộc dạng "too big to fail - quá lớn để ngã đổ”.

Ngược lại, việc tái cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm lãi vay cho nhóm khách hàng SME còn chậm, các ngân hàng cũng chưa quan tâm hỗ trợ nhiều cho các khách hàng SME khi nhóm này gặp khó khăn.

Đứng về phía nội tại của ngân hàng, nguồn vốn của các tổ chức này cũng đang bị kẹt ở các khoản nợ xấu, kẹt vào các khoản vay quá lớn cho các DN lớn. Do đó, ngân hàng cũng thiếu nguồn vốn trung và dài hạn ổn định với mức lãi suất hợp lý để đáp ứng theo nhu cầu của nhóm SME. Hiện tại, nhóm khách hàng này muốn vay vốn thời gian dài, lãi suất ưu đãi và ổn định chỉ có thể tiếp cận thông qua nguồn vốn JBIC.

Tìm những "cánh cửa" mới

Ngoài các ngân hàng, các SME có thể tìm đến các quỹ hỗ trợ cho SME để vay vốn, như: Quỹ Khoa học Công nghệ, các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ Bảo lãnh tín dụng SME của các tỉnh.

Tuy nhiên, một thực tế cần lưu tâm là tuy đã có quỹ bảo lãnh tín dụng SME nhưng vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả và đi vào thực tiễn. Bởi quỹ này sợ mất vốn, xét duyệt còn chặt hơn cả hồ sơ tín dụng gửi cho ngân hàng, do đó các DN thà gõ cửa các ngân hàng còn hơn tìm đến các quỹ này.

Các DN cũng cần cố gắng trở thành một mắt xích của chuỗi cung ứng cho các DN lớn, điều này sẽ giúp các DN không những đảm bảo ổn định thị trường đầu ra mà còn nâng cao tín nhiệm bản thân của DN, do đó sẽ được các ngân hàng đánh giá cao và dễ tiếp cận nguồn vốn vay hơn. Các DN cũng có thể sử dụng giải pháp cho thuê tài chính, vốn là một công cụ tài trợ vốn trung và dài hạn hiệu quả cho DN mà không cần tài sản thế chấp, đồng thời cũng giúp tránh được rủi ro về kỹ thuật, đổi mới được công nghệ.

Nhóm SME cũng có thể tìm cách tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ từ các ngân hàng nước ngoài, với lãi suất thấp hơn và thời gian cho vay dài hơn, trong khi các thủ tục, cơ chế cũng dễ dàng hơn. Hiên tại, Chính phủ cũng đã xây dựng các cơ chế, điều kiện để hỗ trợ các DN vay vốn ngoại tệ nước ngoài, như Nghị định số 219/2013/NĐ-CP về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh.

NHNN trong năm 2014 cũng ban hành Thông tư số 12/2014/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh và thông tư 25/2014/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể đứng ra vay và đem về cho các SME vay lại, đứng ra bảo lãnh cho các SME vay vốn từ nước ngoài và tìm kiếm thêm những nguồn vốn, dự án hỗ trợ cho các SME như nguồn vốn JBIC. Thực tế, thời gian qua dù chưa tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng nước ngoài, nhưng nhiều DN cũng đã linh hoạt vay vốn với nhiều hình thức, như vay của đối tác theo dạng mua máy móc, hàng hóa trả chậm, nhận đầu tư góp vốn từ đối tác, hoặc vay của cá nhân quen biết ở nước ngoài.

>Hỗ trợ vốn cho SME: Không nên đòi tài sản thế chấp

>SME Việt Nam: Số hóa hay trở nên "vô hình"?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO