Đãi vàng được cát

Phú Kiệt| 08/08/2012 09:31

Trên thị trường ít nhóm cổ phiếu nào gây mê hoặc giới đầu tư như cổ phiếu khoáng sản. Nếu có sóng thì tầm cỡ “sóng thần”, còn khi dòng tiền đã rút thì rút như “nước lũ”.

Đãi vàng được cát

Trên thị trường ít nhóm cổ phiếu nào gây mê hoặc giới đầu tư như cổ phiếu khoáng sản. Nếu có sóng thì tầm cỡ “sóng thần”, còn khi dòng tiền đã rút thì rút như “nước lũ”.

Đọc E-paper

80 năm tới điểm hòa vốn

Sau khi thôi làm HNX xanh vỏ đỏ lòng, bẵng đi một thời gian dài cổ phiếu SQC của Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn rơi vào lãng quên. Nhưng mới đây cổ phiếu này được quan tâm trở lại khi doanh nhân Đặng Thành Tâm, anh trai của Chủ tịch HĐQT, vừa đăng ký bán 22 triệu cổ phiếu.

Khối lượng giao dịch tương đương 20% vốn điều lệ của SQC, dự kiến thực hiện theo hình thức thỏa thuận trong 3 tuần đầu tiên của tháng 8. Ông Đặng Thành Tâm sẽ lãi trên dưới 1.000 tỷ đồng nếu chuyển nhượng thành công theo giá thị trường!

Năm 2011, SQC đạt doanh thu chưa tới 400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 81 tỷ.

Với vốn điều lệ 1.100 tỷ, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) SQC chỉ đạt 736 đồng. Với mức giá 6 chấm hiện tại, cổ phiếu này đang được thị trường giao dịch với mức P/E cao chót vót trên 80 lần. Nói một cách hình tượng, nếu lợi nhuận của SQC duy trì ổn định, nhà đầu tư (NĐT) mua cổ phiếu bây giờ thì 80 năm sau mới tới điểm hòa vốn - khoảng thời gian đúng bằng thời điểm diễn ra cuộc Đại suy thoái 1929 - 1932 tới nay!

Trong một lần ngồi nói chuyện thân mật với lãnh đạo một số lãnh đạo công ty chứng khoán và báo giới, ông Đoàn Ngọc Cương, thành viên HĐQT Công ty CP Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam - Minco (MIC), chia sẻ kỳ vọng của giới đầu tư đặt lên cổ phiếu khoáng sản ít khi dựa trên các chỉ số định giá thông thường mà trên yếu tố khác như tính độc quyền của giấy phép khai thác mỏ hay trữ lượng khoáng sản. Mà khoáng sản chưa khai thác nằm trong lòng đất nên hư hư thực thực không thể cân đong đo đếm chính xác! NĐT chấp nhận trả cho cổ phiếu khoáng sản một mức giá cao ngất ngưởng chủ yếu do yếu tố kỳ vọng.

Yếu tố hư ảo này góp phần tạo nên các cơn sốt cổ phiếu khoáng sản điên loạn không kém gì cơn sốt vàng trong quá khứ. Năm 2008, cổ phiếu MIC gây choáng ngợp khi tăng trần một mạch 28 phiên trần liên tiếp với thông tin liên doanh với đối tác Canada khai thác mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn.

Thậm chí, thời điểm đó, lãnh đạo Minco còn nhận định giá MIC có thể tăng tiếp vì trước khi lên sàn được chuyển nhượng tự do với giá 360.000 đồng/CP. Năm 2009, thị trường lại chứng kiến sự lên ngôi của cổ phiếu KSH thuộc Tập đoàn Khoáng sản Hamico. Ngôi sao này thậm chí còn rực rỡ hơn khi có 36 phiên tăng trần liên tục - một kỷ lục chưa bị phá vỡ của TTCK Việt Nam.

Giống MIC, thông tin hỗ trợ KSH là việc triển khai dự án khai thác mỏ vàng Sa Khoáng (Bắc Cạn). Điều đáng quan tâm là sau khi dòng tiền đầu cơ rút đi, cả hai đều giảm mạnh rơi về mốc xuất phát ban đầu. Thời gian trôi qua, chẳng biết vàng khai thác được đến đâu nhưng kết quả kinh doanh của cả hai chỉ tầm tầm không mấy khởi sắc.

Khi SQC mới lên sàn cũng được săn đón nồng nhiệt nhờ thông tin khai thác và sản xuất quặng titan có trữ lượng lớn. Cơn săn đuổi những những cổ phiếu này khiến không ít kẻ phất lên mà cũng không ít người phải trắng tay.

Hồn khoáng sản, thân chăn nuôi

Bất chấp nhiều vố thua đau với cổ phiếu khoáng sản, vào đầu năm nay giới đầu tư tiếp tục choáng ngợp với những con sóng bạc đầu: cổ phiếu KSA của Công ty CP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận tăng giá gần 5 lần, cổ phiếu BKC của Khoáng sản Bắc Cạn tăng giá gấp 3 lần, cổ phiếu BGM của CTCP Khoáng sản Bắc Giang tăng 2 lần... Những tay phân tích kỳ cựu thay vì liếc đồ thị lại hỏi thăm nhau: “Nhóm nào lái cổ phiếu khoáng sản?”.

Nhưng giới hạn giữa kỳ vọng và ảo vọng rất mỏng manh: BKC vừa báo lỗ 2 quý liên tiếp, BGM báo không có doanh thu do ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh. May thay vẫn có công ty duy trì kết quả kinh doanh tốt sau 6 tháng đã hoàn thành kế hoạch năm như Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Khoáng sản Bình Định (BMC). Nhưng đã bị đầu cơ quá mạnh đa số các cổ phiếu khoáng sản đều đang xì hơi tìm về đáy cũ xác lập đầu năm nay.

Gắn mác khoáng sản nhưng lĩnh vực kinh doanh của nhiều công ty cũng như lẩu thập cẩm. Chẳng hạn, KSH  ngoài chuyện đi lập công ty truyền thông, xây dựng nhà máy rút thép, thì mới đây còn đi lập thêm trang trại chăn nuôi. |

Nói về kế hoạch kinh doanh hoành tráng gấp 5 lần so với con số thực hiện trong năm 2011, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT KSA, cho biết, Công ty tự tin vì KSA có nhiều mảng kinh doanh như khai thác khoáng sản, đầu tư BĐS, khai thác kinh doanh cát và nông sản, cao su. Thế nhưng vào lúc “sốt”, NĐT thường không có thời gian quan tâm đến yếu tố này.

Trong quá khứ không ít bê bối trên thị trường gắn với cổ phiếu khoáng sản. Chẳng hạn, với cơn sốt năm 2009, bà Đào Thị Kiều, cổ đông nội bộ của KSH và hai cá nhân khác, đã bị xử phạt vì giao dịch nội gián. Giới brocker còn kháo nhau một môi giới có tiếng ở TP.HCM còn được thưởng một xe Mercedes vì đã có công “lái” cổ phiếu KSS tăng giá 5 lần một cách ngoạn mục. Có lịch sử được đầu cơ mạnh và thi thoảng lại có sóng hồi sau khi đã giảm mạnh nên cổ phiếu khoáng sản vẫn đang trong tầm ngắm của không ít NĐT.

Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khóan Kim Eng Việt Nam, nhận xét: “Cách đây vài tháng, ở thời kỳ sôi động, nhóm cổ phiếu khoáng sản được chuyển nhượng với khối lượng cao kỷ lục trong lịch sử. Hiện tại, khối lượng sang tên chỉ nhỏ giọt cho thấy dòng tiền đầu cơ đã rút đi. Tôi chưa nhìn thấy khả năng phục hồi của nhóm cổ phiếu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đãi vàng được cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO