![]() |
Các cổ phiếu Large Cap chiếm 75% tổng giá trị vốn hóa thị trường, bao gồm hơn 20 mã có vốn hóa lớn trên hai sàn HoSE và HNX, giữ vai trò dẫn dắt và lôi kéo các nhóm cổ phiếu còn lại.
Cung tín dụng mở rộng, dòng vốn FDI vào nền kinh tế tiếp tục đạt mức cao, tỷ giá ổn định, nợ xấu ngân hàng đang được tích cực xử lý, giá dầu đang đà hồi phục là động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán thời gian qua, tạo nền tảng để VN-Index chinh phục đỉnh.
Đóng góp vào quá trình tăng điểm của VN-Index không thể không nhắc tới các cổ phiếu nhóm Large Cap. Đây là nhóm cổ phiếu kéo chỉ số vượt qua các ngưỡng kháng cự về tâm lý, gia tăng giá trị giao dịch cho toàn thị trường.
Có thể kể tên những cổ phiếu đại diện trong nhóm Large Cap là Vinamilk, Vietcombank, Vingroup, Masan, FPT... Những biến động về giá của các cổ phiếu này đều tác động không nhỏ đến sự biến động của chỉ số VN-Index, bởi vì giá trị giao dịch của các cổ phiếu này chiếm tỷ trọng cao trên thị trường và thu hút dòng tiền của khối ngoại cũng như dòng tiền của nhóm nhà đầu tư tổ chức.
Các cổ phiếu nhóm Large Cap đã thay đổi cục diện thị trường. Tính đến tháng 11/2017, chỉ số VN-Index tăng hơn 20%, đứng đầu khu vực ASEAN, giá trị vốn hóa thị trường tăng hơn 30%, giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2016.
Đầu tháng 11/2017, cổ phiếu của Công ty CP Vincom Retail giao dịch tại HoSE với giá tham chiếu 33.800đ/CP với mã VRE, giá trị vốn hóa của VRE vào khoảng 64.256 tỷ đồng, xấp xỉ 2,7 tỷ USD. Trong những phiên đầu tiên chào sàn, các nhà đầu tư đã thỏa thuận 414,9 triệu cổ phiếu VRE phần lớn ở mức giá 40.600đ/CP, với tổng giá trị 16.861 tỷ đồng.
Trong số này, khối ngoại đã mua vào hơn 396,6 triệu cổ phiếu và bán trên 260,4 triệu cổ phiếu. Điều này đã khiến VRE thiết lập kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam về thanh khoản của một cổ phiếu nói riêng và toàn thị trường nói chung
Giá trị giao dịch trên sàn HSX (nguồn HSX.vn)
Với các nhà đầu cơ ưa thích lướt sóng trên những cổ phiếu có biến động về giá lớn, kỳ vọng kiếm được tỷ suất lợi nhuận 10 - 15% trong vài phiên có thể sẽ phải chấp nhận nhiều rủi ro. Nhưng thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư có thể "kiếm bộn" khi nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tính từ đầu năm tới nay, có thể thấy, trong danh sách 20 cổ phiếu Large Cap, chỉ trừ BVH giảm 8,23%, còn lại các cổ phiếu này đều có mức tăng giá ấn tượng. Cụ thể HPG tăng 91,93%, ROS tăng 74,54%, MWG tăng 73,22%.
Từ năm 2016 đến nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã lên sàn, trong đó có những cái tên như Sabeco, Habeco, Vietnam Airlines, VEAM..., tạo thêm nguồn hàng hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư rót vốn.
Gần đây, sự kiện IPO đấu giá của các doanh nghiệp nhà nước như Idico, BECAMEX, Thalexim, hay SCIC thoái vốn tại các doanh nghiệp như VNM, VCG, BMP, NTP, DMC cũng thu hút nhiều nhà đầu tư với số lượng đặt mua rất lớn.
Như vậy, cơ hội đang mở ra đối với các cổ phiếu Large Cap đang và sắp lên sàn từ những đợt IPO và thoái vốn, là động lực hỗ trợ xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm và sang năm 2018.