Chứng khoán Việt Nam: Nhà đầu tư chờ đợi gì trong năm 2019?

KHÁNH PHƯƠNG| 26/12/2018 03:28

Chỉ còn một tuần giao dịch nữa là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ kết thúc năm 2018 - một năm được đánh giá là đầy thăng trầm.

Chứng khoán Việt Nam: Nhà đầu tư chờ đợi gì trong năm 2019?

Thị trường chứng khoán Việt Nam một năm thăng trầm

Đứng trước ngưỡng cửa năm mới, điều gì đang chờ đợi các nhà đầu tư?

Một năm nhiều thăng trầm

2018 có thể coi là một trong những năm nhiều thăng trầm của các nhà đầu tư chứng khoán. Sau khi trở thành một trong những thị trường tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2017, chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng tốc những tháng đầu năm 2018, để rồi vào ngày 21/3 đã vượt đỉnh lịch sử 1.170 điểm đã tồn tại suốt 11 năm qua.

Chưa dừng lại, thị trường liên tiếp lập những kỷ lục mới và VN-Index đã vượt mốc 1.200 điểm để chạm đến mức cao nhất tại 1.204 điểm vào ngày 9/4.

Tuy nhiên, cũng từ đó, thị trường đã rơi vào những chuỗi ngày điều chỉnh với áp lực bán tháo không thương tiếc. Đặc biệt khi thị trường chuẩn bị bước vào "tháng 5 đau thương" với hiệu ứng "Sell in May and go away". Đà lao dốc tiếp tục duy trì trong quý II, kéo dài sang quý III và đầu quý IV, để rồi VN-Index chạm mức thấp nhất trong năm tính cho đến thời điểm này tại 880 điểm vào ngày 30/10.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhà đầu tư đã trải qua hàng loạt cung bậc cảm xúc, từ hào hứng, tin tưởng, thăng hoa rồi thất vọng, bi quan và chán nản cùng cực. Và không chỉ những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, những quỹ đầu tư, tổ chức cũng không ít phen bị "hố" với những dự báo đầy lạc quan cùng với thiệt hại từ những khoản đầu tư sai lầm.

Tính đến phiên giao dịch cuối tuần qua (21/12), VN-Index đang nằm tại 912 điểm, tức so với đầu năm đã giảm 72 điểm, tương đương giảm 7,3%. Tuy nhiên, nếu so từ đỉnh cao 1.204 điểm, VN-Index đã giảm đến 24,2%, tức đã rơi vào thị trường "con gấu", vốn được xác định bằng mức giảm 20% từ đỉnh cao đạt được gần nhất.

Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam cũng không phải quá buồn, khi mà hầu hết thị trường toàn cầu cũng đã rớt vào thị trường giá xuống và ghi nhận sắc đỏ so với mức điểm đầu năm nay. Trong đó đáng kể nhất là thị trường Trung Quốc chìm sâu đến mức Chính phủ phải ra tay can thiệp giải cứu.

Với mức tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam có thể vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho một số ngành nghề và cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn được lựa chọn.

Điểm tích cực của riêng thị trường chứng khoán Việt là trong khi các thị trường chứng khoán mới nổi và đang phát triển khác phải đối mặt với áp lực dòng vốn nước ngoài tháo chạy, thì về tổng thể, dòng vốn của khối ngoại vẫn ghi nhận sự rót ròng vào Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài 11 tháng đầu năm nay là 7,64 tỷ USD, tăng mạnh 44,4% so cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, thống kê giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường cổ phiếu từ đầu năm tính đến phiên ngày 21/12 cũng ước đạt gần 43.000 tỷ đồng. Việc chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi vào cuối tháng 9 cũng là một trong những điểm son đáng nhớ trong năm nay.

Chờ đợi gì cho năm 2019?

Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa là thị trường sẽ kết thúc năm 2018, theo đó nếu VN-Index không thể phục hồi trở lại và lấy lại được mốc 985 điểm thì thị trường sẽ ghi nhận năm đóng cửa trong sắc đỏ lần đầu tiên sau 6 năm liên tiếp tăng trước đó. Nếu điều đó thật sự xảy ra, có lẽ sẽ là một vết đứt gãy không mong muốn của thị trường.

Dù vậy, nhà đầu tư cũng không nên quá buồn phiền, vì sự tăng giảm là điều tất yếu. Thay vào đó nên nhìn vào tương lai với sự lạc quan và tìm kiếm những cơ hội mới. Dù những cảnh báo về rủi ro thế giới khủng hoảng hay suy thoái thì kinh tế và chứng khoán Việt nói chung vẫn có những yếu tố hỗ trợ tích cực trong năm sau.

Đầu tiên là ổn định vĩ mô có thể tiếp tục được duy trì, với chuyện lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt trong những tháng cuối năm nay sẽ trở thành nền tảng để kiểm soát tốt hơn trong năm 2019. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia mới công bố cũng đưa ra triển vọng lạc quan cho nền kinh tế, với khả năng tỷ giá tiếp tục ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4%, trong khi tăng trưởng kinh tế có thể duy trì được ở mức 7% như năm nay, mốc cao nhất trong 10 năm qua.

Với mức tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam có thể vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Điều này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho một số ngành nghề và cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn được lựa chọn.

Đặc biệt, vấn đề nâng hạng sẽ tiếp tục là niềm hy vọng cho các nhà đầu tư và là chất xúc tác cần thiết cho thị trường giữ được sức nóng. Bên cạnh đó, kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước cũng là yếu tố có thể hỗ trợ tích cực cho thị trường và là đòn bẩy để tiếp tục thu hút dòng vốn từ khối ngoại.

Dù vậy, những rủi ro tồn tại ngoài việc tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, tác động khó lường từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay khủng hoảng ở các nền kinh tế mới nổi, thì các yếu tố tác động tiêu cực trong nước có thể đến từ chính sách thắt chặt tiền tệ với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng và mặt bằng lãi suất đang chịu áp lực trước xu hướng tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán Việt Nam: Nhà đầu tư chờ đợi gì trong năm 2019?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO