Chứng khoán và nỗi ám ảnh tháng 5

KHÁNH PHƯƠNG| 28/04/2018 06:35

Sell in May and go away" (Bán tháng 5 và đi chơi xa) là câu nói cửa miệng của các nhà đầu tư chứng khoán trong suốt thời gian dài.

Chứng khoán và nỗi ám ảnh tháng 5

Và dường như điều này đã vận vào các thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng, khi tháng 5 là thời điểm chứng kiến thị trường có những phiên sụt giảm mạnh nhất trong năm.

Thống kê cho thấy, trong 17 năm qua kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, chỉ số VN-Index có 9 năm tăng và 7 năm giảm, trong đó 3 năm gần nhất là 2015, 2016 và 2017, thị trường đều ghi nhận mức tăng. Đáng lưu ý là vào tháng 5 năm ngoái, thị trường đã có diễn biến rất tích cực khi chỉ số VN-Index liên tiếp phát các ngưỡng kháng cự quan trọng để leo lên các đỉnh, trong khi thanh khoản cũng vượt trội.

Dù chênh lệch giữa số lần tăng và giảm không lớn, song điều cần lưu ý là tháng 5 thường chứng kiến nhiều phiên giảm điểm mạnh và thị trường chỉ phục hồi phần nào vào những phiên cuối tháng. Chính tâm lý bán ra trong tháng 5 và niềm tin của số đông rằng thị trường thường sụt giảm trong khoảng thời gian này cũng là yếu tố quan trọng gây áp lực giảm điểm lên thị trường.

Tháng 5 cũng là giai đoạn thị trường phải đối mặt với khoảng trống thông tin, khi mà hầu hết các tin tức kinh tế vĩ mô quan trọng đều được công bố vào quý I, từ kế hoạch định hướng của năm cho đến kết quả đạt được trong quý này. Trong khi đó, báo cáo tài chính kiểm toán năm và kết quả kinh doanh quý I cũng như kế hoạch năm và các cuộc họp đại hội cổ đông của doanh nghiệp cũng chủ yếu rơi vào tháng 3 và tháng 4, do đó đến tháng 5 chỉ còn những thông tin lác đác xuất hiện, khiến thị trường thiếu tin tức hỗ trợ dẫn tới xu thế thận trọng là chủ đạo trên thị trường.

Link bài viết

Đối với nhà đầu tư Việt Nam, kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5 cũng phần nào tác động tới quyết định giao dịch, do nhà đầu tư thường bán ra trước khi nghỉ lễ vì không muốn chịu phí margin cho những ngày thị trường không giao dịch. Như ngày 19/4 vừa qua, thị trường đã chứng kiến một trong những phiên giảm điểm mạnh nhất khi chỉ số VN-Index mất gần 44 điểm. Những lo ngại về quy định thắt chặt margin và kỳ nghỉ lễ cũng như tháng 5 đang đến gần đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Trong bối cảnh hiện tại, thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu sự ảnh hưởng theo diễn biến của những căng thẳng địa - chính trị, từ xung đột quân sự tại Syria, căng thẳng giữa Nga - Mỹ cho đến cuộc gặp sắp tới giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.

Riêng Việt Nam, dự thảo thuế tài sản gây xôn xao dư luận thời gian qua cùng với việc điều tra các thương vụ mua bán đất công, tài sản công trước đây đã ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Thị trường chứng khoán cũng đang "bội thực" nguồn cung khi quá nhiều thương vụ phát hành thêm và hàng loạt doanh nghiệp mới tận dụng thị trường đang tăng trưởng tốt để niêm yết.

Cụ thể, tuần từ 16/4 đến 20/4 có 4 doanh nghiệp với hơn 580 triệu cổ phiếu mới lên sàn, trong đó 555 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Tiên phong đi vào giao dịch. Và tuần từ 23/4 đến 27/4 sẽ có thêm 5 doanh nghiệp đưa gần 180 triệu cổ phiếu mới lên sàn.  Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đang chịu áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nội lẫn nhà đầu tư ngoại, khi nhiều đánh giá tiêu cực cho rằng định giá của những cổ phiếu này quá đắt.

Thống kê cho thấy, kể từ đầu tháng đến ngày 20/4, khối ngoại mua ròng trên toàn thị trường 2.281 tỷ đồng, nhưng nếu loại trừ phiên mua ròng 3.391 tỷ đồng tại Novaland hôm 20/4, thì khối ngoại đã bán ròng 1.110 tỷ, trong đó chủ yếu bán ròng trên sàn HOSE là 1.167 tỷ, mua ròng trên sàn HNX 242 tỷ và bán ròng trên sàn Upcom gần 185 tỷ đồng. Đây là giai đoạn bán ròng khá lớn theo sau những phiên bán ròng liên tiếp trong tháng 3 trước đó của khối ngoại.

Thông thường việc mua bán của khối ngoại cũng có tính chu kỳ khi họ thường mua ròng mạnh vào giai đoạn đầu năm và cuối năm, là thời điểm xuất hiện nhiều thông tin tích cực, trong khi giữa năm là thời điểm bán ròng, nhất là thời điểm tháng 5 với tâm lý "Sell in May" đã hiện diện ở các thị trường nước ngoài hàng chục năm qua. Động thái mua bán của khối ngoại tác động đến hành vi giao dịch của các nhà đầu tư trong nước là tất yếu.

Tuy nhiên, cũng có những năm khối ngoại lại mua ròng khá mạnh trong thời điểm này và giúp thị trường duy trì đà tăng. Như trong tháng 5/2014, khi thị trường giảm điểm rất mạnh, khối ngoại đã tích cực mua ròng và điều này đã giúp VN-Index tạo đáy trong tháng 5 và sau đó phục hồi mạnh mẽ. Như vậy có thể thấy hành vi mua bán của khối ngoại không chỉ chăm chăm bán trong tháng 5 mà vẫn có thể mua ròng nếu chứng kiến thị trường rơi mạnh về lại vùng giá hấp dẫn.

Chính vì vậy, đối với một bộ phận nhà đầu tư thì tháng 5 lại trở thành cơ hội để gom hàng giá rẻ và cơ cấu lại danh mục. Điều quan trọng là phải biết lựa chọn đúng những doanh nghiệp đang bị định giá thấp so với hiệu quả hoạt động và có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho giai đoạn kế tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán và nỗi ám ảnh tháng 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO