Chứng khoán trở lại hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”?

Khánh Phương| 12/07/2019 04:08

Chỉ số VN-Index trong tuần từ ngày 1-5/7/2019 tăng hơn 25 điểm, tương ứng 2,6%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019. Dù vậy, diễn biến giao dịch của thị trường vẫn gợi lên không ít tâm tư của các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.

Chứng khoán trở lại hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”?

Xanh vỏ đỏ lòng

Đầu tiên là hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng lại xuất hiện, khi thị trường tăng mạnh nhưng chủ yếu chỉ nhờ vào sự bứt phá ở nhóm đầu tàu là các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thống kê cho thấy nhóm cổ phiếu Vin gồm VHM, VRE và VIC đã đóng góp gần 9 điểm vào đà tăng của VN-Index trong tuần qua, trong đó VHM là mã tác động tích cực nhất khi góp 6,7 điểm.

Kế tiếp là cổ phiếu GAS đóng góp hơn 3,6 điểm cho VN-Index, bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch tích cực, khi đóng góp hơn 6 điểm vào mức tăng của VN-Index, trong đó VCB dẫn đầu với hơn 2,4 điểm, tiếp theo là CTG gần 2 điểm, BID và TCB đều hơn 1 điểm mỗi mã. Ngoài ra còn các mã cổ phiếu vốn hóa lớn khác như PLX góp 1,8 điểm, VNM gần 1,7 điểm. Như vậy, chỉ tính riêng 10 cổ phiếu vốn hóa lớn đóng góp nhiều nhất vào đà đi lên của VN-Index đã là 22,7 điểm. 

Ở chiều ngược lại, HPG đóng góp lớn nhất vào mức giảm điểm với gần 0,96 điểm, HDB 0,35 điểm, POW 0,34 điểm và BHN 0,2 điểm.

Dù VN-Index tăng mạnh nhưng sắc xanh không lan tỏa trên toàn thị trường, khi các cổ phiếu còn lại không quá nổi bật, ngoại trừ một số cổ phiếu sớm công bố kết quả kinh doanh quý II tích cực hoặc sắp chia cổ tức tiền mặt là tăng tốt.

Diễn biến trên cho thấy thị trường hiện tại vẫn đang khá thận trọng, trong khi sản phẩm chứng quyền bảo đảm đã chính thức được triển khai cũng chưa giúp gì nhiều cho việc hỗ trợ tâm lý thị trường.

Một điểm đáng chú ý khác là dù ghi dấu điểm số tăng mạnh nhưng thanh khoản vẫn chưa được cải thiện, khi khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE chỉ đạt 119 triệu cổ phiếu/phiên, giảm so với tuần trước đó.

Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng không có gì nổi trội, khi khối ngoại chỉ mua ròng hơn 46 tỷ đồng trong tuần, trong đó quỹ VNM ETF mua ròng dù khối lượng không lớn, với cổ phiếu POW được mua ròng nhiều nhất trên 150.000 cổ phiếu.

Triển vọng không quá bi quan nhưng khó bứt phá

Đà đi lên của thị trường trong tuần qua chủ yếu theo sự khởi sắc của chứng khoán toàn cầu và những kết quả tích cực của kinh tế trong nước trong quý II cùng với vốn đầu tư nước ngoài tăng.

Dù giới phân tích dự báo thị trường có thể sẽ khởi sắc trong tháng 7, với VN-Index có thể lên mốc 985 điểm hoặc 1.000 điểm, tuy nhiên nếu tiếp tục duy trì giao dịch với hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng và thanh khoản không cải thiện, thì đà tăng khó có thể bền vững khi không thể thu hút thêm dòng tiền mới tham gia.

Hiện nay dòng tiền cho chứng khoán đã phần nào bị san sẻ vào các kênh đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hay vàng. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 12-14%/năm thu hút không ít nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân, trong khi giá bất động sản tại nhiều địa bàn vẫn tiếp tục leo thang, còn giá vàng trong nước đã tăng 4,9% chỉ trong vòng 15 ngày.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên dù có thể mang lại thêm chất xúc tác nhưng sẽ khó có thể tác động sớm, do nhiều nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn và chờ đợi kết quả kiểm toán chính thức sẽ được công bố hạn cuối vào giữa tháng 8, khi quá khứ cho thấy không ít doanh nghiệp công bố lãi cao nhưng kết quả kiểm toán sau đó không tích cực như thế.

Thị trường sẽ tiếp tục bị dẫn dắt bởi diễn biến của chứng khoán quốc tế, mà sẽ phụ thuộc vào tiến độ của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung trong thời gian tới.

Nhà đầu tư cũng sẽ tập trung vào kết quả từ cuộc họp của FED cuối tháng 7/2019, vốn sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền ngoại và thị trường toàn cầu. Thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Mỹ nói riêng đã phản ánh kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất sẽ được đưa ra trong cuộc họp cuối tháng. Do vậy, nếu FED không hành động như thị trường kỳ vọng, thị trường Mỹ có thể sẽ điều chỉnh và kéo theo tâm lý các thị trường khác.

Trong khi đó, dòng tiền trong nước được dự báo cũng không có nhiều đột phá khi cung tiền trong nửa cuối năm nay khó có thể tăng mạnh, khi lạm phát cơ bản đã tiến sát về ngưỡng mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu năm ở 2%, trong khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được ưu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán trở lại hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO