Chứng khoán:Phân hóa sóng ngành

HOÀNG LONG| 16/09/2014 04:17

Sự phân hóa về nhóm ngành đang thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Chứng khoán:Phân hóa sóng ngành

Sự phân hóa về nhóm ngành đang thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Đọc E-paper

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán BVSC, trong hai tuần đầu của tháng 9, ngành vận tải biển có mức tăng mạnh với cả 5 mã vốn hóa lớn nhất ngành đều tăng điểm tích cực. Điều này đến từ kết quả kinh doanh quý II/2014 của nhóm các doanh nghiệp (DN) này, đặc biệt là nhóm vận tải xăng dầu, đều có kết quả tương đối khả quan cả về doanh thu và lợi nhuận.

Ví dụ, PXS tăng giá nổi bật nhất nhóm cổ phiếu dầu khí. Giá cổ phiếu tăng khá mạnh trong thời gian gần đây do sự kỳ vọng của nhà đầu tư ngày càng gia tăng khi hàng loạt dự án có giá trị lớn sắp được ký kết. Nếu hợp đồng này được ký kết, dự báo doanh thu năm 2015 của PXS sẽ tăng mạnh (hơn 50% so với ước tính doanh thu 2014 là 1.658 tỷ đồng đã đề cập trong các báo cáo trước đây).

Giá nguyên vật liệu giảm sâu, tiếp tục là ưu thế cho ngành thức ăn chăn nuôi giúp cho nhóm cổ phiếu ngành này khởi sắc (tăng 20%). Nguyên nhân là do giá nguyên liệu ngũ cốc như ngô, lúa mì, đậu tương đang cho thấy mức giảm khá mạnh.

Đặc biệt, giá ngô hiện nay đã chạm mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, giá đậu tương đồng thời cũng chạm mức thấp nhất trong 4 năm kể từ tháng 7 vừa qua. Theo đánh giá của các chuyên viên Công ty Chứng khoán VDSC, hiện nay, xu hướng giảm giá của các mặt hàng ngũ cốc sẽ là điểm nhấn thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi.

Đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi hiện vẫn chưa có sự thay đổi so với đầu năm. Thời gian tháng 9, tháng 10 đồng thời cũng là thời điểm nhập hàng của các DN thức ăn chăn nuôi. Với mặt bằng giá khá thấp hiện nay của các sản phẩm ngũ cốc, các DN trong ngành sẽ hưởng lợi nhất định khi gia tăng mạnh lượng hàng dự trữ với giá khá thấp.

Nhờ vậy, thức ăn chăn nuôi vì thế cũng được hưởng lợi, và nếu giá thành sản xuất được hỗ trợ bởi nguồn nguyên liệu giá rẻ thì rõ ràng ngành thức ăn chăn nuôi sẽ có nhiều ưu thế vào cuối năm.

Một nhóm ngành nên đặc biệt chú ý nữa đó là ngành bất động sản. Tính đến tuần thứ 2 của tháng 9, nhóm ngành có mức tăng cao (tăng 17%) nhờ những dấu hiệu hồi phục có phần rõ ràng của thị trường bất động sản. Điều này được phản ánh trên kết quả quý II của các DN niêm yết.

Theo thống kê, có 36/51 DN thuộc ngành này có kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng cho thấy sự tăng trưởng trở lại sau thời gian giao dịch khá trầm lắng trong tháng 7 với mức tăng 18% so với tháng trước.

Đặc biệt, nếu như tháng trước cổ phiếu này luôn nằm trong top bán ròng của khối ngoại, thì trong tháng 8, VIC đã được mua ròng trở lại với khối lượng 9,5 triệu đơn vị (tăng 189% so với tháng trước), trị giá gần 470 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lượng mua ròng 835 tỷ đồng đột biến vào cuối tháng.

Tương tự, ITA & KBC cũng là điểm sáng của phiên giao dịch tuần qua, sát với triển vọng tăng trưởng của DN bất động sản thuộc lĩnh vực khu công nghiệp.

Trong khi đó, khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong nửa cuối năm của ITA được chuyên viên ngành đánh giá cao sau thông tin tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang ở mức cao và tính đến hết tháng 8/2014, ITA đã hoàn thành gần 100% kế hoạch cả năm.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục thể hiện sự yếu thế khi là một trong những ngành có mức tăng thấp nhất thị trường, chỉ 1% trong suốt tháng 8.

Tính chung trong 3 tháng gần đây, nhóm ngành này chỉ tăng vỏn vẹn 4,1% với thanh khoản của các cổ phiếu trong nhóm duy trì ở mức thấp và giá thường xuyên giao dịch quanh mốc tham chiếu, ngay cả trong giai đoạn tăng chung của thị trường như trong tháng qua.

Theo Công ty Chứng khoán VDSC, 2 mã tăng mạnh nhất trong nhóm này là SHB và VCB cũng chỉ tăng 9%, thấp hơn nhiều so với những cổ phiếu đầu ngành khác. Rõ ràng, thị trường đang lưỡng lự nhưng trong đó sẽ có dòng tiền đang đi trước để nắm bắt các cơ hội. Mặc dù vậy, thời điểm này nhà đầu tư chỉ nên lựa chọn cổ phiếu mình am hiểu hoặc kiên nhẫn để không bị lầm khi chọn sóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán:Phân hóa sóng ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO